Theo BBC, một nhà máy của Foxconn đã giảm số lượng lao động từ 110.000 người xuống còn 50.000 người bằng cách đưa robot vào làm việc. Xu Yulian, người đứng đầu công ty tại khu vực Côn Sơn (Trung Quốc), cho biết thêm: "Nhiều công ty có thể thực hiện theo cách này".
Trung Quốc đang đầu tư mạnh cho một lực lượng lao động là robot. Tập đoàn công nghệ Foxconn khẳng định họ đã tự động hóa được nhiều nhiệm vụ trong dây chuyền sản xuất, nhưng phủ nhận thay đổi này sẽ khiến công nhân thất nghiệp.
"Chúng tôi đang dùng robot và các công nghệ sản xuất tiên tiến khác để thay thế những công việc lặp đi lặp lại, trước đây được thực hiện bởi công nhân.
Điều này thúc đẩy nhân viên tập trung vào các yếu tố có giá trị cao hơn, chẳng hạn nghiên cứu và phát triển, quản lý quy trình và kiểm soát chất lượng", đại diện Foxconn cho hay.
Từ tháng 9/2014, hơn 500 nhà máy ở Quảng Đông (Trung Quốc) đã đầu tư 4,2 tỷ nhân dân tệ cho robot, với mục tiêu thay thế hàng nghìn công nhân.
Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về những tác động nghiêm trọng của robot với thị trường việc làm. Theo báo cáo của hãng tư vấn Deloitte kết hợp cùng Đại học Oxford, khoảng 35% lao động có nguy cơ mất việc làm trong 20 năm tới.
Ed Rensi, cựu giám đốc điều hành McDonald"s cho biết trong chương trình Fox Business, mức lương tối thiểu của lao động tại Mỹ sẽ tăng lên 15 USD mỗi giờ.
Điều này khiến các công ty cân nhắc sử dụng robot vào sản xuất. "Mức giá 35.000 USD cho một robot còn rẻ hơn thuê một nhân viên làm việc kém hiệu quả với giá 15 USD một giờ", ông nói.