Dịch bệnh thủy đậu tiếp tục tăng tại Hà Nội

GD&TĐ - Tuần qua số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội ghi nhận ở mức thấp,  ca tay chân miệng giảm, tuy nhiên số ca mắc thủy đậu tiếp tục tăng.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 985 ca mắc thủy đậu. Ảnh minh họa.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 985 ca mắc thủy đậu. Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, tuần qua, Hà Nội ghi nhận 185 ca mắc thủy đậu (tăng 19 trường hợp so với tuần trước). Ngoài ra, ghi nhận một số chùm ca bệnh thủy đậu tại các trường tiểu học, mầm non: Tiểu học Vân Hòa, huyện Ba Vì có 17 ca; Mầm non Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (18 ca); Tiểu học Dân Hòa, huyện Thanh Oai (9 ca); Mầm non Yên Trung, huyện Thạch Thất (12 ca).

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 985 ca mắc thủy đậu; trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 14 ca.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội nhận định, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu năm nay tăng cao, ghi nhận các chùm ca bệnh trong trường học. Số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, thời tiết đã chuyển sang mùa Hè nóng ẩm. Đây là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển và gia tăng như: Tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản... Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A (H7N9), cúm A (H5N6), Marburg… tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập.

Vì vậy, để chủ động phòng chống các dịch bệnh mùa Hè và đặc biệt trong dịp nghỉ lễ, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Kiểm tra nhiệt độ của hành khách bằng máy đo thân nhiệt. Lưu ý hành khách đến từ các quốc gia có dịch cúm A(H7N9), A(H5N6), Marburg…

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu áp dụng biện pháp cách ly, chuyển tuyến điều trị đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Đồng thời, thông báo cho trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để tổ chức giám sát dịch tại cộng đồng.

Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh dịch tại các bệnh viện Trung ương và thành phố. Tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch tại cộng đồng.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh thủy đậu thường biểu hiện lành tính chủ yếu ở tổn thương da. Ngoài ra, trẻ vẫn sinh hoạt, ăn uống bình thường. Trẻ cũng có thể cảm cúm, sau đó sẽ hết.

Song, ở một số trường hợp, bệnh có thể biến chuyển nặng lên. Trẻ có thể sốt cao kéo dài do tổn thương viêm xâm nhập qua những nốt phỏng da gây nhiễm trùng máu, viêm khớp, viêm cơ. Ngoài ra, trẻ có thể viêm phổi, viêm não hoặc viêm tai giữa.

Thủy đậu gặp ở phụ nữ có thai cũng vô cùng nguy hiểm. Phụ nữ có thai ở 3 tháng đầu thai kỳ mắc thủy đậu có thể dẫn đến hội chứng dị dạng bẩm sinh do thủy đậu ở trẻ sơ sinh. Nếu phụ nữ đang mang thai mắc thủy đậu 5 ngày trước sinh hoặc 2 ngày sau sinh có thể lây cho trẻ, gọi là thủy đậu sơ sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.