Nhà báo Tạ Bích Loan: Khi phỏng vấn nhân vật nên tránh câu hỏi gây tổn thương

GD&TĐ - Theo nhà báo Tạ Bích Loan, trước khi phỏng vấn nhân vật, phóng viên cần chuẩn bị trước câu hỏi, tránh những câu có thể gây tổn thương.

Nhà báo Tạ Bích Loan phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: Phong Anh)
Nhà báo Tạ Bích Loan phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: Phong Anh)

Ngày 6/12, tại Hà Nội, Đại sứ quán các nước Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ; Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm về "Tác nghiệp báo chí với nội dung liên quan tới tổn thương tâm lý".

img-5745.jpg
TS Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên Truyền phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Phong Anh)

Tại Tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, những đối tượng liên quan đến tổn thương tâm lý thường là người vừa gặp phải một tai nạn nghiêm trọng, hay trải qua các thủ tục y tế phức tạp, bị ốm đau nặng.

Thậm chí, có những cá nhân bị bạo lực gia đình hoặc bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục, mất hoặc phải xa cách người thân, bị cô lập, xao nhãng, bỏ rơi, bị mua bán; đối mặt với bão lũ, thiên tai...

Khi đọc những bài báo được viết với tinh thần đồng cảm, các nạn nhân cảm thấy được thừa nhận, lắng nghe, từ đó dần khôi phục cảm giác về giá trị bản thân. Điều này giúp tăng cường niềm tin, sự kết nối với cộng đồng và thậm chí có thể truyền cảm hứng, hỗ trợ họ vượt qua tổn thương.

Ngược lại, nếu bài viết chứa nội dung nhạy cảm hoặc đề cập quá sâu đến các vấn đề cá nhân, nó có thể gây kích động và làm tổn thương họ nghiêm trọng hơn.

img-5764.jpg
Nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ kinh nghiệm. (Ảnh: Phong Anh)

Phát biểu tại toạ đàm, nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng, để tránh tổn thương cho đối tượng được phỏng vấn, phóng viên cần nghiên cứu kỹ chủ đề trước khi gặp nhân vật; chuẩn bị thiết bị nhưng không làm nạn nhân sợ hãi, tránh gây ồn ào; giải thích cho nạn nhân biết mục đích và những gì sẽ diễn ra trên truyền thông. Đặc biệt, nên chuẩn bị danh sách câu hỏi, tránh những câu gây tổn thương; đồng thời bày tỏ sự thông cảm và sẵn sàng hỗ trợ, hỏi xem nạn nhân có sẵn sàng chia sẻ hay không.

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia tâm lý và diễn giả cùng sinh viên thảo luận về các tổn thương tâm lý, không chỉ ở nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp. Những chia sẻ này góp phần nâng cao nhận thức và định hướng xây dựng nền báo chí nhân văn, chú trọng giá trị con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ