Dạy học trực tuyến: Tâm thế sẵn sàng và không gây áp lực

GD&TĐ - Dạy học trực tuyến thông qua Internet đang được nhiều trường học trên cả nước thực hiện. Một trong những điều mà nhiều bậc phụ huynh cũng như giáo viên e ngại là việc dạy trực tuyến ở cấp tiểu học.

Ảnh chụp màn hình một buổi tập huấn của chương trình “Đồng hành cùng giáo viên các tỉnh, thành” của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: NTCC
Ảnh chụp màn hình một buổi tập huấn của chương trình “Đồng hành cùng giáo viên các tỉnh, thành” của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: NTCC

Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Tạo tâm lý học qua máy tính

- Ông đánh giá thế nào về tình hình dạy học trực tuyến hiện nay trong các trường phổ thông?

- Năm học mới, hàng triệu học sinh phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh Covid-19, hình thức trực tuyến để học tập hay làm quen, chuẩn bị là lựa chọn của ngành Giáo dục. Nếu đặt trong biên độ so sánh, đây là điều cần làm bởi những gì chúng ta thấy liên quan đến việc phát triển liên tục của một bạn trẻ là rất cần thiết, thời gian lặng quá lâu làm cho đường dẫn phát triển năng lực và phẩm chất có thể bị ảnh hưởng.

Tình hình dạy học trực tuyến chắc chắn không thể như nhau ở các nơi, nhưng có thể nói, nước ta đã có những chủ trương rất kịp thời về vấn đề học phí, về đường truyền... Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh, thành đã có các giải pháp hỗ trợ học tập trực tuyến như: Củng cố cơ sở hạ tầng, trao tặng máy tính bảng và tiếp tục vận động phụ huynh, doanh nghiệp góp, trao tặng các thiết bị hỗ trợ học online cho học sinh khó khăn; chuyển sách đến tận nhà học sinh, sử dụng phiếu học tập giao bài làm quen và đánh giá ban đầu...

Bên cạnh đó, việc quan tâm triển khai cho học sinh đầu cấp vẫn thực sự khó khăn do những hạn chế về kinh nghiệm của cả người dạy và người học. Hơn nữa, việc tổ chức hoạt động làm quen hay học trực tuyến với học sinh lớp 1, lớp 2 đòi hỏi phải thực     sự tinh.

- Vậy để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả đối với học sinh phổ thông, nhất là khối tiểu học, thì nên thế nào, thưa ông?

- Để tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả, cần nhất những am hiểu về tâm lý của các em và nhất là học sinh tiểu học với những biểu hiện tâm lý rất đặc thù: Năng động, tích cực, thiếu cân bằng, thiếu kiên nhẫn, dễ bị thu hút bởi yếu tố màu sắc khi chú ý, cảm xúc mạnh mẽ và còn hạn chế về khả năng kiểm soát. Song song đó, giáo viên phải thực sự là nhà sư phạm và nhà tư vấn để có thể đồng hành và hỗ trợ học sinh tích cực đúng nghĩa thông qua người bạn công cụ Internet và thiết bị công nghệ.

Có thể đề cập đến một số yêu cầu cơ bản để dạy học trực tuyến hiệu quả cho học sinh tiểu học như sau:

Cho học sinh làm quen máy tính ban đầu với một số trò chơi, bài tập nhất là chơi tập (lưu ý chặt là không nên để con nghĩ máy tính là chỉ có trò chơi và có nhiều trò chơi); Tạo tâm thế sẵn sàng học qua máy tính, không gây áp lực từ học nhiều quá hoặc nhắc nhiều về cảm xúc tiêu cực khi học với máy tính hay so sánh với học trực tiếp; gợi hứng thú với con về việc học này.

Chuẩn bị một số hành vi, thói quen và kỹ năng học với máy tính, nhất là đừng quên nhắc việc chuẩn bị trang phục, cách thể hiện cảm xúc, thể hiện bản thân và cả nhu cầu cá nhân…; Có thể chú ý việc học cùng con ở giai đoạn đầu, sau đó ngồi xa ra và khuyến khích con tự học (nhất là với học sinh lớp 1); cùng con chia sẻ về các cảm xúc tích cực sau ngày học.

Động viên, khen ngợi và mở rộng những điều đã học bằng cách ứng dụng thực tế hay trải nghiệm bổ sung, thực hành có minh chứng dựa trên điều kiện thực tiễn để củng cố niềm tin và sự say mê của con cái trong học tập trực tuyến.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: NTCC
GS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: NTCC

Sự đồng hành của trường sư phạm

- Trường ĐH Sư phạm TPHCM đang triển khai chương trình bồi dưỡng miễn phí “Đồng hành cùng giáo viên các tỉnh, thành”. Vậy những giáo viên tham gia vào lớp bồi dưỡng này sẽ thụ hưởng gì cho việc dạy học online?

- Chương trình bồi dưỡng miễn phí “Đồng hành cùng giáo viên các tỉnh, thành” sẽ triển khai 12 lớp dành cho giáo viên các tỉnh, thành khu vực phía Nam, cũng là những tỉnh, thành mà trường chúng tôi phụ trách trong chương trình ETEP.

Chương trình bồi dưỡng chia thành năm khóa học cụ thể: Dạy học trực tuyến hiệu quả dành cho học sinh lớp 1 - 2; lớp 3 - 5; học sinh THCS, học sinh THPT và Khóa học dành cho giáo viên chủ nhiệm. Khi tham gia từng khóa học bồi dưỡng này, các yêu cầu cần đạt cơ bản là: Phân tích được một số cơ sở tâm lí, giáo dục trong tổ chức dạy học trên nền tảng trực tuyến và biện pháp dạy học trực tuyến tích cực, hiệu quả cho học sinh…

Điều quan trọng nhất là trong thời gian nén, người học sẽ được làm quen các kỹ thuật cụ thể, hướng dẫn thao tác, gợi ý các bí quyết, tips rất chi tiết để ứng dụng mà không nghiên cứu lý thuyết (phải tự học trước hay đọc bổ sung sau…).

- Sự phản hồi của giáo viên thế nào, thưa Giáo sư?

- Đến thời điểm này, gần 1.000 học viên đã đăng ký và chương trình cũng đã tổ chức được gần 2/3 lớp cho các sự lựa chọn ứng với 5 chương trình cụ thể. Học viên dù được các sở GD&ĐT giới thiệu nhưng bao gồm các cán bộ quản lý nhà trường, các giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà và nhất là chính lãnh đạo sở cũng tham gia cùng cho thấy tinh thần và suy nghĩ rất tích cực và hết lòng của thầy cô.

Cả 5 khóa học đều nhận được kết quả đánh giá tích cực, từng khóa đều đạt trên 90% hài lòng trong đó có khóa được đánh giá lên đến 98% hài lòng. Có thể minh chứng vài số liệu cụ thể: Gần 98% người tập huấn ở thành phố Cần Thơ khẳng định mình đã tự tin hoàn thành nhiệm vụ dạy học trực tuyến và 100% hài lòng về chất lượng của tập huấn và gần 2% mong đợi công tác hậu cần khi tổ chức lớp trực tuyến tốt hơn là những dữ liệu rất đáng ghi nhận.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.