"Sân chơi" để nhà báo gửi gắm thực tế, nỗi niềm nhà giáo

GD&TĐ - Từ thực tế và được chứng kiến, ghi nhận, nhà báo Nguyễn Thế Lượng trăn trở: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân... những huyện miền núi đang còn khó khăn của Thanh Hóa.

Nhà báo Nguyễn Thế Lượng trên hành trình tác nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Thế Lượng trên hành trình tác nghiệp.

Tuy nhiên, cuộc sống của giáo viên ở những vùng khó khăn ấy vẫn chưa thực sự được quan tâm về chế độ ưu đãi phụ cấp.

Hàng vạn giáo viên ở huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh... bị ảnh hưởng do sự điều chỉnh chế độ phụ cấp bởi Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn; hoặc, quy định về việc thăng hạng viên chức đối với giáo viên, đã ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống của những người đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của nước nhà.

“Từ thực tế trên, chúng tôi mong muốn Nhà nước cần có giải pháp, chính sách ưu việt hơn dành cho giáo viên và ngành Giáo dục. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của những giáo viên vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo”, nhà báo Nguyễn Thế Lượng bộc bạch.

Năm thứ 4 liên tiếp đồng hành cùng Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, theo Giáo sư Ray Gordon, Hiệu trưởng Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), giải đã lan tỏa được nhiều giá trị tích cực trong toàn xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Trường Đại học Anh quốc Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” tiếp tục lan tỏa và thành công hơn nữa.

Bám sát và lắng nghe hơi thở cuộc sống là chia sẻ của nhà báo Phan Tuyết Nhung - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH). Với loạt bài “Năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh”, nữ nhà báo đã chuyển tải đến cho khán thính giả cái nhìn cận cảnh về những khó khăn và thách thức của ngành Giáo dục TPHCM khi bắt đầu năm học mới một cách không thể đặc biệt hơn.

“Dịch bệnh tại TPHCM thời điểm ấy đang bước vào giai đoạn căng thẳng với nhiều đau thương mất mát nhất. Sự đau thương ấy không chỉ đến từ số ca bệnh, ca tử vong gia tăng mỗi ngày, mà còn đến từ chính sự biệt ly, chia lìa của không ít những em học sinh khi vừa bước vào năm học mới. Hơn 1.500 học sinh mồ côi do đại dịch để lại trong lòng những người làm báo như chúng tôi sự hẫng hụt và trĩu nặng” - chị Tuyết Nhung chia sẻ.

“Để ghi nhận trực diện những khó khăn cho một năm học chưa từng có tiền lệ, những quyết sách đúng đắn và phù hợp của ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho học sinh (đơn cử như học sinh đang ở bất cứ tỉnh thành nào do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đều có thể tham gia học tập tại địa phương đó), tôi đã quyết định thực hiện loạt bài trên để mang đến cho phụ huynh những thông tin chính thống nhất, giúp xã hội lắng nghe, đồng hành và chia sẻ cùng với ngành Giáo dục” - nhà báo Tuyết Nhung nói.

Nói về giải thưởng đạt được trong năm nay, nhà báo cho biết: Nhiều năm tham gia giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục” vì đây là một sân chơi giàu ý nghĩa với những người làm báo và bám mảng giáo dục. Giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận, nó còn tổng kết một chặng đường dấn thân, hoạt động của các nhà báo trong lĩnh vực giáo dục cũng như sự thay đổi, lắng nghe của ngành Giáo dục.

“Lĩnh vực nào cũng vậy, luôn cần sự đóng góp ý kiến, ghi nhận và thiện chí xây dựng để phát triển. Giáo dục Việt Nam trong gần một thập niên vừa qua có sự phát triển vượt bậc chính là nhờ sự phản ánh, lắng nghe và chia sẻ rất lớn từ xã hội, phụ huynh học sinh và những người làm báo.

Giải thưởng như một lời tri ân đến quý thầy cô giáo luôn hết lòng vì nghề, đến những nhà quản lý trường học luôn đau đáu, suy tư với những quyết sách của nhà trường.

Giải thưởng cũng là lời nhắc nhở chính bản thân phải bám sát hơi thở cuộc sống để có những tác phẩm hấp dẫn, có thể ghi lại những dấu mốc trước những giai đoạn đặc biệt của xã hội” - nhà báo Tuyết Nhung nói.

Ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT khẳng định nhiều tác phẩm có sự đầu tư công phu của tác giả, trong đó có những tác phẩm mang tính phản biện cần được nghiên cứu tiếp thu để điều chỉnh chính sách kịp thời. Ông Trần Quang Nam đồng thời mong muốn các nhà báo tiếp tục đồng hành cùng với ngành Giáo dục, có nhiều tác phẩm báo chí mang tính phát hiện, lan tỏa nhiều hơn nữa những gương sáng trong ngành, tôn vinh giá trị tốt đẹp của đời sống giáo dục, từ đó giúp các thầy cô, học sinh và bậc phụ huynh yên tâm, đồng thuận với chủ trương, chính sách mới của ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ