(GD&TĐ) - “Này đây Tá Miếu cực Tây. Địa đầu đất mẹ mây vờn ngàn năm...” - tiếng hát của sơn nữ Hà Nhì đi trước dẫn đường lúc ẩn, lúc hiện giữa đèo, dốc và rừng già. Từ trung tâm xã Sín Thầu (xã cuối cùng của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) chúng tôi phải mất gần nửa ngày bám yên xe máy trên cung đường núi ngoằn ngoèo mới tới được Tá Miếu, bản tận cùng phía Tây Tổ quốc.
Bản 11 tuổi ở biên cương
Một góc bản Tá Miếu |
Sơn nữ dẫn đường đùa vui: “Các anh biết không? Chính nhờ sức trẻ, bản mới trụ được ở nơi heo hút chỉ có gió rét và mây mù này đấy…”. Hơn 10 năm về trước, nghe theo sự vận động của chính quyền, 24 hộ đồng bào Hà Nhì đã “tay xách, nách mang” ngược ngàn về phía Bắc, cách bản cũ mấy chục con dao quăng, dừng chân giữa vùng thảo nguyên xanh với bạt ngàn cỏ gianh cùng nhau xây dựng lên bản Tá Miếu. Cho đến nay đường ô tô đã vào đến trung tâm xã Sín Thầu, rồi từ đó mất thêm mấy tiếng đồng hồ ngồi xe máy long xòng xọc nữa là vào đến Tá Miếu. Dòng suối Mô Phí chảy xuyên qua những cánh rừng già, len lỏi theo những vạt nương bậc thang liên tục cắt ngang con đường độc đạo dẫn vào bản. Quãng đường từ Tả Kho Khừ vào Tá Miếu cũng là quãng đường chúng tôi ngược dòng Mô Phí lên thượng nguồn.
Được bao bọc giữa 2 dòng suối, dựa lưng vào sườn đồi thoai thoải, những mái nhà gỗ của đồng bào Hà Nhì quần tụ vào nhau, đầm ấm và yên bình như vốn vậy từ ngàn đời nay. Cuộc sống của bà con ở Tá Miếu hiện nay chưa giàu, nhưng cái cảnh “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” đã không còn tồn tại nữa. Hơn 120 mùa trăng đã qua kể từ ngày bản được khai sinh, 32 hộ gia đình, 160 nhân khẩu ở bản vùng biên viễn này vẫn chung lưng, gắng sức từng ngày để cùng nhau đẩy lùi cái đói nghèo, ổn định và phát triển cuộc sống. Diện tích nương khai hoang trồng lúa hiện nay của bản chỉ khoảng 25 ha, năng suất bình quân khoảng 19 tạ/ha, chia theo bình quân đầu người chưa vượt quá 3,7 tạ lúa/năm.
Con số ấy so với nhiều nơi thì không đáng kể gì nhưng với bà con Tá Miếu thì thật ý nghĩa. “Lúa ăn cả năm không đủ thì độn thêm ngô, thêm sắn. Năm nay chưa đủ ăn thì thể nào sang năm cũng sẽ khá hơn, quan trọng là cuộc sống ổn định, bà con sống đoàn kết. Tôi tin tưởng rằng khi đường giao thông về bản được mở rộng, tình trạng cách biệt như hiện nay không còn thì kinh tế của bản cũng sẽ thay đổi theo...”- bác Lường Lê Mã, một người dân trong bản thổ lộ. Người Hà Nhì sống trọng tình nghĩa cộng đồng nên bất cứ nhà nào có việc là tất cả mọi người cùng chung tay hỗ trợ. Chẳng thể mà trong bản Tá Miếu mặc dù có những hộ gia đình kinh tế thực sự khá giả nhưng họ không lợi dụng điều đó mà khoa trương, buộc bà con vay nợ lãi...
Tình xuân miền biên viễn
Những người phụ nữ Hà Nhì bên mó nước đầu bản |
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Mạ Gió Tư khi trời đã nhá nhem tối. Ông Tư không chỉ là người làm kinh tế giỏi, có cuộc sống “giàu” (theo cách gọi của bà con Hà Nhì) mà còn rất có uy tín đối với dân bản bởi tính tính tình ông rất thoáng lại nhiệt tình. Hễ gia đình nhà ai cần sự giúp đỡ thì Mạ Gió Tư là người đầu tiên có mặt. Trước khi lên làm Phó Chủ tịch xã Sín Thầu, ông Tư từng có một thời gian dài làm Trưởng bản Tá Miếu. Với ông thì những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước phải được cán bộ đi phổ biến trực tiếp đến từng người và cán bộ sẽ noi gương thực hiện trước.
Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập bản, Nhà nước có đầu tư xây dựng ở giữa bản một bể lớn với sức chứa hàng chục mét khối nước sạch do đường ống đưa về từ thượng nguồn nhưng bà con không ai sử dụng. Họ đã quen với việc dùng nước ở 2 con suối là Mô Phí và Y Ma Hồ trong mọi sinh hoạt. Sau khi bàn bạc, Mạ Gió Tư đã cùng với anh em bộ đội biên phòng đồn 405 A Pa Chải đi đến từng nhà vận động, giải thích về tác hại của việc dùng nước suối trực tiếp phục vụ sinh hoạt. “Đã bao đời nay, tổ tiên người Hà Nhì vẫn sống bằng cách thức ấy, có bị làm sao đâu...?” - ban đầu không ít người vặc lại ông như vậy. Không nản lòng, ông nghĩ ra cách vận động từ người thân của mình, đồng thời ông và các con thường xuyên rửa, vệ sinh bể, phát quang các bụi rậm để trừ muỗi theo cách các anh biên phòng hướng dẫn. Thế rồi, mưa dầm thấm lâu, từ chỗ chỉ vài người nghe theo, một thời gian ngắn sau cả 100% dân bản đã dùng nước sạch ở bể lại còn học ông Tư cách làm vệ sinh môi trường sống quanh nhà.
Trong câu chuyện vui bên mâm cơm mời khách, ông Tư đã khoe với chúng tôi về khối tài sản lớn của mình là đàn bò hơn 50 con ngày ngày con cái ông vẫn tự tay chăn thả. Nhờ có cán bộ khuyến nông của xã, của huyện hướng dẫn, ông và bà con trong bản đã biết cách phòng tránh sương muối, giá rét cho bò. “Chẳng bù cho trước kia, mỗi khi mùa đông đến là ai cũng ngay ngáy lo cho đàn bò của nhà mình. Nhiều năm rét quá, bò bị cước, phải mổ thịt chia cho cả bản, tiếc của lắm...” ông lão nâng chén rượu ngang môi cười hiền khô.
Tuy Tá Miếu nằm ở trên cao, đường đi lối lại còn khó khăn nhưng bà con Hà Nhì trong bản đã có 12 gia đình mua được máy xay xát về sử dụng, gần 30 hộ có ti vi màu dùng chảo Trung Quốc để bắt sóng nét căng như ở vùng xuôi, radio thì hầu như nhà nào cũng có. Tôi hỏi về nguồn năng lượng để thắp sáng và phục vụ cho các phương tiện máy móc, người già trong bản hồn nhiên chỉ những đường dây điện bắc trên những thân cây luồng cao lêu đêu chạy dọc ngang khắp bản. Thì ra, từ lâu bà con đã sài dòng điện được cung cấp từ máy phát điện chạy nhờ sức nước của dòng Mô Phí. Đã thành thói quen, khi bóng tối phủ xuống thung lũng cũng là lúc bà con trong bản xôn xao rủ nhau tụ họp tại những gia đình có ti vi để xem thời sự, xem ca nhạc, xem trò chơi truyền hình cho đến khi kết thúc chương trình phim truyện mới chịu về đi ngủ. Đêm nay, nhà ông Tư đông vui hơn mọi đêm, bởi dân bản vừa đến xem phim, vừa đến để chào khách từ dưới xuôi mới lên. Nhiều người tiếng Kinh chưa sõi nhưng vẫn tìm mọi cách để biết được thông tin về người ở Hà Nội chuẩn bị Tết con rắn như thế nào...
Lớp học cắm bản |
Chỉ lưu lại Tá Miếu chưa trọn một ngày nhưng chúng tôi cũng đã có không ít những kỷ niệm để nhớ, để nâng niu, trân trọng về tình người miền biên viễn này. Nhớ nhất là lúc ban mai, nghe các em nhỏ í ới gọi nhau đến lớp. Chúng vừa nhảy chân sáo vừa ríu rít hát: “... Em cắp sách tới trường. Nắng tươi trải trên đường. Trời cao xanh gió mát. Đẹp thay lúc xuân sang...”. Thầy Hới, giáo viên Trường Tiểu học Sín Thầu cắm tại phân hiệu Tá Miếu giọng tự hào: “Trẻ con Hà Nhì cũng thông minh và ham học lắm. Những bài thơ hay, những bài hát phù hợp, mình chỉ cần dạy một vài lần là các em đã nhớ. Tương lai của bản trông chờ rất nhiều vào những cô nhóc, cậu nhóc này đấy anh ạ!...”. Tôi gật đầu mà lòng trào dâng một nỗi niềm khó tả. Hình như chính những con người thầm lặng ở bản làng biên cương heo hút này đã truyền cho tôi niềm tin vao chặng đường phía trước...
Thầy Hới, giáo viên Trường Tiểu học Sín Thầu cắm tại phân hiệu Tá Miếu giọng tự hào: “Trẻ con Hà Nhì cũng thông minh và ham học lắm. Những bài thơ hay, những bài hát phù hợp, mình chỉ cần dạy một vài lần là các em đã nhớ. Tương lai của bản trông chờ rất nhiều vào những cô nhóc, cậu nhóc này đấy anh ạ!...”.
Nguyễn Mguyên Minh