Nguy cơ tử vong do biến chứng thủy đậu

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm, một số trường hợp có thể gây tử vong.

Người bị bệnh thủy đậu có thể mọc khoảng 100 - 500 nốt. Ảnh minh họa.
Người bị bệnh thủy đậu có thể mọc khoảng 100 - 500 nốt. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Không chủ quan với bệnh

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trung tâm vừa cấp cứu nam bệnh nhân 32 tuổi với chẩn đoán mắc thủy đậu có biến chứng viêm phổi, suy gan.

Trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân có tiếp xúc với con trai mắc thủy đậu. 10 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện nốt phỏng nước dưới da kèm theo sốt, gai, rét. Bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán thủy đậu và dùng thuốc.

Tuy nhiên, các triệu chứng không thuyên giảm nên người nhà đưa anh vào bệnh viện tuyến dưới khám. Khi trở nặng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Trung tâm Cấp cứu A9, bệnh nhân có biểu hiện sốt kèm theo các triệu chứng suy đa phủ tạng, hôn mê, xuất huyết não, có tổn thương tim, đông đặc phổi.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh truyền nhiễm theo dõi. Một ngày sau, bệnh nhân chuyển biến xấu rất nhanh. Các dấu hiệu sinh tồn giảm nên gia đình xin về và tử vong tại nhà. PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết đây là trường hợp đáng tiếc vì bệnh nhân còn trẻ.

Trong một tháng trở lại đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận nhiều trường hợp bị thủy đậu. PGS.TS Cường khuyến cáo người lớn cũng không nên chủ quan với căn bệnh này.

Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Cách tốt nhất là phòng bệnh bằng tiêm vắc-xin, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, người có bệnh nền.

Không nên kiêng nước, gió

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả. Có khoảng 88 - 98% người đã tiêm phòng vắc-xin thủy đậu tránh được căn bệnh này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết: “Việc chủng ngừa vắc-xin phòng bệnh thủy đậu trước hoặc sau mùa dịch cũng đóng một phần quan trọng, giúp mọi người có kháng thể thích nghi trong cơ thể, chuẩn bị sẵn sàng cho đợt dịch thủy đậu có thể xảy đến. Vì thế, chúng ta cần tiêm phòng thủy đậu trước mùa dịch ít nhất 1 tháng. Tại Việt Nam, mùa bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 2 - 6 hằng năm”.

Chia sẻ về bệnh thủy đậu, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ. Một số trường hợp, nhất là trẻ em, có thể không có triệu chứng báo động.

Sau đó, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 - 24 giờ. Các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước.

Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Trong trường hợp bình thường, những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 - 10 ngày dẫn đến việc phải nghỉ học.

Một biến chứng muộn thường gặp của thủy đậu là bệnh Zona hay còn gọi là giời leo. Đây là một dạng tái phát muộn sau nhiều năm của bệnh thủy đậu (trái rạ). Zona cũng có những biến chứng nguy hiểm như đau thần kinh, loét giác mạc, mù mắt...

Trong khi đó, BSCKI Dương Ngọc Vân - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, khi mắc bệnh thủy đậu, mọi người nên hạn chế, nếu có thể hãy kiêng hoàn toàn một số việc để bệnh mau khỏi, không để lại biến chứng. Việc kiêng khem và chăm sóc tốt còn tránh mụn thủy đậu để lại sẹo lồi, sẹo lõm làm mất thẩm mỹ, gây mặc cảm cho người bệnh.

Cụ thể, cần tránh tới nơi đông người. Bệnh thủy đậu do virus có khả năng lây nhiễm rất cao, đặc biệt ở giai đoạn toàn phát khi người bệnh nổi mụn phát ban. Vì thế, người bệnh nên tránh tới nơi tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc với cả người thân, người xung quanh để không gây lây lan virus.

Đồng thời, nên tránh gãi, sờ vào mụn thủy đậu. Mụn nước và ban đỏ mọc lên do thủy đậu chắc chắn gây nhiều cảm giác ngứa, khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, không nên dùng móng tay gãi, chạm vào nốt mụn. Bởi, mụn nước vỡ sẽ khiến virus và dịch tràn ra, dễ lây lan mụn sang các vùng da lành khác.

Tay cũng là nguồn lây nhiễm có thể gây nhiễm trùng cho nốt mụn, làm tổn thương nghiêm trọng hơn và nguy cơ để lại sẹo cao. Để bớt cảm giác khó chịu, người bệnh nên mặc đồ rộng rãi, thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt để hạn chế chà xát trên da.

Người bệnh cũng được khuyến cáo tránh dùng chung đồ cá nhân. Virus thủy đậu hoàn toàn có thể lây nhiễm nếu người lành dùng chung quần áo, khăn mặt, đồ dùng cá nhân,… với người bệnh.

Vì thế, cả người bệnh lẫn các thành viên khác trong nhà cần lưu ý điều này. Nếu sử dụng chung, đồ của người bệnh cần được giặt riêng, sạch với xà phòng, phơi dưới nắng hoặc ủi nóng trước khi dùng để đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn virus.

Quan niệm dân gian cho rằng bệnh nhân mắc thủy đậu cần kiêng gió, nước nên không được tắm gội, tiếp xúc với nước hay ra khỏi phòng kín. Tuy nhiên, việc kiêng tắm gội, vệ sinh cơ thể chỉ làm tăng nguy cơ gây viêm nhiễm nốt thủy đậu và khiến bệnh diễn tiến nặng hơn.

Hơn nữa, việc kiêng khem này khiến người bệnh dễ chảy mồ hôi, cảm giác khó chịu và ngứa ngáy nặng hơn. Khi đó, người bệnh có thể không kìm được đưa tay gãi, sờ trên da. Từ đó, nốt mụn thủy đậu vỡ ra nhiều hơn, lây nhiễm sang vùng da lành và dễ để lại sẹo.

“Vì thế, bệnh nhân thủy đậu vẫn có thể tắm gội, vệ sinh cơ thể, sinh hoạt bình thường. Song, cần giữ ấm, tránh tắm gội quá lâu khiến cơ thể bị lạnh. Gió mà người bệnh nên hạn chế tiếp xúc là gió trời, nhất là khi thời tiết lạnh. Trong khi đó, gió quạt hay thiết bị thoáng khí có thể sử dụng để không khí trong lành, thoáng mát hơn”, bác sĩ Vân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.