Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định chưa rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng. |
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Uỷ ban KHCNMT) phối hợp với Ban soạn thảo, đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định 3 giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là: Phương thức giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính; Thương lượng và hòa giải; Giải quyết tranh chấp tại tòa án. |
Chưa rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định chưa rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng, chưa cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. UBTVQH cho rằng, trong dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp 7, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã được quy định trong cả ba giai đoạn: trước, trong và sau giao dịch với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thể hiện tập trung và thống nhất hơn các trách nhiệm này, Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa lại bằng cách gộp 3 chương II, III và IV thành một chương mới là Chương II “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng”.
Về ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm và nội dung cung cấp thông tin, quảng cáo về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm của tổ chức cá nhân đối với sản phẩm có khuyết tật và trách nhiệm bảo hành hàng hoá.
Nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật đã chỉnh sửa các quy định cụ thể nội dung thông tin về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ cung cấp cho người tiêu dùng; quy định cấm lừa dối hoặc gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng thông qua việc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che giấu thông tin; chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm của bên thứ ba (bao gồm các cơ quan truyền thông đại chúng) trong việc quảng cáo, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ (Điều 12 “Thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng”, Điều 13 “Trách nhiệm của bên thứ ba cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng”). Làm rõ trách nhiệm bảo hành hàng hóa tại Điều 21; trách nhiệm đối với hàng hoá có khuyết tật tại các Điều 22, Điều 23 và Điều 24 để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với pháp luật về dân sự nhằm bảo đảm tính khả thi và phù hợp thực tế.
Về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, không phải đăng ký kinh doanh, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh để phù hợp thực tế và dễ thực hiện hơn đối với các cơ quan Nhà nước tại địa phương. UBTVQH cho rằng, thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh rất đa dạng, phong phú, nên Dự thảo không thể quy định cụ thể mà giao Chính phủ căn cứ vào các quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan quy định đồng thời giao UBND cấp xã, ban quản lý các chợ, khu thương mại căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết theo các điều kiện cụ thể trên địa bàn quản lý của mình.
Nhà nước giữ vai trò bảo vệ người tiêu dùng
Các đại biểu Quốc hội nhất trí về việc Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, có hai loại ý kiến khác nhau về quy định cụ thể. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, UBND các cấp trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; việc phân công, phân cấp của Chính phủ trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ xác định nội dung quản lý Nhà nước, trách nhiệm cụ thể của cơ quan thay mặt Chính phủ và trách nhiệm chung của các Bộ, ngành, địa phương trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có ý kiến đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc kiểm định chất lượng một số loại hàng hóa, dịch vụ (ví dụ như chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế... ) trong khi các tổ chức xã hội chưa đủ khả năng đảm nhiệm nhiệm vụ này.
Về quy định trách nhiệm của các Bộ, UBTVQH cho rằng, xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, không phải chỉ trách nhiệm của một Bộ hoặc một vài Bộ nào. Ngoài một số Bộ mang tính đặc thù, còn lại hầu hết các Bộ khác đều có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Nghiên cứu các Luật mới được Quốc hội ban hành, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không nên đi theo hướng quy định trách nhiệm của từng cơ quan trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà chỉ quy định chung về cơ quan đầu mối cũng như nguyên tắc trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ do Chính phủ quy định cụ thể theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ cũng như tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và thực tiễn yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng thời kỳ.
Quang Anh