GS đã có chương trình hành động rõ nét cho hoạt động nhiệm kỳ Quốc hội của mình. Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Lan xung quanh vấn đề này.
Nói đi đôi với làm
* Là ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XV, GS đã chuẩn bị tâm thế như thế nào cho lần ứng cử này? Chương trình hành động của GS tập trung chủ yếu vào vấn đề gì?
- Hiện tôi là đại biểu Quốc hội khoá XIV và đây là lần thứ 2 tôi được ứng cử đại biểu Quốc hội. Với tôi đó là niềm vinh dự và tự hào vô cùng lớn. Cùng với đó, tôi càng nhận thấy trách nhiệm lớn lao của mình trước đồng bào cử tri cả nước nói chung và nơi tôi ứng cử nói riêng.
Tôi luôn ý thức rằng, để làm tốt nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội, bên cạnh tâm huyết, cần sự nỗ lực cố gắng không ngừng, sự gắn bó mật thiết với cử tri, với nhân dân, phải lắng nghe dân, gần gũi với dân, phải học dân, trọng dân, tin dân, yêu dân và vì dân.
Tôi luôn trăn trở và quyết tâm thực hiện chương trình hành động cũng như lời hứa của mình với cử tri. Theo đó, tôi sẽ tập trung nhiều vào các vấn đề: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đây cũng là tiềm năng, lợi thế của tôi và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Tôi luôn mong muốn được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho sự phát triển nông nghiệp của vùng ven đô Hà Nội, trong đó có các địa phương nơi tôi đã ứng cử đại biểu Quốc hội như: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa và Thường Tín, và nơi tôi sẽ ứng cử sắp tới như: Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ.
Mỗi huyện ngoại thành có một đặc điểm, lợi thế, khó khăn khác nhau nên sẽ có các giải pháp phát triển nông nghiệp khác nhau. Ví dụ, với huyện Thạch Thất có dự án Công nghệ cao Hòa Lạc và nhiều dự án đầu tư khác của Trung Ương, thì cần ưu tiên phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp Công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của cư dân khu đô thị Hòa Lạc, thành phố vệ tinh của Hà Nội và thành phố Hà Nội. Huyện cần tập trung để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, cần phải xử lý tích cực môi trương nông thôn, môi trường làng nghề, đôn đốc để nhiều hộ dân dược sử dụng nước máy sạch.
Trăn trở vấn đề tam nông
* GS hiện là đại biểu Quốc hội khoá XIV và là lãnh đạo của một đơn vị đào tạo thuộc diện lớn nhất nước. Điều này có khiến GS cảm thấy áp lực khi tái ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV?
- Khi ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, tôi có đôi chút áp lực vì đó là lần đầu tiên tôi được tín nhiệm để tham gia vào cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp.
Sau một nhiệm kỳ hoạt động Quốc hội, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều, có thêm nhiều kinh nghiệm. Tôi cũng biết cách để thu xếp thời gian, công việc để hoàn thành hết các nhiệm vụ của mình.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một đơn vị có chức năng, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục huy động các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và người học của Học viện để tham gia vào các chương trình, hoạt động mang tính cộng đồng, đặc biệt là vấn đề “Tam nông”, hỗ trợ khoa học công nghệ kỹ thuật cho các huyện nông nghiệp.
Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao
* GS có nhắc đến đào nguồn nhân lực chất lượng cao trong chương trình hành động của mình; đây cũng là giải pháp đột phá được Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh. Vậy GS có đề xuất gì để hiện thực hoá chủ trương này?
- Nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội; trong đó, giáo dục và đào tạo được coi là giải pháp then chốt. Nói cách khác, yếu tố con người là điểm mấu chốt, bởi nếu như không có nguồn nhân lực chất lượng tốt, thì rất khó để tiếp nhận công nghệ cao, chuyển đổi số và càng khó khăn để có thể hội nhập quốc tế, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh với các nước trên thế giới.
Nhất là hiện nay, trước bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường, thì những vấn đề nêu trên càng cần được quan tâm, chú trọng. Hơn bao giờ hết, cần phát huy vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.
* Vậy Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ “bắt tay” vào cuộc như thế nào để thực hiện mục tiêu trên?
- Chúng tôi đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo. Dần dần, tất cả các hoạt động sẽ được ứng dụng bởi khoa học công nghệ và công nghệ thông tin. Ngoài ra, chúng tôi đã và đang xây dựng các chương trình đào tạo linh hoạt hơn. Cùng với đó, đẩy mạnh kết hợp với doanh nghiệp, địa phương trong quá trình đào tạo.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc mở lớp tập huấn, đào tạo nghề về trồng trọt, chăn nuôi, thú y, cây cảnh, rau, hoa, vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời phổ biến kiến thức về kinh doanh, kinh tế cho bà con, đặc biệt người lao động khi quá tuổi làm việc cho các nhà máy ở khu công nghiệp để họ có cuộc sống ổn định và phát triển bền vững.
- Xin cảm ơn GS!