Vụ việc trên vừa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc phát hiện ra. Hiện chủ sở hữu của 25 nhà hàng liên quan đến vụ việc đã được chuyển giao cho cơ quan công an để điều tra hình sự, 10 chủ nhà hàng còn lại đang được tiếp tục điều tra bởi cơ quan chức năng.
Trong số các nhà hàng bị phát giác bao gồm nhiều nhà hàng nổi tiếng tại Trung Quốc, trong đó có một nhà hàng danh tiếng tại Bắc Kinh, nổi tiếng với món tôm hùm cay.
Việc sử dụng thêm cây thuốc phiện vào món ăn là vi phạm Luật An toàn thực phẩm tại Trung Quốc, trong đó nghiêm cấm các cửa hàng bán thức ăn làm từ hóa chất hoặc nguyên liệu phi thực phẩm, ngoại trừ các phụ gia thực phẩm. Những sự vi phạm này có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể phạt tù.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra vụ việc để tìm kiếm nguồn gốc của những cây anh túc được các nhà hàng này sử dụng để chế biến thức ăn của mình. Chính quyền Trung Quốc cũng yêu cầu cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm địa phương tăng cường giám sát và kiểm tra các nhà hàng bán các món ăn phổ biến tại Trung Quốc như lẩu, gà chiên và mì... để tránh những vi phạm tương tự xảy ra.
Theo Lun Yunbo, một giáo sư về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết thuốc phiện là một loại thuốc gây nghiện và gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe nếu lạm dụng và loại thuốc này bị cấm sử dụng trong thực phẩm tại Trung Quốc và phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, Lun Yunbo cho rằng việc quản lý lỏng lẻo khiến rất khó các nhà chức trách quản lý chặt việc sử dụng thuốc phiện trái phép trong chế biến thức ăn.
“Có rất nhiều nhà hàng tại Trung Quốc và rất khó để quản lý hiệu quả nhằm đảm bảo mọi nhà hàng đều tuân thủ theo pháp luật”, Lun Yunbo nhận định.
Việc thêm thuốc phiện vào các món ăn như súp, thịt, lẩu... có thể cải thiện hương vị của món ăn nhưng trên hết chúng có thể gây nghiện và từ đó có thể giúp các nhà hàng giữ được một lượng khách hàng của riêng mình.