Nhà trình tường trong văn hóa của người Hà Nhì

GD&TĐ - Thấp thoáng dưới màn mây trên các rẻo cao Lai Châu, những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì được gọi với cái tên mộc mạc là 'nhà nấm'.

Nhà trình tường đều lưng dựa vào núi, hướng mặt ra thung lũng.
Nhà trình tường đều lưng dựa vào núi, hướng mặt ra thung lũng.

“Nhà nấm” ở U Ní Chải

Ngược đèo quanh co, chúng tôi lên tới bản U Ní Chải của xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ. Ẩn hiện dưới màn mây, gần 130 ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì đen thấp thoáng trông giống như những “cây nấm” khổng lồ vươn lên giữa núi rừng.

Xoay quanh cách làm ngôi “nhà nấm” là cả một câu chuyện dài về phong tục của người Hà Nhì. Theo tập quán sinh hoạt, người Hà Nhì thường ở trong những ngôi nhà trình tường bằng đất với mục đích để chắn gió rét, mưa bão và thú dữ trên rừng. Nhà trình tường lưng dựa vào núi, hướng mặt ra thung lũng.

Những người già trong bản U Ní Chải kể lại: Mùa làm nhà thường tập trung vào những tháng cuối năm sau khi gặt hái xong, cũng là khi mùa mưa đã chấm dứt. Thời điểm đó, gia đình sẽ nhờ thầy cúng hoặc người cao tuổi trong làng chọn mảnh đất bằng phẳng để dựng nhà. Trước khi làm, chủ nhà sẽ đào 3 lỗ nhỏ, mỗi lỗ để 3 hạt thóc quay về 3 hướng. Sau đó úp bát lên rồi làm các thủ tục khấn gọi tổ tiên và thần linh.

Sau một đêm, gia đình mở những chiếc bát đó ra, các hạt thóc còn nằm nguyên thì có nghĩa là tổ tiên và thần linh cho phép họ dựng nhà ở chỗ đó. Nếu các hạt thóc quay đi hướng khác, tức là tổ tiên, thần linh không cho ở và phải đi tìm chỗ đất mới để làm nhà.

Sau khi chọn hướng, chủ hộ huy động anh em giúp ngày công chọn đá vuông vắn, vận chuyển về và xếp thành một mặt phẳng tạo nên móng nhà. Do sống trên núi có rất nhiều đá nên móng nhà đào không được sâu. Nếu chẳng may gặp hòn đá to thì họ phải đốt lửa để hòn đá bửa ra, đánh đi rồi mới xếp đá làm móng.

Tiếp đến là công đoạn trình tường, những thanh niên trai tráng trong bản đặt khuôn thẳng khít với móng nhà, cho một lớp đất dưới cùng dùng chày gỗ lèn kỹ. Sau khi lên được một lớp tường, họ nghỉ để tường khô mới đổ lớp đất tiếp theo. Trong thời gian đó, chủ nhà dùng thanh gỗ có bề mặt phẳng đập cho mặt tường phẳng, không để lồi lõm.

Những lớp đất cứ thế tiếp tục lèn lên đến hết khuôn rồi chuyển sang khuôn khác theo hình vuông của ngôi nhà. Theo bà con địa phương, tất cả các loại đất đều có thể trình tường. Tuy nhiên, để nhà bền, đẹp, không rạn, nứt, bong tróc nên sử dụng đất thịt màu vàng.

Đặc biệt, ở lớp ngoài cùng đất không được lẫn đá nhỏ. Tiếp đến, họ mới làm vách ngăn các phòng, xà nhà và lợp mái. Quan sát các góc tường, sẽ thấy các thanh tre hoặc gỗ to gần bằng ngón chân cái để tạo sự liên kết chắc chắn giữa bức tường ngang và dọc.

Một ngôi nhà trình tường thường phải làm từ 2 - 3 tháng mới xong. Sau khi hoàn thành nhà phải làm rãnh thoát nước xung quanh móng để nước mưa không ngấm vào tường, móng giúp độ bền nhà lâu hơn.

Những ngôi nhà trình tường ở bản U Ní Chải.

Những ngôi nhà trình tường ở bản U Ní Chải.

Nhà trình tường của bà con Hà Nhì chiều rộng cũng tương đương chiều dài, nên ngôi nhà tựa như hình vuông. Từ trên cao nhìn xuống giống như những cái nấm bằng đất khổng lồ. Trước đây, mái nhà được bà con lợp bằng cây ranh. Khi đời sống khá hơn, người dân thay những lớp mái bằng ngói proximang.

Dẫn chúng tôi vào thăm những ngôi nhà trình tường hơn 100 năm tuổi ở trong bản, ông Chang Dì Quỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Dào San (cũng là người Hà Nhì ở U Ní Chải) cho biết: “Phía trong ngôi nhà được chia làm 3 phòng chính. Phòng đầu tiên khi bước vào cửa sâu khoảng hơn 2m dùng làm phòng sinh hoạt chung và đón khách. Hai bên sẽ có 2 phòng nhỏ của con gái và con dâu. Cửa phòng được đan bằng nan tre. Nơi này bố chồng tuyệt đối không được bước vào”.

Từ cửa chính nhìn vào, chỉ thấy một bức tường như là bình phong. Tại đó có 1 ô cửa sổ nhỏ vuông khoảng 40cm. Bức tường này để ngăn cách phòng ngoài với hai phòng trong. “Tường làm như vậy là để chắn gió, giữ ấm cho ngôi nhà. Còn ô cửa sổ nhỏ này là để lấy ánh sáng vào bếp”, ông Quỳ cho biết.

Bức tường này có 2 cửa. Cửa bên trái đi vào phòng chính trong ngôi nhà. Phòng này có diện tích lớn nhất và dành cho ông bà, bố mẹ. Đây là nơi đặt bếp và cũng là chỗ thờ tự tổ tiên. Cửa bên phải đi vào phòng nhỏ dành cho vợ chồng các con. Nếu gia đình nào chưa có con dâu thì họ làm phòng của con trai hoặc làm kho.

Gian bếp của người Hà Nhì đen ở U Ní Chải thường có 2 bếp.

Gian bếp của người Hà Nhì đen ở U Ní Chải thường có 2 bếp.

Nơi thờ thần giữ lửa

Do sống trên núi cao quanh năm lạnh giá nên trong ngôi nhà của người Hà Nhì ở U Ní Chải chỉ có một cửa chính. Mỗi gia đình đều có 2 cái bếp. Trong đó, 1 bếp lò được đắp bằng đất để nấu rượu, thức ăn ngay cạnh sạp ngủ của chủ nhà. Mặc dù bếp lò có ống khói thông hơi nhưng trong nhà vẫn đen màu bồ hóng. “Đun nấu trong nhà là để ngôi nhà ấm áp, nhất là vào mùa Đông rét mướt”, ông Quỳ cho biết thêm.

Theo phong tục của người Hà Nhì, bếp là nơi quan trọng nhất, bên cạnh bếp có đặt 1 hòn đá, đó là chỗ thờ cúng thần giữ lửa. Sau khi dựng nhà xong, trước khi dọn vào ngôi nhà mới, chủ nhà phải lên núi tìm một hòn đá đặt vào cạnh bếp. Hòn đá được coi là thần giữ lửa của gia đình.

Bà con người Hà Nhì ở đây cho rằng: Đá sinh ra lửa, mang đá về để giữ cho ngọn lửa trong nhà không bao giờ được tắt. Buổi sáng, người phụ nữ thường dậy rất sớm, việc đầu tiên là đánh thức thần giữ lửa rồi mới nhóm bếp. Thần giữ lửa được tôn thờ nên những ngày lễ, Tết mọi thức ăn họ đều mời thần giữ lửa ăn cùng. Không ai được bước qua đầu thần giữ lửa cũng như không ai được dùng que hay củi gõ vào đầu thần giữ lửa.

Đến nay, người Hà Nhì ở Dào San vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc như nhà trình tường, tiếng nói, tiếng hát, văn nghệ dân gian và trang phục thêu tay truyền thống... Gần đây, bản U Ní Chải nói riêng, xã Dào San nói chung luôn có nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Họ đến còn để nghiên cứu về văn hóa bản địa. Có được kết quả này nhờ sự độc đáo ở ngôi nhà trình tường cùng với văn hóa đặc trưng của người Hà Nhì.

Nhận định được lợi thế của địa phương, chính quyền xã Dào San đã và đang nỗ lực bảo tồn những nét truyền thống đó. Nhưng vẫn rất cần có sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, đồng thuận từ phía nhân dân, cùng việc vào cuộc của ngành văn hóa.

Nhà trình tường chỉ có 1 cửa chính.

Nhà trình tường chỉ có 1 cửa chính.

Ông Chang Dì Quỳ - Phó Chủ tịch xã Dào San bộc bạch: “Những ngôi nhà trình tường là điểm nhấn để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Hà Nhì ở Dào San. Chúng tôi đã đề xuất kế hoạch, tham mưu với huyện cho phương án để bảo tồn và khai thác giá trị bản sắc văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch. Xã rất mong muốn có phương án tốt nhất để người Hà Nhì có cuộc sống chất lượng hơn mà vẫn giữ gìn bản sắc độc đáo này”.

Thầy Mai Văn Tường, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT THCS Dào San nói: “Ở Dào San, chủ yếu là địa bàn sinh sống của đồng bào Dao và Mông. Lồng ghép với các hoạt động giáo dục, nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền cho học sinh về việc bảo tồn và phát huy những nét bản sắc của dân tộc mình”.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhập, những ngôi nhà trình tường với kiến trúc độc đáo này đang mai một theo thời gian. Trước đây, nhà của người Hà Nhì lợp bằng cỏ gianh hoặc gỗ. Tuy nhiên, quá trình phát triển và hội nhập, những ngôi nhà trình tường với kiến trúc độc đáo của bà con người Hà Nhì đen đang có xu hướng thay đổi, được xây bằng gạch, cửa xếp, lợp tôn.

Ở U Ní Chải, nhiều nhà đã phá bỏ nhà trình tường để xây bằng gạch, cửa xếp, lợp tôn. Điều này dấy lên sự lo ngại, bởi những ngôi nhà trình tường truyền thống và mang nét đặc trưng của người Hà Nhì nay đang ít dần.

Em Chu Đo Mè, lớp 9A3, Trường phổ thông DTBT THCS Dào San nói: “Em ở bản U Ní Chải. Hình ảnh những ngôi nhà san sát nhau ở bản đã trở nên quen thuộc đối với em. Ngôi nhà tuy bé nhưng rất ấm áp. Là người con Hà Nhì, em thấy mình cần phải bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, ngôi nhà trình tường có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì ở U Ní Chải”.

Ông Chang Dì Quỳ chia sẻ: “Khi những giá trị văn hóa được bảo tồn gắn với du lịch, đồng bào sẽ thêm yêu và tự hào về những bản sắc đặc trưng của dân tộc mình. Đồng thời sẽ gắn bó với làng bản và yên tâm làm kinh tế để xây dựng quê hương”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Châu Âu đang âm thầm làm ăn với Nga

Châu Âu đang âm thầm làm ăn với Nga

GD&TĐ - Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, các nước châu Âu vẫn duy trì giao thương với Moscow, cung cấp cho Nga hàng chục tỷ USD để tái đầu tư cho quân đội.