Nhưng thời tôi thi đại học, trường báo và trường Sư phạm tổ chức thi cùng một ngày, tôi chỉ có thể lựa chọn một trong hai trường. Chính thầy cô và bố mẹ đã khuyên tôi, định hướng cho tôi nghề dạy học bởi “làm cô giáo vẫn có thể viết báo nhưng làm nhà báo thì chưa chắc đã kiêm được nghề dạy học”. Tôi đã nghe theo và ngẫm đến giờ vẫn thấy lời khuyên đó là đúng đắn.
Như một mối “duyên lành”, tôi “gặp gỡ” Báo Giáo dục và Thời đại khi tôi đang là sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sự yêu thích cùng với năng khiếu viết lách dần trở thành đam mê trong tôi. Tôi trở thành cộng tác viên của nhiều tờ báo Trung ương và địa phương, đặc biệt là cộng tác viên thường xuyên của Báo Giáo dục & Thời đại ấn phẩm Chủ nhật (bộ mới) những năm gần đây.
Công việc giảng dạy Ngữ văn ở trường THPT càng tiếp thêm cho tôi nguồn cảm hứng dồi dào, vốn sống phong phú. Hơn nữa nghề giáo với đặc trưng là khám phá chiều sâu trong tâm hồn và trí tuệ của con người, thường xuyên gắn bó với sách vở, được tiếp xúc với các em học sinh hồn nhiên đã cho tôi nhưng chất liệu sinh động trong sáng tác và viết báo đồng thời đem lại nhiều hứng thú, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình viết lách của tôi.
Khi cộng tác với Báo giáo dục và Thời đại, tôi có thể viết được nhiều chuyên mục: Từ sáng tác truyện ngắn đến tản văn, từ những bài báo về chủ đề gia đình – xã hội đến những bài bình thơ (Đến với bài thơ hay) hoặc khám phá những tác phẩm được đưa vào trong chương trình giảng dạy ở trường phổ thông hoặc giới thiệu những cuốn sách đặc sắc mới xuất bản…
Vì thế, mọi người biết tôi thường gán cho mác “cô giáo ba trong một”, tức nhà giáo – nhà văn – nhà báo. Đến nay tôi đã có vài chục truyện ngắn, tản văn đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại, nhiều bài báo ở các chuyên mục khác nhau (với bút danh Trần Thúy Lành, Nam Hồng).
Tôi hiểu rằng nghề giáo và nghề văn, nghề báo đều làm công việc truyền cảm hứng, qua từng bài giảng hay qua từng trang viết, tôi mong muốn thắp lên ngọn lửa tình yêu cuộc sống và những giá trị mang ý nghĩa nhân văn trong trái tim mỗi người.
Trên bục giảng chúng tôi đồng hành với học sinh qua từng trang sách để cùng các em tìm đường đến với bến bờ tri thức còn trên trang viết chúng tôi đồng hành với hạnh phúc và khổ đau của mỗi thân phận con người. Đó đều là những công việc đòi hỏi sự nghiêm túc, cẩn thận, chỉn chu và niềm đam mê thực sự.
Cô giáo Trần Thị Lành (thứ 2 từ phải sang) và đội tuyển thi học sinh giỏi Văn cùng cộng tác tích cực với ấn phẩm Chủ nhật – Báo Giáo dục & Thời đại. Ảnh: NVCC |
Sứ mệnh của nhà giáo, nhà văn, nhà báo là những người đang trồng người và “trồng văn” nên chúng tôi đều mong mình gieo được trong tâm hồn thế hệ trẻ những ước mơ, hoài bão cao đẹp. Dẫu biết rằng để những “ước mơ xanh” ấy vươn cao, bay xa, nở hoa, kết trái cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng tôi vẫn không ngừng “thắp lửa” và “truyền lửa” để nối dài những ước mơ viết văn, làm báo ở các thế hệ học sinh của mình.
Trường THPT Nam Sách, Hải Dương – nơi tôi công tác có nhiều CLB ngoại khóa rất lí thú và bổ ích, trong đó có CLB sáng tác thơ văn dành cho các em học sinh yêu thích và có năng khiếu sáng tác. Được giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm CLB sáng tác thơ văn nhiều năm liền, tôi đã tích cực vun đắp ước mơ viết văn, viết báo cho các em học sinh. Tôi đã động viên, khích lệ học sinh sáng tác thơ, truyện ngắn, tản văn…
Trong quá trình phụ trách CLB sáng tác, tôi cùng các em đọc sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc ở học sinh, giúp các em bồi đắp thêm vốn từ, chia sẻ cùng các em cách phát hiện những đề tài trong cuộc sống. Tôi trực tiếp hướng dẫn cách viết, giúp học sinh sửa chữa để tác phẩm của các em có chất lượng hơn, sau đó biên tập và gửi về các tòa soạn báo, tạp chí, đặc biệt là Báo Giáo dục & Thời đại - ấn phẩm Chủ nhật (bộ mới).
Đây là một ấn phẩm rất đặc sắc với nhiều chuyên mục đa dạng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với các nhà trường, là cái nôi nuôi dưỡng, tạo cơ hội cho các thầy cô giáo, các em học sinh có năng khiếu sáng tác được thể hiện và trau dồi bút lực. Tôi nhận thấy đây là sân chơi rất bổ ích, thiết thực cho các em học sinh, đã khơi dậy được tình yêu văn chương, niềm đam mê sáng tác của các bạn trẻ, điều mà trong xã hội hiện nay đang bị mai một dần do tác động của nhiều hình thức giải trí hấp dẫn khác.
Sân chơi bổ ích này không chỉ bồi đắp thêm tình yêu văn chương mà đã trở thành nơi nuôi dưỡng ước mơ của nhiều bạn trẻ. Có em tâm sự: Nhiều lúc em muốn thể hiện tình cảm với một ai đó như bạn bè, bố mẹ... nhưng nếu nói trực tiếp sẽ rất ngại. Vì thế, em mượn những tác phẩm thơ, văn để gửi gắm cảm xúc, tình cảm và mơ ước của mình.
Khi tác phẩm được đăng trên báo, các em học sinh rất vui, không chỉ vì các em được nhận nhuận bút và báo tặng mà vì đó là thành quả ngọt ngào cả về vật chất và tinh thần mà các em nhận được sau những nỗ lực, đam mê, khích lệ các em viết thêm nhiều tác phẩm mới. Không ít em học sinh tham gia CLB sáng tác thơ văn đã trưởng thành, trở thành nhà báo, nhà giáo…
Mỗi dịp tháng 6 về, người làm báo lại có một ngày để tôn vinh, để tự nhắc mình phải có trách nhiệm hơn với ngòi bút bởi “nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp”. Dấn thân, bản lĩnh, trung thực là những phẩm chất không thể thiếu ở người cầm bút chân chính, nhưng làm thế nào để giữ mãi được ngọn lửa ấm trong từng con chữ là điều mà bản thân tôi vẫn luôn tâm niệm và trăn trở.
Dù chỉ là một người viết báo “nghiệp dư” nhưng tôi cũng nhận thức được sứ mệnh của ngòi bút trong thời đại công nghệ số với môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt. Tôi sẽ tiếp tục “dạy” và viết với ngọn lửa đam mê, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tiếp tục dạy học bằng cả trái tim và viết bằng cả tấm lòng, viết bằng cả trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút để tiếp tục truyền cảm hứng. Làm được điều đó, tôi tự hào vì mình đã “chắp cánh ước mơ”, khơi dậy và thắp sáng ước mơ viết văn, làm báo ở các thế hệ học sinh.