Nguyên nhân sông Gâm xanh biến màu nâu cafe, uống nước đổ bệnh

Nước sông Gâm (Tuyên Quang) đang có màu xanh biếc bỗng biên thành màu nâu cafe, nguyên nhân nào bức tử dòng sông. Lo hơn nữa, trâu bò uống nước sông bị đổ bệnh.

Nguyên nhân sông Gâm xanh biến màu nâu cafe, uống nước đổ bệnh

Dòng sông bị “đầu độc”

Từ nhiều năm nay, dòng sông Gâm thơ mộng, xanh biếc bao đời ôm trọn mảnh đất Na Hang vào lòng và che trở cho những con người nơi đây một cách trìu mến. Vẻ đẹp sông Gâm vẫn đi vào trong thi ca ấy đang bị hủy hoại bởi bàn tay của con người khiến những tiếng kêu “ai oán” vẫn vang vọng nơi núi rừng xanh thẳm.

Nguyên nhân sông Gâm xanh biến màu nâu cafe, uống nước đổ bệnh - Ảnh 1

Dòng nước sông Gâm nâu cafe nổi bọt hôi thối.

Người dân xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đang kêu cứu trước tình trạng sông Gâm chảy qua địa phận xã này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều năm qua, đoạn sông Gâm chảy qua huyện Nà Hang, Tuyên Quang luôn trong tình trạng ô nhiễm.

Nguồn nước vốn trong lành của con sông này đã bị “đầu độc”, biến thành dòng sông chết. Nước sông có màu cafe, cá chết hàng loạt. Nghiêm trọng hơn, trâu bò uống nước sông này đã bị bệnh, khiến người dân vô cùng hoang mang lo lắng.

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự tồn tại của một Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang đóng trên địa bàn xã Thanh Tương, huyện Na Hang.

Nguyên nhân sông Gâm xanh biến màu nâu cafe, uống nước đổ bệnh - Ảnh 2

Cá chết rất nhiều hai bên bờ sông

Anh Nguyễn Văn K, người dân sống gần khu vực nhà máy xả thải bức xúc: “Gia đình tôi sống gần khu vực nhà máy xả thải từ nhiều năm nay. Mỗi khi nhà máy xả nước thải ra sông là cả gia đình phải di tản hết vì không thể chịu được mùi hôi thối của thứ nước thải đen xì, bọt trắng xóa và có mùi tanh tưởi. Thậm chí một cơn gió nhẹ là mùi sực vào nhà không thể nào chịu được”.

Người dân địa phương cho biết, Nhà máy đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang thường xả nước vào sáng sớm và tối muộn. Nước thải có màu đen, mùi hôi thối rất khó chịu. Khi nước từ Nhà máy chảy hòa vào dòng sông Gâm thì sẽ nhìn rõ sự phân cách rõ dàng giữa màu xanh biếc của sông và màu đen xì của nước thải.

Cá chết hàng loạt

Hứng chọn dòng nước ô nhiễm từ Nhà máy đổ ra môi trường cá tôm quanh khu vực chết rất nhiều. Nhiều hộ dân sống gần khu vực nhà máy tìm cách chuyển đi nơi khác sinh sống do không chịu được mùi từ nhà máy và sợ ảnh hưởng sức khỏe của con trẻ.

Chị Phan Thị Thoa (km 15, xã Thanh Tương, Na Hang) cho biết: “Nhà em ở đây khổ lắm vì nguồn nước thải từ nhà máy chảy trực tiếp qua nhà. Khoảng 6 giờ sáng là bắt đầu thải nước đen ngòm ra ngoài này, mùi hôi hám thì không thể chịu được. Sống chủ yếu bằng nghề đánh cá trên sông nhưng chẳng bao giờ dám đánh cá ở khu vực này vì cá ở đây chết hết, nếu có bắt được người dân sợ bệnh cũng chẳng dám ăn. Lợn uống nước dưới sông còn bị đi ngoài nữa là người nên chỉ dám dùng nước trên núi thôi. Tất cả nước sinh hoạt đều dùng nước trên núi hết”.

Nguyên nhân sông Gâm xanh biến màu nâu cafe, uống nước đổ bệnh - Ảnh 3

Chị Phan Thị Thoa bức xúc về tình trạng ô nhiễm

Bức xúc về tình trạng nước ô nhiễm, người dân địa phương cho biết đã có rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về địa phương để kiểm tra nguồn nước nhưng nhà máy chỉ dừng xả nước thải được vài ngày rồi đâu lại vào đó.

Nguyên nhân sông Gâm xanh biến màu nâu cafe, uống nước đổ bệnh - Ảnh 4

Nhà máy bị "tố" vì gây ô nhiễm môi trường

Anh Nguyễn Văn Đ, sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông than phiền: “Cá tôm trên sông Gâm giờ không còn nhiều như trước nữa bởi người ta dùng kích điện đánh cá. Nguồn nước thì bị “đầu độc” bởi nước thải của nhà máy nên không còn cá mà đánh bắt, tôi cũng đang tính chuyển nghề. Nước thải của nhà máy thì ô nhiễm kinh khủng, hôm tôi chèo thuyền vào con lạch chỗ nhà máy xả thải, thuyền bị vướng và lật phải lặn xuống vớt. Lúc vớt được thuyền thì người mẩn đỏ, ngứa ngáy, mắt thì cay xè vì dính phải nước bẩn của nhà máy. Từ đó tới giờ không dám vào khu vực đó nữa…”

Được biết, gần đây xuất hiện tình trạng nhiều cháu nhỏ bị ốm, đi khám bệnh thì phát hiện bị viêm họng, viêm phổi nguyên nhân do sống gần khu vực ô nhiễm.

Dòng sông Gâm đang bị “bức tử” vì nước thải từ Nhà máy không qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường từ nhiều năm nay nhưng chưa thấy có cơ quan chức năng nào đến điều tra tìm hiểu để ngăn chặn và xử lý.

Tiếng kêu “ai oán” vẫn vang vọng hai bên bờ sông Gâm từng ngày qua mà vẫn chưa tìm ra lời giải. Thắc mắc này, xin gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang, vì người dân nơi đây đang mong mỏi một câu trả lời thỏa đáng?

Còn nữa…

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ