Nam sinh người Hà Nhì vượt khó giành học bổng hiếu học. |
Phu Hờ Mè (SN: 2001) ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, từ nhỏ nam sinh người Hà Nhì đã sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tuổi thơ đầy nhọc nhằn, bám rừng, bám núi để mưu sinh. Bởi vậy, hơn ai hết em luôn thấu hiểu được những vất vả của cha mẹ và người dân nơi đây.
Phu Hờ Mè cho biết: Đồng bào quê em còn rất nhiều khó khăn, nhận thức người dân còn hạn chế, những đứa trẻ lên 4, lên 5 đã biết lao động, đứa thì cõng em trên lưng, nhỉnh hơn chút ít phải gánh cả gánh củi, xách nước từ khe suối cách nhà hàng chục km, hoặc làm lụng cực nhọc như người lớn...
Tình trạng thiếu cơm ăn, áo mặc, thiếu vắng cả bàn tay chăm sóc của cha mẹ diễn ra thường xuyên. Chính vì vậy, với trách nhiệm của một người con quê hương, em cần phải nỗ lực học tập để sau này trở về đóng góp sức lực phát triển địa phương.
Phu Hờ Mè luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. |
Sau khi tốt nghiệp THPT, Phu Hờ Mè nộp hồ sơ xét tuyển vào khoa Luật trường Đại Học Khoa Học - Đại học Thái Nguyên, rời xa gia đình, vượt quãng đường hơn 500 cây số để về TP Thái Nguyên sinh sống và học tập.
Tại nơi phố thị phồn hoa, chứng kiến cuộc sống đủ đầy, náo nhiệt Phu Hờ Mè lại càng mong mỏi và khao khát học tập tốt để trở về quê thay đổi nhận thức và cuộc sống của người dân. Phu Hờ Mè ngày đêm rèn luyện, hăng say học tập. Mặc dù, lần đầu tiên xa quê hương, nhiều sự khác biệt trong lối sống, sinh hoạt nhưng Phu Hờ Mè cũng nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với cuộc sống.
Hành trình vươn tới học bổng
Được sự quan tâm của thầy cô và bạn bè cùng lớp, cùng trường Phu Hờ Mè luôn lấy đó làm động lực để cố gắng nhiều hơn. Trong lớp, Phu Hờ Mè không chỉ tích cực, sôi nổi tham gia các tiết học, bên cạnh đó em còn chủ động nghiên cứu và tìm hiểu thêm các tài liệu liên quan đến chuyên ngành Luật, tham gia CLB của trường.
Phu Hờ Mè khẳng định: Đối với một sinh viên người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chúng em có xuất phát điểm thấp hơn các bạn ở thành phố. Do đó, muốn bắt nhịp được với môi trường học tập và đạt được những thành tích tốt thì bản thân cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.
Quá trình vượt khó vươn lên không ngừng nghỉ của Phu Hờ Mè đã cho những trái ngọt đầu tiên khi nhiều năm liền em đạt danh hiệu sinh viên giỏi nhận được học bổng nhà trường; học bổng “Thắp sáng tương lai mùa 10” của tổ chức Deloitte, bên cạnh đó, em còn đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp đại học, nhờ tích cực tham gia các hoạt động phong trào tình nguyện, Mè đã nhận được nhiều giấy khen, chứng nhận của tổ chức Đoàn Hội.
Phu Hờ Mè (đứng thứ 3 từ phải sang) xuất sắc giành nhiều học bổng hiếu học. |
Nói về người bạn người Hà Nhì, Lường Cao Kỳ, sinh viên khoa Luật trường Đại học Khoa Học cho biết: Phu Hờ Mè là người dân tộc thiểu số, nhưng thích nghi rất nhanh với môi trường học tập, Mè không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm mà luôn sôi nổi trong các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động, chương trình, cuộc thi liên quan đến học thuật.
TS. Nguyễn Thu Hường, giảng viên khoa Luật trường Đại học Khoa học (ĐH Thái Nguyên) cho biết: "Từ một sinh viên người dân tộc thiểu số rụt rè, nay chàng trai người Hà Nhì đã trở thành một sinh viên tự tin năng động. Phù Hờ Mè luôn cố gắng chăm chỉ, tích cực rèn luyện, mặc dù kết quả học tập của Mè luôn đạt loại giỏi nhưng em rất khiêm tốn và giản dị. Không chỉ có thành tích học tập tốt, Mè còn hòa đồng, đoàn kết với bạn bè, đưa phong trào học tập của lớp, của nhà trường đi lên.
Học bổng Thắp Sáng Tương Lai – mùa 10, có tổng giá trị lên tới: 25.000.000 VNĐ/suất học bổng, góp phần kiến tạo những giá trị, với một quy mô ý nghĩa hơn khi đánh dấu năm thứ hai Quỹ học bổng trở thành một chương trình chủ đạo của World Class – sáng kiến cộng đồng được khởi tạo bởi Deloitte Toàn cầu, nhằm chuẩn bị hành trang cho 300.000 thế hệ trẻ tương lai để sẵn sàng bước vào một thế giới ngập tràn những cơ hội.