Nhà giáo Hà Nội tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội: Góp phần phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục

GD&TĐ - Vinh dự được giới thiệu ứng cử ĐBQH, các nhà giáo Hà Nội đã xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm phát huy trí tuệ, trách nhiệm cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; nâng chất lượng GD toàn diện.

Sẵn sàng cho ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Sẵn sàng cho ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

*Nhà giáo Nguyễn Thị Hà Tuyên: Chủ động tham mưu các vấn đề giáo dục

Nhà giáo Nguyễn Thị Hà Tuyên
Nhà giáo Nguyễn Thị Hà Tuyên

Vinh dự được ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 - quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhà giáo Nguyễn Thị Hà Tuyên- Cử nhân giáo dục chính trị; Thạc sĩ chuyên ngành quản lý; Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Trong quá trình làm việc, học tập, rèn luyện và phấn đấu, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành; sự tin tưởng, tín nhiệm và ủng hộ của cử tri nơi công tác, cư trú, tôi được giới thiệu ra ứng cử  Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 15 nhiệm kỳ 2021-2026.

Nếu được cử tri tín nhiệm lựa chọn là ĐBQH khóa 15, tôi nguyện đem hết trí tuệ và sức mình, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ người Đại biểu của nhân dân.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hà Tuyên đã xây dựng chương trình hành động cụ thể. Cô cho biết: Tôisẽ luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, gần gũi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri; phản ánh đầy đủ tâm nguyện chính đáng của cử tri với Quốc hội. Tích cực đề xuất với các cấp, các ngành giải quyết những kiến nghị của cử tri kịp thời, đầy đủ. Phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng các vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm: An toàn thực phẩm, an toàn giao thông, giáo dục, y tế, ô nhiễm môi trường…

Là ứng cử viên nữ, tôi đặc biệt quan tâm và tích cực hoạt động vì quyền lợi phụ nữ và trẻ em: chính sách chăm sóc sức khỏe trẻ em, sức khỏe sinh sản; chính sách đối với phụ nữ, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; chính sách đối với cán bộ nữ, người có công, mẹ Việt Nam anh hùng, nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ trong xã hội…

Với vai trò là cán bộ quản lý trong ngành giáo dục, tôi sẽ tích cực tham mưu đề xuất với lãnh đạo cấp trên về các vấn đề: đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh, phòng chống bạo lực học đường; chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh nghèo chưa có điều kiện học tập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu; đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục…

*Nhà giáo Nguyễn Thị Phương Thúy: Ưu tiên quy hoạch mạng lưới trường lớp

Nhà giáo Nguyễn Thị Phương Thúy
 Nhà giáo Nguyễn Thị Phương Thúy

Tham gia ứng cử ĐBQH tại đơn vị bầu cử quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm, Thạc sĩ khoa học Giáo dục Nguyễn Thị Phương Thúy - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Đại Mỗ A (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ: Tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV nhiệm kì 2021 – 2026.

Cô Thúy cho biết: Được tín nhiệm của cử tri bầu là ĐBQH, tôi sẽ tiếp tục phát huy những kiến thức kinh nghiệm qua các hoạt động thực tiễn của mình; không ngừng rèn luyện học tập thực hiện được vai trò của ĐBQH; thường xuyên gắn bó, tạo mối liên hệ mật thiết với nhân dân, cử tri nhằm lắng nghe những ý kiến của nhân dân ở nhiều lĩnh vực để mang tiếng nói của nhân dân đóng góp vào công tác xây dựng pháp luật sát với thực tiễn, dễ đi vào cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Tôi mong muốn được đề xuất những ý kiến của mình với Quốc hội, với cơ quan hữu quan quan tâm tới giáo dục trong đó ưu tiên việc quy hoạch xây dựng trường lớp đạt chuẩn quốc gia nhằm đáp nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm nói riêng, học sinh cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, tôi sẽ tham gia đóng góp các ý kiến để xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng hệ thống giáo dục quốc dân. Quan tâm tạo điều kiện cho tất cả học sinh đều được đến trường.

Trẻ lứa tuổi mầm non, học sinh, sinh viên các cấp được học tập và hoạt động trong môi trường giáo dục với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất tương ứng với trường chuẩn quốc gia.

Cùng với việc dạy học tích cực, giáo dục lấy người học là trung tâm, ứng dụng hiệu quả phương pháp giáo dục tiên tiến giúp cho học sinh, sinh viên các cấp tham gia các hoạt động học tập một cách chủ động, tích cực, sáng tạo. Góp phần phát triển toàn diện cho người học.

Bên cạnh đó còn hình thành, nuôi dưỡng truyền thống cách mạng, giá trị văn hóa đạo đức ngay từ lứa tuổi mầm non với giáo dục lòng biết ơn, khơi tâm hiếu thảo của trẻ đối với các thành viên trong gia đình, họ hàng và những người xung quanh. Góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc cấu thành nên xã hội hạnh phúc và phát triển.

“Là ứng cử viên đại diện cho công đoàn người lao động, tôi sẽ nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, chăm lo đời sống bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng tốt nhất cho đoàn viên công đoàn và người lao động. Tôi cũng sẽ nói lên tiếng nói bình đẳng giới về quyền lợi ích của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế chính trị, văn hóa xã hội và trong gia đình với vai trò là vợ, là mẹ, là con để xây dựng gia đình hạnh phúc, yêu thương, phát triển, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, chính sách đối với phụ nữ, người có công, mẹ Việt Nam anh hùng. Quyền chăm sóc sức khỏe góp phần xây dựng xã hội dân chủ hài hòa, bền vững và phát triển”- Nhà giáo Nguyễn Thị Phương Thúy nhấn mạnh.

Thời gian qua, để tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực tham gia cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đảm bảo đúng luật, an toàn, hiệu quả, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đề nghị Công đoàn cơ sở các đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị như: trang trí tuyên truyền cổ động trực quan, phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp…
Tổ chức hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên, kết hợp lồng ghép trong nội dung sinh hoạt tại công đoàn cơ sở và tổ công đoàn; tăng cường đăng tải tin bài trên bảng tin nội bộ và các trang thông tin điện tử của địa phương, đơn vị.
Chủ động nắm chắc tình hình dư luận, diễn biến tư tưởng trong nhà trường về các nội dung liên quan đến công tác bầu cử để làm tốt công tác định hướng tư tưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ