Nguyễn Trãi: Tư tưởng Nhân nghĩa trong “Quốc âm thi tập”

GD&TĐ - Tư tưởng Nhân nghĩa vốn xuất phát từ học thuyết Nho giáo, Khổng Tử bàn chữ Nhân, Mạnh Tử bàn chữ Nghĩa, tựu chung là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trên cơ sở tình thương và đạo lí.

Tượng Nguyễn Trãi tại đền thờ ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội).
Tượng Nguyễn Trãi tại đền thờ ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội).

Nhưng trong đó còn có cả cả những điều hà khắc, phi nhân. Tuy nhiên Nguyễn Trãi đã kế thừa những điều tích cực nhất của tư tưởng Nhân nghĩa của Khổng Mạnh, gạt bỏ những điều vụn vặt, hà khắc đồng thời mở rộng biên độ Nhân nghĩa theo tinh thần Đại Việt. 

Nguyễn Trãi tự Ức Trai (1380 - 1442)  là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất đồng thời còn là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Bao trùm trong di sản đồ sộ mà Nguyễn Trãi để lại chính là tư tưởng Nhân nghĩa. Từ trước tới nay đã có nhiều bài viết bàn về tư tưởng Nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo nhưng với Quốc âm thi tập, Tư tưởng Nhân nghĩa dường như còn ít được quan tâm.

Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ đề cập đến một số khía cạnh của tư tưởng Nhân nghĩa trong tập thơ chữ Nôm Quốc âm thi tập nhằm bổ sung cho bạn đọc một cái nhìn rộng hơn về Nhân nghĩa theo tinh thần Nguyễn Trãi, giúp học sinh và giáo viên hiểu kỹ hơn những bài thơ được đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp học.

Nhân nghĩa gắn liền với dân

Với Nguyễn Trãi, Nhân nghĩa gắn liền với dân, thương dân, trọng dân, mong cho dân được yên vui, no đủ “khắp thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận, oán sầu”. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi tuyên bố về Nhân nghĩa hết sức ngắn gọn mà sâu sắc: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quan niệm về “dân” của Nguyễn Trãi so với các trí thức phong kiến trước đó và đương thời cũng có những điều mới mẻ. Trước hết có thể thấy quan niệm về “dân” của Nguyễn Trãi không còn chung chung mà rất cụ thể đó là các tầng lớp trong dân chúng, những người làm ruộng, người dân cày lưu tán, kẻ tôi tớ đi ở. Có thể nói đó là lần đầu tiên vai trò của người nông dân trong cuộc khởi nghĩa đã được đề cập đến,  chứ không chỉ nói “xã tắc” chung chung như các nhà Nho thường nói.

Hơn ai hết, Nguyễn Trãi thấy sức mạnh của dân lớn lao, đó là người đẩy thuyền: Đẩy thuyền mới biết dân như nước. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã hơn một lần nhắc đến dân, tinh thần cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lan tỏa rộng rãi, được mọi người ủng hộ và đi theo trước hết là những  người lãnh đạo khởi nghĩa thấy được sức mạnh của dân và biết tập hợp nhân dân, có thể nói đó là cuộc khởi nghĩa toàn dân: Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử hòa nước sông chén rượu ngọt ngào. Trở lại với tập thơ Quốc âm thi tập, quan niệm về “dân” đã được Nguyễn Trãi đề cập khá nhiều lần, dân bao gồm cả sĩ, nông, công, thương theo tinh thần Nho giáo, hoặc có khi dân cụ thể là kẻ cày cấy (người nông dân):

Bốn dân có nghiệp cao cùng thấp

Đều hết làm tôi Thánh thượng hoàng

                       Tức sự, bài 4

Bát cơm xoa nhờ ơn xã tắc

Gian lều cỏ, đội đức Đường, NguNgôn chí, bài 14

Ở yên thì nhớ lòng xung đột

Ăn lộc, đền ơn kẻ cấy cày

                       Bảo kính cảnh giới, bài 19

Như vậy có thể nói cốt lõi nhất trong tư tưởng Nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là gắn với dân, điều đó cũng được thể hiện rất rõ trong tập thơ chữ Nôm Quốc âm thi tập, tập thơ có vị trí quan trọng trong sự nghiệp Ức Trai cũng như trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc, được ví như bông hoa đầu mùa của nền văn học tiếng Việt. Quốc âm thi tập gồm 254 bài chia nhiều phần như Vô đề, Môn thời lệnh, Môn hoa mộc, Môn cầm thú… tập hợp các bài thơ chữ Nôm chủ yếu viết theo thể thất ngôn bát cú, thất ngôn xen lục ngôn và tứ tuyệt, được sáng tác trong khoảng thời gian khá dài. Tập thơ đã thể hiện tập trung tư tưởng Nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, nhất là các mục Thuật hứng, Mạn thuật, Trần tình, Bảo kính cảnh giới.

Nhân nghĩa có khi được biểu hiện qua tấm lòng ưu ái, tức là lo cho nước, thương cho dân theo truyền thống dân tộc, trong thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi cũng từng thổ lộ “Lúc nào cũng nghĩ đến dân, riêng ôm mối tiên ưu”, đó chính là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, tấm lòng ấy có khi cuồn cuộn như nước triều đông, như một quy luật tự nhiên:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông

                     Thuật hứng, bài 5

Còn có một lòng âu việc nước

Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung

                   Thuật hứng, bài 23

Bìa tác phẩm “Quốc âm thi tập”. Ảnh: NXB Hội Nhà văn
 Bìa tác phẩm “Quốc âm thi tập”. Ảnh: NXB Hội Nhà văn

Nhân nghĩa còn là trừ tham tàn, bạo ngược

Nhân nghĩa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Nguyễn Trãi, trở thành kim chỉ nam trong suy nghĩ, hành động. Điều đó không chỉ thể hiện trong Bình Ngô đại cáo mà còn thể hiện trong rất nhiều bài thơ Nôm trong mục Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình), với Nguyễn Trãi, Nhân nghĩa trước hết là trừ tham tàn, bạo ngược hay giữ gìn Nhân nghĩa luôn trong sáng, không lệch lạc, không một phút xem nhẹ. Có khi, Nhân nghĩa gắn với trách nhiệm của người dìu dắt dân (làm quan) không để mất lòng dân:

Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược

Có nhân, có trí, có anh hùng

                  Bảo kính cảnh giới, bài 5

Lòng thế bạc đen dầu nó biến

Ta gìn nhân nghĩa chớ loàn đơn

                     Bảo kính cảnh giới, bài 12

Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách

Đem dân, mựa nữa mất lòng dân

                    Bảo kính cảnh giới, bài 57

Nhân nghĩa với Nguyễn Trãi không ngoài quan niệm xã hội phong kiến nhưng đó là xã hội lý tưởng vua sáng, tôi hiền, thái bình, thịnh trị. Mẫu ông vua lý tưởng là Nghiêu, Thuấn. Chính vì vậy rất nhiều lần, Nguyễn Trãi nhắc đến hai vị vua với một lòng kính ngưỡng (Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn/ Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền), luôn khao khát, ước mong về một xã hội tốt đẹp của một thời vang bóng:

Nuôi con mới biết lòng cha mẹ

Thấy loạn thì hay đời Thuấn Nghiêu

                   Bảo kính cảnh giới, bài 8 

Chúc thánh cho tày Nghiêu, Thuấn nữa

Được về ở thú điền viên

                   Bảo kính cảnh giới, bài 16

Cũng có giai đoạn nhà nước phong kiến thời Lê sơ được no ấm, dân được yên vui ( Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Lúa gạo đầy đồng trâu chẳng buồn ăn - Ca dao), Nguyễn Trãi đã vui mừng ghi nhận buổi đầu khai sáng mà như buổi trung hưng về sau:

Khổng khảy thái bình đời thịnh trị

Nghiệp khai sáng tựa nghiệp trung hưng

                 Bảo kính cảnh giới, bài 61

Mục Bảo kính cảnh giới, bài 43 được đưa vào chương trình Ngữ văn 10, các nhà biên soạn SGK đặt tên Cảnh ngày hè, Nguyễn Trãi đã phác họa một bức tranh ngày hè vô cùng sinh động trong một hoàn cảnh lý tưởng của cuộc đời: Rồi hóng mát thuở ngày trường để làm thơ, ngắm cảnh.

Những tán hòe xanh lục bao trùm khoảng không xanh mát, màu đỏ của hoa thạch lựu phun trào bên hiên, sen ngoài ao ngát hương, tiếng ve inh ỏi, đặc biệt âm thanh lao xao chợ cá từ làng chài xa dội lại trong lòng khiến Nguyễn Trãi hân hoan, vui sướng và ao ước có cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong (vua Thuấn nước Ngu thời Ngũ đế gảy khúc Nam phong có câu Gió nam thuận thời làm cho dân ta giàu của) ca cảnh đời thái bình, thịnh trị:

Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương

                    Bảo kính cảnh giới, bài 43

Mặc dù bài thơ nói về cảnh ngày hè nhưng điểm kết lại ở thi phẩm không ở cảnh thiên nhiên mà lại trở về với dân, Nguyễn Trãi mong cho dân được giàu đủ nhưng là cho cả mọi người ở khắp mọi nơi. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thời điểm ra đời bài thơ có lẽ gắn với quãng thời gian Nguyễn Trãi về Côn Sơn.

Sau khi chiến thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi nhưng chẳng bao lâu, Nguyễn Trãi và nhiều bạn đồng chí đã không được tin dùng, có khi bị gièm pha, đố kị, nghi ngờ dẫn đến kết cục Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn trẫm mình, Thái úy Phạm Văn Xảo bị chém, bản thân Nguyễn Trãi bị bắt giam, rồi sau đó được trả tự do, về sống đời nhàn dật ở Côn Sơn khoảng hơn mười năm, mãi đến khi Lê Thái Tông lên ngôi, Nguyễn Trãi mới được bổ dụng trở lại.

Khoảng thời gian ở Côn Sơn chắc chắn Nguyễn Trãi đã sáng tác những tác phẩm tiêu biểu như Bài ca Côn Sơn, cũng như nhiều bài trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập. Mặc dù, cuộc đời có nhiều chuyện buồn nhưng Nguyễn Trãi vẫn gác lại những tâm sự riêng của mình để vui với niềm vui của dân chúng trong cảnh thái bình, điều đó cho ta thấy tấm lòng yêu thương dân của thi nhân cao cả biết nhường nào.

Phải chăng khi chọn đề mục Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình) với 61 bài, Nguyễn Trãi đã có ý tự răn, tự nhắc nhở mình không được xao nhãng, không được xa rời dân, phải luôn chăm lo cho dân. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại câu trả lời của Nguyễn Trãi với vua Lê Thái Tông khi được cử soạn lễ nhạc cho triều đình: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc... Dám mong Bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư, trang 563, NXB Văn học, 2009).

Bài thơ Cảnh ngày hè cũng như nhiều thi phẩm khác trong tập thơ được viết bằng thể thất ngôn xen lục ngôn mang nét sáng tạo riêng của Ức Trai, đó cũng là một bước tiến quan trọng trong việc Việt hóa thể thơ Đường luật, khiến nhiều bài thơ có sự mềm mại, dung dị, gần với lời ăn tiếng nói, với tâm hồn người Việt. Câu mở đầu và kết lại bài Cảnh ngày hè đều là câu thơ lục ngôn với sự dồn nén cảm xúc rất cao, góp phần thể hiện tâm hồn Nguyễn Trãi, một tâm hồn luôn đau đáu với nhân dân.

Nguyễn Trãi: Tư tưởng Nhân nghĩa trong “Quốc âm thi tập” ảnh 2

Nhân nghĩa cần hiểu rộng hơn

Tuy nhiên, Nhân nghĩa với Nguyễn Trãi không chỉ ở sự quan tâm đến dân, lấy dân làm gốc mà cũng cần hiểu rộng hơn, mở rộng hơn tới muôn loài, tới môi trường sống xung quanh con người, môi trường sinh vật mà ngày nay ta gọi là Hệ sinh thái nhân văn. Trong tập thơ, Nguyễn Trãi nói nhiều đến cỏ cây, muông thú, sống chan hòa với tự nhiên, coi tự nhiên là bạn. Bên cạnh những sen, tùng, trúc Nguyễn Trãi cũng nói đến mồng tơi, rau muống, rảnh mùng, rau rút dân dã, giản dị. Bên cạnh rùa, hạc nhà thơ cũng quan tâm đến lợn, mèo và có cả những bài riêng về những con vật gần gũi này như Trư, Miêu.

Về khía cạnh này, cách đây gần 40 năm  GS Bùi Văn Nguyên đã khẳng định: “Nguyễn Trãi, ngay trong đêm trường Trung cổ, lại khác, chưa biết nhiều lí thuyết gì lắm, ngoài ba hệ ý thức: Phật- Lão- Nho. Nhưng Nguyễn Trãi có ý thức về đạo làm người chân chính, giữ đúng vị trí vật linh trưởng của muôn vật, thương yêu chủng loại riêng mình đã đành, mà còn thương yêu cả cảnh vật thiên nhiên, cả muôn vật, coi trọng hạnh phúc chung, coi trọng phong cảnh chung” (Theo Thơ Quốc âm Nguyễn Trãi, NXB Giáo dục, H, 1994, tr17). Trong tình trạng môi trường sống đang ngày càng bị ô nhiễm như hiện nay, thiết nghĩ những vấn đề Nguyễn Trãi dề cập đến sẽ giúp cho con người hiện đại rút ra những bài học hữu ích.

Có thể khẳng định, Nhân nghĩa là tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi, góp phần làm phong phú minh triết Đại Việt xưa và Việt Nam ngày nay. Tư tưởng đó ngày nay đang được chúng ta kế thừa và phát triển, để góp phần làm sáng tỏ hơn nữa chúng tôi mong muốn có thêm nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa về tư tưởng Nhân nghĩa trong tập thơ tiếng Việt quan trọng này của Ức Trai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ