Chung tay ngừa Covid-19 trở lại

Nguy cơ mắc Covid-19 nặng ở trẻ béo phì

GD&TĐ -Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng trở lại, việc bảo vệ trẻ em được coi là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trẻ béo phì được cho là “mắt xích yếu” khi có nguy cơ mắc Covid-19 nặng.

Nhiều trẻ béo phì nguy kịch khi mắc Covid-19. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Nhiều trẻ béo phì nguy kịch khi mắc Covid-19. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tăng nguy cơ nhập viện

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết: “Bệnh Covid-19 ở trẻ em đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng.

Tuy nhiên, đối với các trẻ trên 10 tuổi có những yếu tố nguy cơ cao như dư cân, béo phì hoặc bệnh lý nền nặng thì thường diễn tiến nhanh với suy hô hấp do tổn thương phổi nặng”.

Theo chuyên gia này, việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu suy hô hấp như khó thở, hụt hơi, thở nhanh hoặc tụt SpO2 đóng vai trò quan trọng. Nhờ đó, hỗ trợ hô hấp kịp thời.

Bên cạnh đó, việc điều trị nhanh chóng bằng kháng viêm, kháng đông, kháng sinh theo phác đồ của Bộ Y tế sẽ góp phần giảm tổn thương các cơ quan, giảm chuyển độ nặng và tử vong.

PGS.TS Phạm Văn Quang dẫn chứng, các nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy, dư cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh Covid-19 nặng. Béo phì làm tăng nguy cơ nhập viện, suy hô hấp nặng, thở máy và tử vong. Nguyên nhân có thể do tăng phản ứng đáp ứng viêm, phản ứng tăng đông quá mức ở bệnh nhân dư cân béo phì đối với SARS-CoV-2.

Tình trạng béo phì cũng gây hạn chế chức năng hô hấp, khiến trẻ dễ suy hô hấp hơn. Hầu hết trẻ mắc Covid-19 có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Riêng với trẻ thừa cân, béo phì, tình trạng này có thể trở nặng dẫn đến suy hô hấp và tổn thương các cơ quan. Do đó, trẻ có thể cần nhập viện, chăm sóc theo chế độ riêng.

Nguyên nhân có thể là những rối loạn chuyển hóa lipid máu, mỡ máu… hay việc suy giảm chức năng hô hấp do thừa cân, béo phì gây ra, khiến trẻ thở nhanh, khó thở, hụt hơi, tụt SpO2 < 93% hoặc các dấu hiệu nặng khác.

Các tài liệu của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xếp trẻ bị thừa cân, béo phì vào nhóm dễ trở nặng khi mắc Covid-19. Trong phân tích được công bố ngày 26/8/2020 trên tạp chí Obesity

Reviews, những người bị béo phì khi nhiễm Covid-19 có khả năng phải nhập viện cao hơn 113% so với nhóm có cân nặng bình thường. Nguy cơ phải hồi sức cấp cứu, tử vong của nhóm người béo phì cũng tăng lần lượt là 74% và 48%.

Các chuyên gia nhận định, cha mẹ nên thay đổi quan niệm cho rằng, trẻ “béo khỏe, béo đẹp”. Bởi, thực tế, không chỉ dễ trở nặng khi mắc Covid-19, trẻ thừa cân béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh lý mạn tính như tim mạch, xương khớp, ung thư, đột quỵ, trầm cảm, giảm tuổi thọ…

Nguy cơ hậu Covid-19 cao

Theo các chuyên gia, MIS-C là một biến chứng hiếm gặp ở trẻ em thường xảy ra từ 2 đến 4 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Các di chứng hậu Covid-19 có thể xảy ra ngay cả ở trẻ có biểu hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khi mắc Covid. Phụ huynh được khuyến cáo đưa con tới cơ sở y tế nếu trẻ bị sốt liên tục và kèm theo ít nhất một trong những triệu chứng như: Đau bụng; Mắt đỏ; Tiêu chảy; Chóng mặt hoặc choáng váng (dấu hiệu của tụt huyết áp); Phát ban da; Nôn mửa.

PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tới nay, chưa có yếu tố đặc hiệu nào giúp tiên đoán trẻ sẽ bị hậu Covid-19 sau mắc cấp tính. Một trẻ mắc Covid-19 với mức độ nhẹ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của hậu Covid-19.

Tuy nhiên, nếu mắc Covid-19 cấp tính nguy kịch cần thở máy hoặc chăm sóc ở các đơn vị hồi sức tích cực, trẻ sẽ dễ bị mắc các triệu chứng như mệt mỏi, yếu cơ... Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ béo phì, có tiền sử các bệnh dị ứng, các bệnh lý mạn tính, trẻ trên 5 tuổi có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng của hậu Covid-19 cao hơn các nhóm trẻ khác.

“Với trẻ từ 12 - 18 tuổi, nghiên cứu từ Mỹ cho thấy, ước tính hiệu quả của 2 liều vắc-xin Pfizer chống lại MIS-C là 91%. Với nhóm trẻ từ 5 - 17 tuổi, theo nghiên cứu lớn tại Đan Mạch, tiêm vắc-xin sẽ bảo vệ trẻ tránh khỏi MIS-C khoảng 94%. Điều này cho thấy, nếu cho trẻ đi tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ mắc MIS-C. Nếu như có mắc MIS-C thì bệnh sẽ nhẹ đi”, PGS Điển nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm chủng. Nhờ đó, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc Covid-19. Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, trong tình hình hiện nay, có nhiều phụ huynh băn khoăn về việc có nên cho trẻ đi tiêm vắc-xin sau khi mắc Covid-19 hay không? Ngoài ra, các phụ huynh cũng lo lắng về việc các mũi tiêm này có an toàn hay không.

“Biến thể trong giai đoạn trước khác với biến thể trong giai đoạn này. Chúng ta hoàn toàn có thể mắc trở lại nếu không bổ sung kháng thể cho con của mình. Chúng ta đều thấy rằng vắc-xin an toàn. Đặc biệt là Việt Nam ưu tiên tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi liều giống như người lớn, với trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi cũng có loại vắc-xin riêng”, PGS Điển cho biết.

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Kình - Cố vấn cao cấp Trung tâm Gen trị liệu, Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 20 - 30% trẻ em nhiễm Covid-19 sẽ bị Hậu Covid. Tỷ lệ này thấp hơn so với người lớn. Kể cả những trẻ bị Covid-19 không triệu chứng cũng có thể mắc các di chứng hậu Covid. Trong đó, MIS-C là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em.

“Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng rất nặng liên quan đến Covid-19. Trong đó, nhiều bộ phận cơ thể khác nhau bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, hơn 6.400 trẻ em đã bị MIS-C, ít nhất 55 em đã tử vong.

Tuổi trung bình của bệnh nhân mắc MIS-C là 9. Số liệu chính xác về tỷ lệ mắc MIS-C ở trẻ em Việt Nam cũng như các nước châu Á chưa rõ, nhưng có thể thấp hơn các nước Âu - Mỹ”, PGS Kình dẫn chứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.