“Nguyễn cầm ca” - một tiếng lòng đồng vọng

GD&TĐ - Khi dàn dựng vở cải lương “Nguyễn cầm ca” (kịch bản: Nguyễn Hiếu), đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã có cách cảm quen mà lạ về nàng Kiều.

Vở cải lương “Nguyễn cầm ca” là tiếng lòng đồng vọng của hậu thế với cố nhân. Ảnh: Bình Thanh.
Vở cải lương “Nguyễn cầm ca” là tiếng lòng đồng vọng của hậu thế với cố nhân. Ảnh: Bình Thanh.

Đó không chỉ là nỗi cảm thương phận má hồng bị “trời xanh quen thói đánh ghen”, mà còn là tiếng lòng đồng vọng về cái ĐẸP nghệ thuật cùng Đại thi hào Nguyễn Du!

Quen mà lạ

“Nguyễn cầm ca” là vở diễn mới được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng với sự tham gia của các nghệ sĩ: Như Quỳnh (Kiều), Minh Hải (Từ Hải), NSƯT Thiên Hoa (Tú Bà), Hương Thủy (Hoạn Thư), Trung Tuấn (Thúc Sinh), NSƯT Mạnh Hùng (Vương ông), Quang Thuận (Hồ Tôn Hiến)... Vở diễn được cảm tác từ tác phẩm văn học kinh điển “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du nên tiếp tục kể câu chuyện có diễn tiến theo phần lớn lớp lang quen thuộc về thân phận nàng Kiều.

Đó vẫn là một nàng Kiều tài sắc: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” vừa mới trao lời hẹn ước với chàng Kim Trọng thì bỗng đâu phải bán mình chuộc cha. Cũng từ đây, cuộc đời nàng rơi vào những bước đoạn trường: Từ nỗi đắng cay: “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần” đến sự ê chề: “Chồng chung ai dễ ai chừa cho ai”.

Và ngay cả khi đã trở thành vợ yêu của Từ Hải – một anh hùng thời loạn – nhưng lại đớn đau vì mắc lừa Hồ Tôn Hiến để mà cực chẳng đã: “Giết chồng mà lại lấy chồng/Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?”.

Ấy thế nhưng, trong cái cốt truyện quen thuộc ấy, khán giả dễ dàng nhận thấy không ít điều mới lạ ở vở diễn này. Đầu tiên là sự ngạc nhiên vì không gặp trực diện Sở Khanh, Mã Giám Sinh ở “Nguyễn cầm ca”… - những nhân vật trước đó luôn được các vở diễn khác về nàng Kiều khai thác thành những tính cách điển hình.

Đổi lại, khán giả bỗng đâu nghe Tú Bà gọi tên thằng bán tơ hay thấy bóng dáng Sở Khanh, Mã Giám Sinh trong đám người trùm áo đen, đeo mặt nạ lúc nào cũng rình rập, chực chờ mua vui, giày xéo thân xác nàng Kiều. Dù các nhân vật ấy không xuất hiện rõ hình, rõ dạng nhưng vẫn đủ sức vạch trần những nhân cách đểu cáng, lừa tình lừa tiền của thế lực “đầu trâu mặt ngựa” mà thời nào cũng có.

Không chỉ thế, trong “Nguyễn cầm ca” còn xuất hiện nhiều tình tiết mới theo cách cảm “Truyện Kiều” của nghệ sĩ hôm nay. Vẫn là nàng Kiều đành phải nhắm mắt đưa chân tiếp khách làng chơi nhưng không phải bắt đầu từ việc nàng bị Sở Khanh lừa mà vì bị Tú Bà đe nẹt nếu nàng không thuận theo thì mụ ta sẽ không để cho cha mẹ ở chốn quê nhà yên thân.

Vẫn là chàng Thúc Sinh ngày ngày ghé lầu Ngưng Bích nhưng không phải chơi hoa thưởng nguyệt mà là để thưởng thức và nâng niu tiếng đàn tài hoa của nàng Kiều. Vẫn là cuộc báo oán giữa Kiều với Hoạn Thư nhưng không phải những lời đay nghiến hả hê của lòng dạ đàn bà, mà lại là lời xin lỗi của kẻ thứ ba trót xen vào tổ ấm của người khác.

Vẫn là Hồ Tôn Hiến bày mưu để dụ hàng Từ Hải nhưng không phải bằng cách sai quân nha mang vàng bạc “đi cửa sau”, mà là giả làm tăng thêm tiếng kêu than ám ảnh tang thương của những phận người trong cuộc chiến để thúc giục nàng Kiều ra sức khuyên nhủ chồng quy thuận triều đình cho thỏa ước mong muôn người được sống trong yên bình, đoàn tụ…

Không bị khiên cưỡng, gò ép nên cách cảm mới này khá nhuần nhị, logic, chất chứa sự đồng cảm cùng nỗi niềm xót xa, thương cảm của người đời nay với Nguyễn Du cho kiếp “hồng nhan bạc mệnh” của nàng Kiều. Dù được thể hiện bằng loại hình cải lương nhưng “Nguyễn cầm ca” không rơi vào những não nề than thân trách phận mà từng tính cách nhân vật luôn được khắc họa sắc nét trong các tình huống gọn ghẽ, không kém phần bạo liệt.

Từ đó dám lớn tiếng tố cáo những thói đời đen bạc chỉ vì đồng tiền, vì thói trăng hoa… mà không ngừng gây họa, gieo rắc nỗi đau, vùi dập bao kiếp người. Và, tất cả không bị chìm trong những thở than hay chỉ biết nương theo dòng nước mưu cầu hạnh phúc riêng lẻ, mà là sự thấu cảm về một nàng Kiều vừa tròn đạo hiếu thơm thảo vừa biết sẻ chia cùng nỗi đau ly tán, mất mát vì chiến tranh với người dân.

Ở “Nguyễn cầm ca”, hình ảnh nàng Kiều giữa bão bùng giông tố của cuộc đời hiện lên với vẻ đẹp xao xuyến lòng người, nàng không phải là giai nhân của những bi lụy, yếu đuối, mà là người mang cả một sức sống trỗi dậy mãnh liệt dâng tràn khát vọng: “Con người sống trên đời là để yêu thương!”. Vì thế, vở diễn đã chọn cách khép lại bằng hình tượng lãng mạn, gợi nhiều suy tưởng: Từ Hải nghe tiếng đàn lay động tâm can của Kiều mà bừng tỉnh và vòng tay ôm lấy nàng.

Và, thật thú vị khi những cảm tác mới mẻ ấy được hòa vào những câu Kiều đặc sắc trong tiếng ngâm, tiếng ca mùi mẫn dễ chạm vào trái tim khán giả của cải lương. Rằng: “Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh”; “Chém cha cái số đào hoa/ Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”; “Nghĩ đời mà ngán cho đời/ Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”.

Hay: “Lòng riêng riêng những kính yêu/Chồng chung ai dễ ai chiều cho ai”; “Lửa tâm càng dập càng nồng/Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa”. Và: “Trong như tiếng hạc bay qua/Đục như nước suối mới sa nửa vời/Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”...

Chẳng thế mà, “Nguyễn cầm ca” luôn lảnh lót những câu Kiều của hơn hai trăm năm trước nhưng lại không cũ kỹ với khán giả hôm nay bằng sự gọn ghẽ, hiện đại trong cách kể cũng như lắng lại lòng người những câu thoại rất thời sự về cái thói quan liêu, không chịu sửa sai của kẻ bề trên: “Quan đã làm thì không bao giờ sai”; về ước vọng của muôn người: “Sống là để yêu thương”... Năm nay đã ở tuổi 85 nhưng khi nghe tin có vở diễn về nàng Kiều, bà Bồn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) liền nhờ con gái đưa đến rạp để thưởng thức.

Nhẩm đọc câu Kiều theo lớp diễn, bà Bồn tấm tắc: “Nàng Kiều ở đây có nhiều điểm khác so với nàng Kiều mà tôi vẫn thuộc. Thế nhưng, câu chuyện về nàng Kiều được kể vẫn gần gũi, xúc động và gợi mở nhiều cảm xúc, suy tư.”

Tiếng lòng đồng vọng

“Vở cải lương “Nguyễn cầm ca” nói về nàng Kiều – một câu chuyện cũ và đã được nhiều thế hệ dàn dựng. Thế nhưng, Hoàng Quỳnh Mai có những tìm tòi theo hơi thở thời đại, không bị đi vào vết mòn của những người đi trước. Vở diễn sang trọng mà chân thực, có sự khác biệt, cuốn hút, tiết tấu giữ được lửa từ đầu đến cuối, không bị nhàm chán”.  NSND Vương Hà

“Nguyễn cầm ca” tiếp tục là vở diễn khiến đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai bạc tóc, sụt cân, mất ăn mất ngủ, thậm chí là ám ảnh mấy tháng ròng. Không áp lực sao được khi mới đây “Truyện Kiều” tiếp tục được nhiều đơn vị nghệ thuật khai thác như Nhà hát Tuổi trẻ với bản dựng dành cho kịch hình thể, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội với bản dựng cho kịch nói, Nhà hát Múa rối Việt Nam với bản dựng cho rối cạn.

Ngay như với loại hình cải lương, ở Sài Gòn và cả Hà Nội cũng đã dàn dựng từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Điều đáng nói là, hầu như các vở diễn chưa thực sự đáp ứng được niềm mong đợi của khán giả vì bị so đo với nguyên tác để rồi bị chê vì chưa vượt qua được việc cố gắng minh họa “Truyện Kiều”.

Dù vừa “đụng hàng” với nhiều đơn vị nghệ thuật, vừa phấp phỏng không biết có thể vượt qua những giới hạn vốn bị mặc định khi dàn dựng tác phẩm sân khấu về Kiều nhưng năm qua đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai vẫn kiên trì và đắm đuối theo đuổi dự án sân khấu đặc biệt này.

Cũng bởi, với nữ đạo diễn này thì “đi là sẽ đến” vì việc càng khó lại càng có sức hấp dẫn để chị quyết khám phá, thử sức đến cùng. Cộng thêm, đây còn là niềm mong ước nữ đạo diễn vốn ấp ủ từ thuở ấu thơ: “Tôi may mắn được lớn lên bằng những câu hát ru, câu ngâm Kiều của bà nội.

Vì thế, tôi đã mê đắm trong những câu Kiều cũng như không ngừng tự thắc mắc rất nhiều điều sao không phải là thế này mà lại là thế kia. Nhất là, cô bé Mai từng bật khóc và thắc mắc vì sao Từ Hải lại phải chết để không ngừng ước sao người anh hùng ấy sẽ sống mãi thì mới có thể bảo vệ nàng Kiều.

Những thắc mắc cùng niềm ao ước ấy vẫn theo suốt chặng đường mấy mươi năm sáng tạo nghệ thuật của tôi. Thật là cơ duyên khi dịp này tôi được sáng tạo cùng “Nguyễn cầm ca” để có cơ hội bày tỏ cách giải mã của mình về “Truyện Kiều” – một kiệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai tâm huyết chia sẻ.

Có thể nói, đó cũng là câu trả lời cho một bản dựng kể câu chuyện về nàng Kiều của Hoàng Quỳnh Mai vừa ăm ắp chất hiện thực vừa thánh thót những giai âm của một tiếng lòng đồng vọng về cái ĐẸP nghệ thuật với thi nhân.

Thật tài tình khi giữa hiện thực đầy rẫy cạm bẫy, khổ đau, trong “Nguyễn cầm ca” ta vẫn luôn bắt gặp những nâng niu, trân trọng, tôn vinh cái ĐẸP nghệ thuật được thể hiện qua cách cảm về tiếng đàn tài hoa của nàng Kiều.

Có khi tiếng đàn ấy hiện hữu ngay trên sân khấu luôn chuyển động bởi những tạo hình cách điệu của những nốt son, pha, thứ… Cũng có khi nó được gọi tên: Nguyễn cầm để ngân lên khúc đầy ân hận, day dứt của nàng Kiều và để Hoạn Thư trút nỗi hờn ghen.

Cũng có khi bao trùm và xuyên suốt không gian là khúc nhạc khi ấm – khi lạnh, khi nức nở - khi hoan ca... Vì thế, tiếng đàn ở đây đã trở thành biểu tượng của cái ĐẸP nghệ thuật vĩnh cửu: Dù rằng giữa cuộc đời dâu bể, tiếng đàn lúc bổng lúc trầm, thậm chí bị giày vò, vùi dập xuống bùn đen, tưởng như chẳng thể cất tiếng, nhưng cuối cùng những âm thanh trác tuyệt vẫn vút lên để thức tỉnh khát vọng sống, khát vọng yêu, khát vọng hạnh phúc, khát vọng hòa bình!

Thêm nữa, một ẩn dụ sân khấu đầy tinh tế, giàu sức gợi mà vở cải lương “Nguyễn cầm ca” thể hiện cần được nhắc đến. Đó là tạo hình ngọn bút kết bằng voan trắng ở trung tâm sân khấu để từ đây mở ra biết bao dâu bể cũng như vang vọng tiếng đàn “bạc phận” của nàng Kiều.

Ẩn dụ này giúp người xem phần nào lý giải được thắc mắc: Vì sao vở diễn được cảm tác từ “Truyện Kiều” mà không lấy tên “Kiều”, sao lại là “Nguyễn cầm ca”? Chẳng phải đó là biểu tượng cho ngòi bút giao cảm với cái ĐẸP nghệ thuật được viết ra từ những tấc lòng trân trọng, nâng niu mà xa xót, đớn đau của Đại thi hào Nguyễn Du?

Chẳng phải đó là sự khẳng định chủ thể tiếng lòng đồng vọng của nghệ sĩ hôm nay về cái ĐẸP nghệ thuật với cố nhân? Chẳng phải đó là lời đáp lại của hậu thế với câu hỏi: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” của Nguyễn Du lúc sinh thời?

“Đúng vậy. Đó là cách tôi muốn đáp lại câu hỏi mấy trăm năm trước của Đại thi hào Nguyễn Du, rằng: Không phải ba trăm năm nữa mà muôn đời sau vẫn luôn tìm được tiếng lòng đồng vọng của cố nhân. Với tôi, nàng Kiều là một biểu tượng của cái đẹp nghệ thuật.

Dẫu bị giày xéo, dập vùi nhưng cái đẹp ấy vẫn tỏa sáng và trường tồn. Cách cảm tác này không phải là sự ngẫu hứng, mà được tôi lắng lại từ những điểm còn mờ tỏ trong mỗi câu thơ tài hoa được Nguyễn Du viết trong kiệt tác Truyện Kiều”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai bày tỏ.

Tất nhiên, “Nguyễn cầm ca” sẽ thật hoàn chỉnh nếu các nghệ sĩ tham gia biểu diễn tròn vai hơn nữa. Nhất là nàng Kiều do nghệ sĩ Như Quỳnh thể hiện không nên để bị cuốn vào sầu bi ở vẻ bề ngoài, hay quá lệ vào cái bi lụy của cải lương.

Rất cần một nàng Kiều Như Quỳnh bật lên vẻ đẹp đặc biệt, khác thường của người con gái dẫu “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần” mà sao vẫn khiến những bậc trượng phu phải trân quý? Vẫn luôn là đại diện cho cái ĐẸP nghệ thuật vĩnh cửu?

Theo đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai – Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở diễn “Nguyễn cầm ca” sẽ được ê-kíp sáng tạo tiếp tục, chỉnh sửa, hoàn thiện và sớm công diễn đến khán giả khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.