Điển cố và sự thể hiện chủ đề trong “Ức Trai thi tập”

GD&TĐ - Việc sử dụng điển cố (điển tích) trong tác phẩm văn học là một nét đặc thù thể hiện sự uyên bác và tài năng nghệ thuật của người dùng điển, tạo cho tác phẩm tính trang nhã và hiệu quả thẩm mĩ cao.

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi sử dụng điển cố tuy không nhiều nhưng rất khéo. (Tranh chỉ có tính minh họa)
Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi sử dụng điển cố tuy không nhiều nhưng rất khéo. (Tranh chỉ có tính minh họa)

Cũng như các tác giả văn học thời Trung đại, Nguyễn Trãi đã sử dụng điển cố trong các sáng tác của mình. Nhờ vào nội hàm của điển cố, Nguyễn Trãi đã gián tiếp bộc lộ, bày tỏ được tư tưởng, tình cảm của mình qua những hình tượng thơ sinh động, ngôn ngữ thơ hàm súc.

1.

Chiến tranh loạn lạc kéo dài đã làm nên quãng đời mười năm phiêu dạt như cỏ bồng, cánh bèo của Nguyễn Trãi. Chính vì vậy mà tình cảm nhớ thương bạn bè, người thân luôn cuồn cuộn trong trái tim ông như nước triều đông không lúc nào lắng dịu: Đỗ lão hà tằng vong Vị Bắc (Ký hữu) (Đỗ lão có bao giờ quên bờ Bắc sông Vị?); hay Biệt liên thùy tá Vị Dương tình (Ký cữu Dịch Trai Trần công) (Xa nhau thương nhớ, ai tả được mối tình Dị Dương).

Trong bài Xuân nhật hoài Lý Bạch, Đỗ Phủ viết: “Vị Bắc xuân thiên thụ/ Giang Nam nhật mộ vân” (Cây cảnh trời xuân bờ Vị Bắc/ Áng mây chiều muộn đất Giang Nam). Ý nói có thần giao cách cảm giữa Đỗ Phủ và Lý Bạch, một người ở bờ Bắc sông Vị, một người tận đất Giang Nam, tuy xa mặt nhưng không cách lòng. Họ luôn nhớ về nhau. Qua điển này, Nguyễn Trãi muốn nói đến nỗi nhớ thương của mình với bạn bè. Vị Dương là một địa danh ở Trung Quốc, theo Kinh Thi là nơi Tấn Khương Công tiễn chân người cậu. Bằng việc nói đến tình cậu cháu của Tấn Khương Công, Nguyễn Trãi muốn nói đến nỗi nhớ, tình cảm của mình với người cậu Dịch Trai nào đó.

Không chỉ là nhớ bạn bè, người thân, tấm lòng Nguyễn Trãi vẫn luôn mong ngóng một ngày nào đó được trở về quê nhà. Nỗi nhớ quê da diết khôn nguôi được ông thể hiện qua hình ảnh “tang tử”:

Giang sơn thục bất hoài tang tử

Trung hiếu hà tằng hữu cổ kim.

(Đề Hà Hiệu úy bạch vân tư thân)

(Tình quê hương ai mà chẳng nhớ cây dâu, cây thị

Lòng trung hiếu, nào từng có phân biệt xưa nay)

 Trong Kinh Thi có câu: “Duy tang dữ tử, tất cung kính chỉ” (Chỉ cây dâu và cây thị do cha mẹ trồng là ta ắt phải cung kính). Ngày xưa ở khu đất năm mẫu để làm nhà, cây dâu và cây thị được trồng cạnh tường, truyền cho con cháu để lấy lá dâu nuôi tằm, lấy gỗ thị làm vật dụng. Vì vậy, tang tử được dùng để chỉ quê nhà, nơi cha mẹ ở. Nguyễn Trãi đã mượn hình ảnh tang tử để nói lên nỗi nhớ Côn Sơn quê nhà của mình. 

Bìa Ức Trai thi tập. Ảnh minh họa (nguồn IT)
Bìa Ức Trai thi tập. Ảnh minh họa (nguồn IT)

2.

Nguyễn Trãi vốn mang trong mình dòng máu yêu nước thương dân của cha và ông ngoại. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã hăm hở nhập thế, mong mỏi được trổ tài kinh bang tế thế, giúp vua xây dựng một xã hội thịnh trị, giúp dân có được cuộc sống yên bình, no đủ. Hoài bão đó được ông thể hiện bằng một hình tượng vô cùng đẹp và kì vĩ: “bắc minh bằng”:

Cửu vạn đoàn phong ký tích tằng

Đương niên thác tỉ bắc minh bằng

(Mạn hứng, II)

(Cưỡi gió lên chín vạn dặm, nhớ xưa đã từng có chí ấy

Bấy giờ toan ví mình như chim bằng biển bắc)

Trong sách Trang Tử (Tiêu dao du) có ghi: Đoàn phù dao nhi thướng giả cửu vạn lý (Chim bằng nương theo gió xoáy mà bay lên cao chín vạn dặm). Nguyễn Trãi đã mượn điển này để thể hiện khát khao, ước muốn được tung hoành giữa bầu trời cao rộng.

Chứng kiến cảnh nhân dân rên xiết trong loạn lạc, Nguyễn Trãi xót xa:

Tử Mỹ cô trung Đường nhật nguyệt

Bá Nhân song lệ Tấn sơn hà.

(Loạn hậu cảm tác)

(Tử Mỹ giữ lòng trung mồ côi đối với ngày tháng nhà Đường

Bá Nhân ứa nước mắt hai hàng mà khóc nhìn non sông nhà Tấn)

Tử Mỹ là tên tự của đại thi hào Đỗ Phủ, đời Đường. Khi có loạn An Lộc Sơn, Đỗ Phủ lánh vào đất Thục, thường đau đớn ôm lòng cô trung với nhà Đường. Bá Nhân là tên tự của Chu Nghĩ, đời Tấn. Ông làm thượng thư tả bộc xạ. Khi nhà Tấn mất, ông chạy sang Giang Đông cùng nhiều danh sĩ yến hội ở Tân Đình, nhìn non sông nhà Tấn mà ứa lệ. Nguyễn Trãi muốn mượn hình ảnh Tử Mỹ, Bá Nhân để nói lên lòng trung của mình với non sông đất nước. Khi đất nước chưa tìm được con đường đi đúng đắn, khi chưa có một anh hùng đủ khả năng thay trời hành đạo, Nguyễn Trãi còn đang chơ vơ giữa ngã ba đường của thời đại thì việc ông giữ lòng cô trung với triều Hồ và nhỏ lệ khóc than với non sông đất nước Việt đã mất vào tay kẻ thù là điều tất nhiên.

Khi biết Lê Lợi là một người có tấm lòng bao la đối với dân, với nước, Nguyễn Trãi đã lặn lội tìm đến Lỗi Giang yết kiến để theo phò. Trong Mạn thành (I), ông viết:

Trượng sách hà tòng quy Hán thất

Bão cầm không tự tháo Nam âm.

(Chống roi ngựa biết theo đường nào để về với nhà Hán

Ôm đàn chỉ gảy suông âm điệu phương Nam).

“Trượng sách” tức là chống roi ngựa. Nguyễn Trãi mượn điển cố Đặng Vũ chống roi ngựa làm gậy đi tìm bạn là Lưu Tú (Hán Quang Vũ), giúp Quang Vũ khởi binh, lập nên nhà Đông Hán. Đặng Vũ sau làm công thần bậc nhất và phò tá Hán Quang Vũ rất trung thành. Nguyễn Trãi đã mượn điển tích này để nói đến việc mình vào Lam Sơn giúp Lê Thái Tổ. “Nam âm” tức âm điệu phương Nam. Từ này lấy từ điển Chung Nghi, người nước Sở vốn biết âm nhạc bị bắt sang nước Tần. Khi được vua Tần hạ lệnh cho đánh đàn, ông ôm đàn gảy ngay điệu phương Nam tỏ ý nhớ về nước Sở của mình ở phương Nam. Dùng điển này, Nguyễn Trãi muốn thể hiện lòng trung của mình với non sông đất Việt. Tấm lòng Nguyễn Trãi, tâm hồn Nguyễn Trãi luôn vút lên cung đàn ái quốc trung quân. “Nam âm” lúc này không còn là tiếng đàn của Chung Nghi nữa mà đã trở thành tiếng lòng của Ức Trai. Đó chính là sự khéo léo trong việc dùng điển của Nguyễn Trãi.

Đất nước thái bình, Nguyễn Trãi đem hết tài năng của mình giúp vua xây dựng đất nước. Ông ví mình với Chu Công giúp Thành Vương nhà Chu:

Ý thân phụ chính tưởng Chu Công

Xử biến thùy tương Y Doãn đồng.

(Chu Công phụ Thành Vương đồ)

(Người thân tốt phụ chính nhớ đến Chu Công

Xử cảnh quyền biến ai đem để cùng với Y Doãn?)

Chu Công và Y Doãn đều là những bậc hiền tài có công giúp vua dựng nước. Chu Công (tức Chu Công Đán), con vua Văn Vương, em của vua Võ Vương nhà Chu. Ở vai chú, làm nhiếp chính cho cháu mình là Thành Vương lên ngôi lúc còn nhỏ, bị chính em ruột của mình là Quản Thúc gièm pha và phản loạn, Chu Công đã phải cất quân đánh dẹp giúp Thành Vương. Y Doãn, người hiền sĩ cày ruộng đời nhà Thương, có công giúp vua Thương diệt nhà Hạ, dựng nghiệp nhà Thương, làm đến chức tể tướng, đủ tài bình trị quốc dân. Ông luôn coi trách nhiệm gánh vác việc thiên hạ là trên hết. Ẩn đằng sau điển Chu Công, Y Doãn, ta nhận ra hình ảnh Nguyễn Trãi – một con người luôn vì vua ôm ấp hai chữ trung quân và luôn hết lòng với quốc gia dân tộc mà tiên ưu:

Bình sinh độc bão tiên ưu niệm,

Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên.

(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm, II)

(Suốt đời riêng ôm cái chí “lo trước thiên hạ,

Ngồi khoác mảnh chăn lạnh thâu đêm không ngủ)

“Tiên ưu”: Lo trước. Chữ lấy từ câu nói của Phạm Trọng Yêm đời Tống: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (Nhạc Dương Lâu ký) (Lo trước điều lo của thiên hạ, vui sau điều vui của thiên hạ). Mượn ý trong câu nói này, Nguyễn Trãi muốn nói đến tinh thần phục vụ của mình với dân với nước.

Sử dụng điển các nhân vật Trung Hoa, Nguyễn Trãi muốn bày tỏ tư tưởng, tình cảm của mình. Đằng sau các danh nhân như Tử Mỹ, Bá Nhân, Vương Thức, Quản Ninh, Y Doãn, Bá Di, Thúc Tề… người đọc như thấy thấp thoáng bóng dáng Nguyễn Trãi đi về.

Bìa Ức Trai thi tập. Ảnh minh họa (nguồn IT)
Bìa Ức Trai thi tập. Ảnh minh họa (nguồn IT)

3.

Yêu nước, thương dân, Nguyễn Trãi hăng hái với chí hướng giúp nước, giúp đời nhưng chưa kịp hành động ông đã vấp phải sự gièm pha, nghi kị của bọn quyền thần trong triều. Nhà vua cũng không còn tin dùng ông như trước nữa. Ông chán ngán, đau đớn, xót xa trước sự thật phũ phàng: Chúng báng cô trung tuyệt khả liên (Oan thán). Trong bầu khí quyển ngột ngạt toàn những kẻ xiểm nịnh đó biết tìm đâu ra người tri âm, tri kỷ để giãi bày tâm sự:

Chung Kỳ bất tác, chú kim nan,

Độc bão dao cầm đối nguyệt đàn.

(Đề Bá Nha cổ cầm đồ)

(Khó đúc tượng vàng để tạo lại một Chung Kỳ,

Một mình ôm đàn ngọc đánh dưới ánh trăng).

Theo Liệt tử, Bá Nha là người giỏi đánh đàn, Chung Tử Kỳ là người sành nghe đàn. Mọi tình ý Bá Nha bày tỏ qua tiếng đàn, Chung Tử Kỳ thấu hiểu cả. Về sau, Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha treo đàn không gảy nữa vì cho rằng đời này không còn ai hiểu nổi tiếng đàn của mình. Nguyễn Trãi đã mượn điển Bá Nha, Tử Kỳ để nói lên nỗi cô đơn của mình. Ông mãi kiếm tìm trong vô vọng một người tri âm thấu hiểu được tiếng tơ lòng của Ức Trai.

Bất lực, thất vọng trước cuộc đời bởi chí hướng không thành, lí tưởng không thực hiện được, Nguyễn Trãi nhìn cuộc đời với những vinh hoa phú quý, danh lợi, bổng lộc chỉ là phù du: Nhãn trung phù thế tổng phù vân, Phù thế bách niên chân tự mộng. Tất cả rồi sẽ tan biến như một giấc chiêm bao. Với triết lí này, Nguyễn Trãi đã nhiều lần sử dụng điển cố hoàng lương, hòe mộng, mộng Nam Kha: Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư/ Giác lai vạn sự tổng thành hư (Đời là kết quả của giấc mộng kê vàng/ Tỉnh dậy muôn việc đều thành hư không) (Trích Ngẫu thành); Vãng sự không thành Hòe quốc mộng (Việc xưa cũ thành như giấc mộng xứ Hòe) (Trích Ký cữu Dịch Trai Trần công); Tạp tải hư danh an dụng xứ/ Hồi đầu vạn sự phó Nam Kha (Ba chục năm hư danh có dùng được gì/ Quay đầu lại, vạn sự phó cho giấc mộng Nam Kha) (trong Loạn hậu cảm tác).

“Hoàng lương mộng” - giấc mộng kê vàng là điển cố được chép trong truyện Chẩm trung ký. Ngày xưa Lư Sinh đến trú ngụ ở thành Hàm Đan, gặp đạo sĩ là Lữ ông. Nghe Lư Sinh than vãn về cảnh khốn cùng của mình, Lữ ông bèn trao cho Lư Sinh cái gối và bảo: “Gối đầu lên đây, con sẽ được vinh hiển như ý”. Khi đó, người chủ trọ đang nấu một nồi kê. Lư Sinh gối đầu lên gối ngủ, mơ thấy mình được lấy vợ đẹp, thi đỗ Tiến sĩ, đánh phá được quân giặc, làm Tể tướng mười năm, sinh đông con cháu và sống đến tám mươi tuổi. Khi tỉnh dậy thấy nồi kê vẫn chưa chín, Lư Sinh ngạc nhiên hỏi: “Há việc đó chỉ là mộng ư?”. Lữ ông cười nói: “Việc đời thì cũng như mộng vậy thôi”. Hòe mộng hay mộng Nam Kha được lấy từ điển: Thời Đường có người tên Thuần Vu Phần uống rượu, nằm ngủ dưới gốc cây hòe, mộng thấy mình đến nước Hòe An, được vua nước ấy gả công chúa và cho làm quận thú đất Nam Kha. Tỉnh mộng, thấy mình nằm ở gốc cây hòe, dưới cành phía nam; bên cạnh chỗ nằm chỉ có một con kiến chúa. Qua điển này, người xưa cho cuộc đời là hư ảo, như giấc hòe mà thôi. Mượn những điển đó, Nguyễn Trãi muốn nêu lên một triết lí sống cuộc đời là hư ảo.

Với triết lí cuộc sống như một vòng luẩn quẩn, Nguyễn Trãi đã mượn điển cố kê trùng, Oa dốc:

Kê trùng tự thử liễu tương tranh

(Thu dạ khách cảm)

(Gà và bọ từ nay thôi chớ tranh nhau nữa)

Oa dốc kinh khan nhật Tấn Tần

(Mạn thành, II)

(Sợ thấy cảnh Tấn Tần tương tranh hàng ngày như chuyện sừng ốc sên)

Kê trùng là điển được lấy từ câu Kê trùng đắc thất trong bài Hành phược kê của nhà thơ Đỗ Phủ. Trong bài này có câu: Kê trùng đắc thất vô liễu thời. Ý nói gà ăn bọ, người lại ăn gà, chẳng bao giờ hết vòng luẩn quẩn. Oa dốc (sừng con sên) là điển được lấy từ thiên Dương tắc của Trang Tử. Sách này có ghi: Hai bên sừng con sên có hai nước là Man Thị và Xúc Thị thường giành đất đánh nhau luôn chẳng, bao giờ dứt.

Từ những chiêm nghiệm về cuộc đời, Nguyễn Trãi nhận thấy con người dù giàu sang phú quý hay nghèo hèn, dù là người quân tử hay kẻ tiểu nhân, dù trường thọ hay đoản mệnh… thì cuối cùng vẫn đều phải đi đến một đích chung là cái chết: Chết rồi thì còn ai vinh ai nhục (Côn Sơn ca). Quan niệm đó được ông thốt lên thành lời đầy chua chát trong Mạn hứng, II: Bành thương Tang Cốc đô hưu luận/ Cố vãng kim lai lạc nhất khâu (Sống lâu, chết yểu, Tang hay Cốc, đều không bàn làm gì/ Đời xưa, đời nay cũng đều một loài như những con chồn cùng một gò).

Chán ngán trước thực tại, trước vòng danh lợi đua tranh, Nguyễn Trãi tìm về với cuộc sống ẩn dật, tìm về với chốn không có khách tục, chốn toàn chim muông cây cỏ để làm bạn với thiên nhiên, để di dưỡng tâm hồn, quên đi cuộc sống ồn ào với những thế tục đua chen. Trong Ức Trai thi tập, Nguyễn Trãi hay nhắc đến Thương Lang, Thương Châu, Cốc Khẩu, Ngũ hồ xuân, Đông Sơn… chính là để nói đến ước muốn sống cuộc đời nhàn tản, ẩn dật của mình:

Thế sự bất tri hà nhật liễu,

Biển chu quy điếu Ngũ hồ xuân.

(Mạn thành)

(Việc đời chẳng biết ngày nào xong

Chiếc thuyền nhỏ trở về câu xuân ở Ngũ hồ).

“Ngũ hồ” (năm hồ) là điển được lấy từ chuyện Phạm Lãi thời Xuân Thu sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn báo thù diệt được nước Ngô thì bỏ Câu Tiễn không giúp nữa mà đi chơi ở Ngũ hồ để thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, quên đi mọi danh lợi trong cuộc đời.

Có thể thấy trong thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi sử dụng điển cố tuy không nhiều nhưng rất khéo. Sử dụng điển cố là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Ngôn ngữ đặc biệt này đã góp phần không nhỏ vào việc thể hiện tâm tư, tình cảm của nhà thơ trước thời cuộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.