Nhà báo hiểu rõ cống hiến của thầy cô khi viết về giáo dục

GD&TĐ - Giải báo chí 'Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam' giúp tôi có động lực phấn đấu, hiểu rõ những cống hiến của thầy cô cho Giáo dục nước nhà...

Nhà báo Vũ Thuyên (phải) trong một lần tác nghiệp. Ảnh: NVCC.
Nhà báo Vũ Thuyên (phải) trong một lần tác nghiệp. Ảnh: NVCC.

Đó là chia sẻ của nhà báo Lê Vũ Thuyên, Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước.

Từ nhà giáo thành nhà báo

Nhà báo Lê Vũ Thuyên sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Thành (Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp cử nhân Lịch sử, anh từng có thời gian tham gia giảng dạy tại quê nhà. Sau đó vì điều kiện gia đình nên anh chuyển vào Bình Phước. Với đam mê với viết lách, nên tại mảnh đất mới, anh tận dụng thời gian rảnh rỗi viết bài gửi cộng tác cho các đặc san của Báo Bình Phước.

“Số lượng bài viết tôi gửi cộng tác gửi báo Bình Phước ngày càng nhiều, nên năm 2012, với đam mê với nghề viết lách, tôi đã quyết tâm “rẽ” sang nghề báo. Thực sự, nghề báo là nghề không lựa chọn từ ban đầu nhưng đến nay đã gắn bó với tôi suốt hơn 10 năm nay”, anh Thuyên tâm sự.

Nhắc đến việc gắn bó với mảng giáo dục, nhà Báo Vũ Thuyên chia sẻ: “Bản thân anh đam mê nghề giáo từ nhỏ, cộng với sự yêu mến, lễ phép, kính trọng người thầy của học sinh vùng quê, khiến ký ức thời trẻ luôn ùa về trong tôi mỗi khi đến với cơ sở giáo dục. Với tôi giáo dục có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Đặc biệt, nhiều tác phẩm báo chí liên quan đến lĩnh vực giáo dục sau khi đăng tải trở thành liều thuốc “đặc trị”, trong đó có tích cực và tiêu cực. Đam mê “bám” trọn nghề với ngành giáo dục không chỉ bởi tôi xuất phát từ ngành này mà từ sự “đặc ân” của thầy cô, cơ quan, đơn vị, đồng nghiệp đối với bản thân.

Theo nhà báo Vũ Thuyên, nhiều năm nay, ngành giáo dục Bình Phước trở thành điểm sáng của cả nước về chất lượng nên tôi có nhiều đất để diễn, để khai thác. Mặt khác, các thầy cô, cán bộ trong ngành luôn dành trọn niềm tin yêu, trân quý, kính trọng mỗi khi có nhà báo đến “tác nghiệp”.

“Do đã nhiều năm gắn bó, dấn thân với mảng giáo dục, vì vậy trong quá trình làm nghề trong lòng tôi luôn hướng về giáo dục. Thực sự nếu một vài tuần không có bài trên trang 8 báo in (trang thường dành cho giáo dục) tôi lại có cảm giác như mình không còn được viết báo nữa. Dù đã hơn 10 năm viết báo với hàng ngàn tác phẩm được đăng tải, phát sóng, nhưng cứ mỗi lần “con đẻ” của mình ra đời tôi luôn có cảm giác hồi hộp, vui sướng, nâng niu, đọc đi, xem lại nhiều lần”, nhà báo Vũ Thuyên chia sẻ

Hạnh phúc khi biết tin đạt giải

Với nhà báo Vũ Thuyên, một tác phẩm báo chí “ra lò” không phải là ý tưởng, sản phẩm riêng của cá nhân mà qua rất nhiều khâu biên tập, duyệt. Khi các đồng nghiệp sửa mo-rát, biên tập, duyệt thì các lỗi chính tả, câu từ được hoàn thiện trơn tru, chuẩn xác và cô đọng hơn. Vì thế, việc đọc kỹ từng bài báo của mình, của đồng nghiệp cũng là cách để học tập kinh nghiệm, hoàn thiện cách làm báo của bản thân.

Nhà báo Vũ Thuyên (thứ 2 từ trái qua) nhận giải báo chí chất lượng cao tỉnh Bình Phước năm 2022. Ảnh: NVCC.

Nhà báo Vũ Thuyên (thứ 2 từ trái qua) nhận giải báo chí chất lượng cao tỉnh Bình Phước năm 2022. Ảnh: NVCC.

“Bài báo hay phải mang hơi thở của cuộc sống, được đông đảo bạn đọc, công chúng đón nhận, chia sẻ. Nhưng dù có hay đến mấy mà sai sót thông tin, nhất là những vấn đề nhạy cảm về chính trị, chức danh lãnh đạo thì mọi cái đều trở về số 0, thậm chí phải trả giá rất đắt”, nhà báo Vũ Thuyên tâm niệm.

Được biết, năm 2023 này, là lần thứ 2 nhà báo Vũ Thuyên gửi tác phẩm tham gia Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng tác phẩm và đưa tác phẩm tham dự giải năm nay, anh Vũ Thuyên cho hay, so với các địa phương trong cả nước, đặc biệt các thành phố, trung tâm công nghiệp lớn thì tỉnh Bình Phước số lượng trường, lớp, học sinh chưa đông.

Tuy nhiên, lại quá tải cục bộ ở một số địa phương, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp dẫn đến học sinh tăng cơ học nhanh, rồi quá tải, vượt chuẩn so với quy định. Trong khi đó nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạn chế làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đó là lý do tôi xây dựng, thực hiện đề tài "Xây dựng trường chuẩn quốc gia để nâng chất giáo dục".

“Sau tác phẩm gửi năm nay, tôi sẽ cố gắng thực hiện những tác phẩm hay, xuất sắc hơn nữa để tham gia trong những năm tới. Tôi mong muốn Giải báo chí viết về giáo dục sẽ có thêm nhiều tác phẩm truyền cảm hứng về hình ảnh người thầy, để những cống hiến của họ để xã hội hiểu và luôn đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục của đất nước. Qua đó ghi nhận, tôn vinh kịp thời, xứng đáng sự đóng góp của báo chí vào tuyên truyền chính sách, phản ánh hoạt động của ngành giáo dục”, nhà báo Vũ Thuyên bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ