Gỡ "nút thắt" học phí khi đại học tự chủ của tác giả Phạm Thị Anh (báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh) - tác phẩm đoạt giải Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2022 tái hiện bức tranh tự chủ đại học và những thực trạng, những tồn tại hiện nay; đưa ra hướng tháo gỡ về tự chủ mà không tạo áp lực về học phí lên người học.
Nhà báo Phạm Thị Anh cho biết, mặc dù tự chủ là xu hướng tất yếu của Việt Nam, chủ chương của chính phủ, nhưng khi thực hiện đồng loạt tại các cơ sở đào tạo còn tồn tại rất nhiều vấn đề bất cập.
“Khi mà ngân sách Nhà nước bị cắt hẳn thì các trường buộc phải tăng học phí rất cao vì đó là nguồn thu chính của các trường. Trong khi bản chất thực sự của tự chủ đại học là rất nhiều nguồn để đóng góp cho giáo dục đại học chứ không chỉ riêng là học phí”, nhà báo Phạm Thị Anh chia sẻ.
Theo đó, đại học tự chủ bản chất là việc bên cạnh học phí còn có các khoản thu từ các nguồn xã hội hoá, từ đóng góp của các doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ của các đề tài nghiên cứu khoa học…Trong khi thực tế tại Việt Nam hiện nay, đa số các trường chuyển sang cơ chế tự chủ chủ yếu vẫn là từ học phí của sinh viên. Việc đó sẽ tạo một áp lực rất lớn đến người học, phụ huynh.
“Trong khi thu nhập của phụ huynh tại Việt Nam còn rất là thấp. Tại các vùng sâu, vùng xa, cơ hội học tập của các em phần nào sẽ bị thu hẹp lại. Các em không có điều kiện vào học đại học có tiếng. Bởi lẽ, những trường chuyển sang cơ chế tự chủ hiện nay đều là những trường top trên”, nhà báo Phạm Thị Anh nói.
Với nhiệm vụ theo dõi mảng Giáo dục của Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh và năm nào cũng gửi bài dự thi nên khi biết tin đoạt giải, nhà báo Phạm Thị Anh cho biết rất vui mừng.
Nhà báo Phạm Thị Anh đánh giá Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” là một sân chơi rất ý nghĩa cho phóng viên nói chung và phóng viên theo dõi mảng giáo dục nói riêng.
“Đây là cơ hội để cho mọi người ghi nhận những tác phẩm báo chí, tạo dư luận xã hội. Góp phần lan toả tinh thần của các phóng viên trong công tác báo chí cũng như truyền tải được những phản ánh của phóng viên thông qua các tác phẩm báo chí. Nhất là những loạt bài có thể là gương người tốt việc tốt hay những hạn chế, yếu kém trong giáo dục giúp vấn đề đó được lan toả, chú ý hơn”, nhà báo Phạm Thị Anh chia sẻ.