Nhà giáo chung tay giải quyết vấn đề cộng đồng

GD&TĐ - Mưa bão, lũ lụt hay những tác hại của biến đổi khí hậu xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ ảnh hưởng theo chiều hướng gia tăng. 

Cô Phạm Ngọc Hiệp hướng dẫn HS sử dụng áo phao tự chế
Cô Phạm Ngọc Hiệp hướng dẫn HS sử dụng áo phao tự chế

Chứng kiến người dân, đặc biệt là các em HS đang hàng ngày phải chống chọi với thảm họa thiên tai, các cô giáo đã nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều sản phẩm vừa thân thiện với môi trường lại giúp các em HS bớt đi nhọc nhằn trong cuộc sống hàng ngày, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Dành mọi quan tâm cho học trò

Đặc trưng của nước vùng nhiệt đới, năm nào cũng vậy, nước ta đón nhận và chịu ảnh hưởng của hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Chứng kiến cảnh HS phải lội qua suối, bị đuối nước do lũ về bất ngờ, các cô giáo trên khắp cả nước đã mày mò, nghiên cứu và sáng tạo ra vật dụng giúp các em vững tâm hơn trên con đường đến trường.

Cô Phạm Ngọc Hiệp (Trường THCS Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội) đã tận dụng những vật liệu có sẵn trong gia đình như quần tất, chai nhựa, túi ni lon để làm ra chiếc áo phao có thể giúp HS vượt qua mùa mưa lũ. Với cách làm đơn giản, vật liệu có sẵn, cô Hiệp mong muốn các em HS và cả người dân có thể tự cứu mình trong trường hợp khẩn cấp.

Là giáo viên lại sinh sống ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, cô Mai Thùy Hân (THPT Lê Quý Đôn, Quảng Bình) luôn đau đáu suy nghĩ phải làm gì đó để giảm tác hại của vật dụng hàng ngày tới môi trường và làm sao để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghĩ là làm, cô Hân bắt đầu gom túi ni lon cũ, bao bì để tái sử dụng thành những chiếc túi dành cho chị em nội trợ. Đường may chắc chắn, họa tiết cắt ghép khéo léo nếu không tinh ý sẽ không thể phát hiện đây là sản phẩm tái sinh từ đồ cũ. Ngoài ra, để các em đến trường an toàn trong mùa mưa lũ, từ chiếc áo phao đã hỏng, cô Hân thiết kế thành cặp, túi đựng sách vở cho HS.

Khi gặp sự cố bất ngờ, những chiếc cặp, túi này cũng có thể trở thành chiếc phao tạm thời giúp các em bảo vệ mình. Chia sẻ về ý tưởng của mình, cô Hân cho biết: Những sản phẩm trên nhằm thỏa mãn mong muốn của bản thân là tạo ra đồ dùng hữu ích, rẻ tiền cho HS và người dân. Đây cũng là dịp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho HS thông qua việc hướng dẫn các em tái chế đồ từ vật dụng quanh mình.

Bằng cách trả lời hình ảnh đúng - sai, cô giáo Trường MN Họa My (Đông Anh, Hà Nội) đã giúp trẻ nhận biết về hậu quả của thiên tai, hỏa hoạn và hình thành ý thức phòng tránh.

Đây là nội dung của bài giảng E-learning “Bé làm gì khi có hỏa hoạn” của nhóm giáo viên Cao Thị Vân, Nguyễn Thị Huế và Nguyễn Ánh Tuyết. Xuất phát từ hậu quả thảm khốc do hỏa hoạn gây ra, các cô đã xây dựng giáo án điện tử với chủ đề này.

Sau 3 tháng triển khai, bài giảng đã được ứng dụng ngay tại trường và thu được kết quả khả quan. Nội dung đơn giản, hình ảnh gần gũi với trẻ mầm non, nhóm tác giả hy vọng ứng dụng trên được nhân rộng ra các trường học và cộng đồng dân cư.

Hướng đến cộng đồng

Thiên tai luôn khó lường và hậu quả để lại thường khắc nghiệt với cả cộng đồng. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta chỉ có thể tìm cách sống chung với thiên tai và tìm ra cách thích ứng hợp lý nhất. Bằng kiến thức của mình, nhiều cô giáo đã có giải pháp sáng tạo, giúp người dân cải thiện chất lượng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ thực tiễn sản xuất muối của người dân (bỏ ra nhiều công sức, năng suất lại không tương xứng), 2 cô giáo Lê Thị Hảo và Trương Thị Thu Hồng (Trường THCS Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình) đã lên phương án cải tiến bề mặt sân bê tông từ màu bạc của xi măng sang màu đen để thúc đẩy nhanh quá trình bay hơi nước và kết tinh muối.

Nhóm đã thử nghiệm trộn xi măng với bột than trấu rồi quét lên bề mặt bê tông cũ và để khô tự nhiên. Đồng thời, 2 cô sáng tạo ra hệ thống lọc tạp chất thô khi lấy nước biển trước khi đổ vào sân làm muối với 5 lớp gồm đá ong, cát, than củi, cát. Kết quả thử nghiệm cho thấy khả năng hấp thu nhiệt trên mặt sân màu đen cao hơn, khả năng kết tinh muối sớm hơn 40% so với mặt sân cũ. Số lượng muối thu về cũng tăng 30%.

Sống và công tác tại địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, chứng kiến cảnh người dân liên tục đối mặt với việc thiếu nước sạch, tập thể nữ giáo viên môn Vật lý (Trường THPT Nam Cao, Lý Nhân, Hà Nam) đưa ra ý tưởng chế tạo bình lọc nước từ nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm và rẻ tiền.

Theo đó, hệ thống lọc gồm 2 ống nhựa lớn dùng làm bể lắng và bể lọc cùng hệ thống van khóa. Với kinh phí khoảng 350.000 đồng, người dân có hệ thống có tốc độ lọc diện tích bể 180 cm2 là 50 lít/giờ, chủ động đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch sau ngày mưa bão và phòng chống bệnh tật cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ngày Phụ nữ sáng tạo do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khởi xướng. Năm nay, Ban tổ chức đã lựa chọn 23 sản phẩm sáng tạo tiêu biểu để trao bằng khen và 9 ý tưởng tiêu biểu lọt vào vòng chung khảo. Điều đặc biệt trong cuộc thi năm nay là nhiều ý tưởng đến từ các trường học (chiếm 60%). Đội ngũ giáo viên từ trường MN đến THPT, CĐ, ĐH và viện nghiên cứu đã có nhiều ý tưởng, sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề của cuộc sống được đánh giá cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ