12 năm dùng chung một chiếc bàn học
Ở khu phố Hồng Lư, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) những ngày này người ta truyền tai nhau câu chuyện của hai tấm gương hiếu học Hồ Tú Ân – Hồ Tú Ẩn (học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), vượt qua hoàn cảnh nghèo khó, hai anh em sinh đôi này đã đạt được thành tích hiếm có trong kì thi.
Hai anh em Ân và Ẩn đã cùng nhau đậu 6 trường ĐH. Anh trai Hồ Tú Ân đậu ĐH Quảng Nam, ĐH Kinh tế Đà Nẵng (ngành Quản lý Nhà nước) và ĐH Sư Phạm TP.HCM còn cậu em Hồ Tú Ẩn thì ngoài hai trường ĐH Quảng Nam và ĐH Kinh tế Đà Nẵng đã ghi danh vào trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, mà chính xác là quá khó khăn ở giữa lòng thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) nhộn nhịp, bố hai em Ân và Ẩn – chú Hồ Văn Tứ năm nay đã ngoài 60, không thể lao động do bị biến chứng đau nhức khớp.
Mẹ là cô Nguyễn Thị Phương Thảo, trước đây từng là cán bộ phụ nữ phường nhưng sau do mắt mờ không thể đi xa nên chỉ ở nhà phụ làm việc nhẹ, buôn bán rau.
Cuộc sống gia đình càng vất vả và chật vật hơn khi bố mẹ hai em phải nuôi thêm một người con gái bị tâm thần, suy nghĩ chỉ như một em bé, không thể phụ giúp được gì.
Vượt lên số phận và những trớ trêu mà gia đình phải đối mặt, Hồ Tú Ân – Hồ Tú Ẩn liên tiếp đạt thành tích học sinh giỏi trong 12 năm liền, hai em cũng góp mặt trong ngôi trường chuyên danh tiếng của tỉnh Quảng Nam.
Học tốt Ngữ văn, hai anh em chọn lớp chuyên để cùng nhau giúp đỡ trong chuyện học tập, đỡ đần và chia sẻ bí quyết đạt điểm cao.
Nhà nghèo, không gian chật hẹp nên để tiết kiệm chi phí, Ân và Ẩn được bố mẹ sắp xếp cho một chiếc bàn gỗ ở giữa nhà để học tập. Hai anh em xem đây là góc học tập riêng gắn bó suốt 12 năm không một tiếng than thở. Dùng chung một chiếc bàn, ngày nắng cũng như ngày mưa, dù nóng hay lạnh hai anh em vẫn chăm chỉ học tập.
"Con đỗ đại học lo nhiều hơn vui"
Anh Hồ Văm Tứ - bố hai em kể: “Ngày trước chú còn khỏe thì kinh tế gia đình cũng khá lắm nhưng sau này cả hai vợ chồng cùng lúc đổ bệnh nên không thể xoay sở được gì. Mình nhìn còn mình thua con người ta mình thương lắm chứ.
Đến nỗi nó đi vào Sài Gòn mà hai vợ chồng cũng trằn trọc suốt đêm, lo không dám ngủ. Lo con mình vào trong đấy, hàng tháng kiếm tiền đâu gửi cho con đây? Nói thật, từ lúc nghe tin hai đứa đỗ đại học, tôi thấy lo lắng hơn vui mừng”.
Trò chuyện với phóng viên, em Hồ Tú Ân không giấu được nỗi buồn: “Anh biết rồi đấy, đến tuổi bọn em đứa nào cũng thích thể hiện hình thức.
Gia đình nghèo mình có nhiều cái tự ti lắm, nhiều khi em co mình lại, không dám tiếp xúc với ai. Nhưng nhìn ba má ở nhà, thấy cực quá, mình nghĩ trong đầu phải cố gắng lên. Có cái bàn học là may mắn rồi, giờ có nhiều bạn còn không có cơm ăn, không có giường để ngủ”.
Ân ngày trước sống khép nép và ngại va chạm nhưng dần dần, em thay đổi trở nên hoạt bát, thích tham gia các hoạt động xã hội và kết nối với bạn bè. Nhắc đến Hồ Tú Ân – cái tên mà không chỉ thầy cô, bạn bè, gia đình mà chính quyền địa phương cũng vô cùng tự hào.
Các em đều thi trên 20 điểm, thậm chí Hồ Tú Ẩn đã đạt thành tích thủ khoa ngành Công nghệ thông tin của ĐH Quảng Nam. Ngày chúng tôi đến cũng là lúc cậu em trai Hồ Tú Ẩn cùng mẹ vào TP.HCM để chuẩn bị thủ tục nhập học, hành trang chỉ đơn giản là một chiếc ba nhỏ đựng vài ba bộ quần áo và một chiếc điện thoại cũ mới sắm để tiện liên lạc.
Chia sẻ vội vàng, Ẩn nói: “Em đòi vào đấy một mình mà mẹ không có cho, cứ đòi đi theo bằng được. Mà em tính rồi, vào đấy, nhập học xong là em kiếm việc làm thêm để kiếm tiền, ví dụ như đi bán cafe chẳng hạn”. Ngập ngừng một lúc, Ẩn thủ thỉ: “Em nói thật với anh là em cũng hơi sợ sợ vì em nghe nói Sài Gòn phức tạp lắm!”.
Có mặt trực tiếp mới cảm nhận được khó khăn mà gia đình hai anh em hiếu học này gặp phải, căn nhà hẹp đến nỗi những chiếc bằng khen nhà trường và thành phố trao phải xếp chồng một góc.
Tài sản giá trị nhất có lẽ là chiếc máy quạt nhưng có lẽ khi đối mặt với nghèo khổ, con người ta mới có thêm động lực và niềm tin để tiếp tục vươn lên. Hồ Tú Ân – Hồ Tú Ẩn không ai bảo ai, âm thầm rèn luyện suốt 12 năm học, tự tạo cho mình niềm đam mê và vạch con đường đi riêng với mơ ước có được tương lai tươi sáng hơn.
Hỏi về dự định gần nhất, Hồ Tú Ân hồ hởi nói: “Em sẽ đi làm gia sư kiếm tiền mua tài liệu học thêm. Nói chung là phải làm gì đấy để có tiền tự học chứ đừng để ba má lo”.