Nguy hiểm bệnh táo bón ở trẻ

GD&TĐ - Trong các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, táo bón rất thường gặp ở trẻ và hay bị bỏ qua vì nghĩ bệnh không ảnh hưởng nhiều lắm tới sức khỏe. Nhưng trên thực tế, táo bón có thể gây ra những hậu quả khó lường, đặc biệt với trẻ biếng ăn, chậm tăng cân và thậm chí suy dinh dưỡng.

Cần tư vấn bác sĩ khi trẻ có biểu hiện táo bón
Cần tư vấn bác sĩ khi trẻ có biểu hiện táo bón

Trẻ đái dầm nhiều do... táo bón

BS Trần Văn Phúc – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn vừa siêu âm ổ bụng cho một cháu bé (9 tuổi, Hà Nội) bị đau bụng dai dẳng trong vòng 1 năm, kèm theo đi ngoài nhiều lần mỗi ngày. Kết quả siêu âm khẳng định, bệnh nhân nhi bị táo bón, có thể đây là nguyên nhân gây đái dầm và đau bụng kéo dài. Tuy nhiên, khi BS Phúc giải thích vấn đề này, người mẹ bệnh nhân nhi này không khỏi băn khoăn vì gia đình đã đưa con đi khám ở một số bệnh viện nhưng các bác sĩ nhi không chẩn đoán con bị táo bón. “Tôi cũng không nghĩ như thế, vì bằng chứng là cháu vẫn đi ngoài tới cả chục lần mỗi ngày” – người mẹ này khẳng định.

Để một lần nữa, có thêm bằng chứng khẳng định chẩn đoán của mình là có cơ sở, BS Phúc chỉ định bệnh nhân nhi cần thiết phải chụp thêm phim X-quang bụng. Cầm trên tay tờ phim X-quang vừa mới chụp xong của bệnh nhân nhi này, BS Phúc lấy bút khoanh một vòng tròn để chỉ cho người mẹ thấy một lượng lớn phân nằm trong trực tràng của con.

“Trực tràng sinh ra không phải là cái kho để chứa phân, nên khi trẻ đi ngoài xong mà vẫn còn thấy nhiều phân trong đó, thì tình trạng táo bón đã trở nên rất nặng” – BS Phúc giải thích - “Trong thực tế, có nhiều trẻ bị táo bón, phân được tích trữ trong trực tràng sẽ kích thích hậu môn gây cảm giác buồn đi ngoài. Đấy là lí do tại sao một số trẻ bị táo bón lại đi ngoài nhiều lần mỗi ngày”.

Nguyên nhân trẻ bị táo bón?

Theo BS Trần Văn Phúc, nguyên nhân trẻ mắc hội chứng táo bón có thể do bệnh lý hoặc do chức năng. Táo bón do bệnh lý thường không tự hết, hay kèm theo các biểu hiện bất thường khác và trẻ thường suy dinh dưỡng. Có rất nhiều nguyên nhân như: Ruột già quá to, hẹp hậu môn, rối loạn vận động ruột do bất thường thần kinh, bệnh nội tiết chuyển hóa, bệnh thần kinh, cơ… Đối với nhóm nguyên nhân này, cần phải điều trị bệnh tận gốc mới hết táo bón. Cần lưu ý các biểu hiện sau để đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế kịp thời: Chậm tiêu phân sau hơn 24 giờ, kích thước phân nhỏ, sụt cân, suy dinh dưỡng, bụng chướng, đau bụng hoặc đau hậu môn, nôn và buồn nôn, sốt, tiêu máu.

Trẻ bị táo bón kéo dài có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Táo bón có thể gây tác hại “tại chỗ” là làm bé đau do nứt hậu môn, nặng hơn thì làm bé bị chảy máu khi đi tiêu. Bé nín làm phân càng ở lâu trong cơ thể, càng lớn và khô cứng hơn, khiến bé phải gắng sức hơn trong những lần sau lại dễ làm rách hậu môn gây đau và chảy máu, trẻ lại nín nhiều hơn. Cứ thế, tác hại của vòng luẩn quẩn này ngày càng lớn và cuối cùng khối phân đóng cứng trong trực tràng lớn dần lên, trẻ không thể giữ được nữa nên làm són phân ra quần (trong dân gian thường gọi là ị đùn). Điều này khiến bé thực sự xấu hổ và sợ hãi nên sẽ thu mình lại, không tham gia các hoạt động trường lớp như các bạn cùng lứa. Ngoài ra phân ứ đọng lâu ngày còn có tác hại làm bé biếng ăn, chậm tăng cân, thậm chí suy dinh dưỡng.

BS Phúc đưa ra lời khuyên dành cho các ông bố, bà mẹ, khi có trẻ bị đái dầm xuất hiện muộn, hoặc trẻ có những biểu hiện đau bụng dai dẳng trên một tháng, hay đau bụng tái diễn (mỗi tháng ít nhất 3 lần đau bụng, kéo dài trên 3 tháng), thì phải nghĩ ngay đến khả năng con mình bị táo bón. Trẻ bị táo bón thường xảy ra vào 3 thời điểm: Sau khi bắt đầu ăn bột ngũ cốc và trái cây nghiền, trong suốt thời gian tập ngồi bô/bàn cầu, sau khi bắt đầu đi học. Biết được những thời điểm nguy cơ này, phụ huynh sẽ dễ dàng hơn trong việc giúp bé phòng ngừa táo bón.

Táo bón do nguyên nhân chức năng rất thường gặp ở trẻ. Các yếu tố làm trẻ dễ bị táo bón là do chế độ ăn không cân bằng, thiếu chất xơ; vừa đổi chế độ ăn (sữa mẹ chuyển sang sữa bò, thức ăn mềm sang thức ăn cứng); do trẻ uống không đủ nước; trẻ tự nín khi có cảm giác đại tiện vì sợ đau, do ham chơi, sợ chỗ lạ; đôi khi sau một stress như: Bệnh tật, đổi chỗ ở, chuyển trường, chuyển lớp, trẻ cũng bị táo bón.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ