Các món ăn đường phố, món ăn sống có nguy cơ gây bệnh tả cao |
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có hơn 30 trường hợp bị tiêu chảy cấp phải nhập viện, trong đó có 18 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả.
Bệnh nhân chủ yếu là người lớn, tập trung ở các quận nội thành của Hà Nội. Triệu chứng của người bệnh là đau bụng, đi ngoài nhiều, phân lỏng toàn nước.
Đặc biệt, đã có ca bệnh nặng dẫn đến suy thận, phải truyền nước, bù điện giải liên tục mới hồi phục.
Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện.
Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, nguyên nhân gây bệnh phần lớn do bệnh nhân ăn thịt chó kèm rau sống, mắm tôm bị ô nhiễm (chiếm 60,5%), 6% do ăn bún ốc, 30% không rõ nguyên nhân và 9% do các nguyên nhân gây bệnh khác. Đặc biệt, có trường hợp 8 người ăn thịt chó thì sau đó 6 người bị tiêu chảy cấp phải nhập viện.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, dịch tiêu chảy cấp (đặc biệt là tiêu chảy dạng tả) là một bệnh dễ gây chết người. Bệnh được nhận diện với các triệu chứng: người bệnh đi tiêu phân lỏng liên tục, lượng nhiều, phân thường có màu trắng đục như nước vo gạo. Ói nhiều, làm cơ thể mất nước và kiệt sức nhanh chóng, thở nhanh. Tử vong có khi xảy ra trong vòng 3-4 giờ nếu người bệnh không được điều trị đúng. Bệnh lan truyền nhanh chóng và tấn công nhiều người cùng lúc. Khi bệnh xảy ra, có thể thành dịch. Khi có bất cứ người nào bị tiêu lỏng thường xuyên và ói, ngay lập tức phải đưa người đó đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Đổ dung dịch khử khuẩn lên phân, dịch nôn ói của người bệnh và tất cả đồ dùng của người bệnh. Đảm bảo mọi người sử dụng nhà vệ sinh và luôn giữ nhà vệ sinh thật sạch sẽ, khử khuẩn hay đổ dung dịch khử khuẩn vào nước làm sạch nhà vệ sinh. Không để ruồi đậu vào thức ăn và nhà vệ sinh. Đun sôi hay cho thêm chlorine vào nước uống, nước dùng để nấu ăn, rửa chén bát và các vật dụng khác. |
PV