Truyền tải những cống hiến của nghề giáo

GD&TĐ - Tham gia Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, các nhà báo mong muốn truyền tải những cống hiến, chia sẻ của nghề giáo và nhà giáo.

Đường đến trường của HS vùng đất mũi Cà Mau. Ảnh: Q. Ngữ.
Đường đến trường của HS vùng đất mũi Cà Mau. Ảnh: Q. Ngữ.

Truyền tải những nỗ lực của ngành Giáo dục

Gắn bó với Giáo dục vùng đất mũi Cà Mau, nhà báo Phạm Quốc Rin (Báo Cà Mau) có dịp đi, ghi nhận nhiều đề tài hay. Bén duyên với Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam và đoạt giải ở thể loại báo in năm 2019, đối với nhà báo Phạm Quốc Rin là kỷ niệm đáng nhớ.

Nhà báo Phạm Quốc Rin chia sẻ, với tác phẩm “Đến trường trên những nhánh sông”, qua bài báo, anh hy vọng cộng đồng có thể cùng chung tay giúp đỡ học sinh vùng khó Cà Mau, để các em có thể đến trường an toàn hơn.

Nhà báo Phạm Quốc Rin đang tác nghiệp. Ảnh: NVCC.

Nhà báo Phạm Quốc Rin đang tác nghiệp. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về cơ duyên tham gia Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, nhà báo Phạm Quốc Rin cho biết: Năm 2018, tôi biết đến cuộc thi và rất ấn tượng khi theo dõi lễ trao giải trên sóng truyền hình trực tiếp. Là phóng viên viết mảng Giáo dục, tôi muốn gửi tác phẩm của mình với mong muốn có được sự đồng cảm, chia sẻ của xã hội và các cơ quan chức năng, để cộng đồng có cách nào đó cùng chung tay giúp đỡ học sinh, động viên các thầy cô ở các điểm trường khó, cho vơi bớt nhọc nhằn đường đến trường.

Đáng quý là dù đường đi học còn khó khăn, nhưng không khí học tập của học sinh các trường vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Cà Mau rất tích cực. Cùng với đó là cống hiến của thầy cô giáo ở những điểm trường lẻ, dù đường đi dạy học vất vả nhưng các thầy cô vẫn cố gắng thu xếp sinh hoạt, cuộc sống gia đình, để toàn tâm toàn ý với học trò.

“Là phóng viên viết mảng Giáo dục, tôi đi và thấy được cảnh dạy, học như thế nên rất cảm động, quý trọng sự nỗ lực của các thầy cô. Đặc biệt, các em học sinh vùng khó rất ham học, đường đến trường không thuận lợi, nhưng các em luôn cố gắng chuyên cần, trong khi cha mẹ học sinh cũng rất quan tâm việc học của con em”, nhà báo Phạm Quốc Rin cho biết.

Tham gia dự thi và đoạt giải, đối với nhà báo Phạm Quốc Rin là kỷ niệm đẹp đối với nghề báo. Anh chia sẻ: Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam được duy trì thường niên đã tạo được hiệu ứng xã hội sâu sắc. Các nhà báo xem đây là một sự khích lệ để tìm hiểu, thực hiện nhiều hơn, hay hơn những tác phẩm báo chí về đề tài Giáo dục. Những câu chuyện hay, gương người tốt việc tốt, những vấn đề Giáo dục được nêu ra trong các tác phẩm dự thi có thể tạo được sự cộng hưởng, chung tay của toàn xã hội vì sự phát triển của nền Giáo dục Việt Nam...

Lan tỏa năng lượng tích cực

Tham gia Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam và đoạt giải năm 2020, nhà báo Nguyễn Thị Duy Anh và Đoàn Vũ Luân (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hậu Giang) mong muốn lan tỏa năng lượng tích cực từ ngành Giáo dục.

Chia sẻ về tác phẩm “Người thầy truyền cảm hứng”, nhà báo Nguyễn Thị Duy Anh cho biết: Bản thân chị cùng đồng nghiệp đã đem tất cả sự tâm huyết vào tác phẩm với mong muốn truyền cảm hứng cho những người làm nghề giáo và hy vọng lan tỏa năng lực tích cực đến mọi người. Đặc biệt là những nhà giáo đang công tác ở vùng khó khăn nhất của đất nước có thể tiếp tục vươn lên, vượt qua những khó khăn, gắn bó với nghề.

Nhà báo Nguyễn Thị Duy Anh. Ảnh: NVCC.

Nhà báo Nguyễn Thị Duy Anh. Ảnh: NVCC.

Điều mà nhà báo Duy Anh ấn tượng khi thực hiện phóng sự “Người thầy truyền cảm hứng” là hình ảnh một thầy giáo trẻ ở vùng đất Hậu Giang. Nơi còn nhiều khó khăn nhưng có một thầy giáo dành tình yêu với nghiên cứu khoa học. Thầy muốn làm gì đó cho các em học sinh vùng quê để các em tiếp cận với những tiến bộ của khoa học công nghệ.

Nhà báo Duy Anh chia sẻ: Trò chuyện cùng thầy, tôi cảm nhận thầy tỏa ra nguồn năng lượng tích cực, thể hiện tình yêu nghề, tình yêu với khoa học. Mặc dù làm nghề giáo còn lắm trăn trở, đặc biệt là ở một vùng đất còn nhiều khó khăn. Nhưng với những nỗ lực của thầy, những năm vừa qua đã mang về những kết quả khi các thế hệ học sinh mà thầy đã hướng dẫn luôn đạt giải cao ở các cuộc thi sáng tạo… Từ câu chuyện về thầy giáo trẻ đã thôi thúc nhà báo Duy Anh phải làm điều gì đó cho nhà giáo và ngành Giáo dục.

Chia sẻ về Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thị Duy Anh cho biết: Từ khi giải báo chí phát động đã thu hút chị và nhiều đồng nghiệp quan tâm đến lĩnh vực Giáo dục. Đây là sân chơi dành cho người làm báo cả nước, đặc biệt là những nhà báo, phóng viên phụ trách mảng Giáo dục. Được tham gia giải báo chí cũng là cơ hội để các nhà báo thể hiện tình yêu báo chí và tinh thần trách nhiệm với ngành Giáo dục.

Đặc biệt, nhiều năm qua Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam đã quy tụ nhiều tác giả, nhiều tác phẩm xuất sắc về lĩnh vực Giáo dục. Qua đó vinh danh những cá nhân, tấm gương điển hình tiên tiến, tâm huyết tiếp tục cống hiến cho ngành Giáo dục Việt Nam…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Tìm hiểu genz là gì