Yếu tố gây nguy cơ
TS.BS Bùi Phương Thảo - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City - cho biết, dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất ở trẻ dậy thì là sự phát triển tuyến vú.
Hiện tượng này có thể kéo dài trong một vài năm. Sau đó, một số dấu hiệu sẽ xuất hiện như kinh nguyệt ở trẻ gái hay giọng nói thay đổi ở trẻ trai. Ngoài ra, mụn cũng có thể xuất hiện ở cả hai giới.
“Trẻ được coi là dậy thì sớm ở thời điểm bắt đầu trước 8 tuổi đối với bé gái và 9 tuổi đối với bé trai. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, những bé gái thừa cân, béo phì có nhiều khả năng dậy thì sớm hơn những bé gái nhẹ cân, biếng ăn. Ở nhóm đối tượng thiếu cân, người ta thấy, các em thường trải qua tuổi dậy thì muộn hơn so với những bạn cùng lứa”, chuyên gia này cho biết.
Theo TS Thảo, trong nhiều thập kỷ, dường như độ tuổi dậy thì ở trẻ không thay đổi. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, xu hướng dậy thì sớm đang ngày càng trở thành một vấn đề đáng báo động trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Vào năm 1965, có 5% trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 11 béo phì dậy thì sớm. Đến năm 2000, tỷ lệ này đã tăng lên 12%.
“Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng, béo phì không có mối liên hệ nhân quả với dậy thì sớm. Nó chỉ là một yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ, nhất là bé gái.
Nhiều chuyên gia y khoa cho rằng, đôi khi bác sĩ cũng bị nhầm lẫn giữa béo phì và dậy thì sớm. Bởi, họ gặp khó khăn khi phân biệt giữa lớp chất béo ở ngực và các mô vú, nếu chỉ thăm khám trên lâm sàng. Những bé gái béo phì thường hay bị chẩn đoán nhầm hơn”, chuyên gia dẫn chứng.
Ngoài ra, theo các nghiên cứu y tế, trẻ dậy thì sớm là do một loại hormone - kích thích tố có tên leptin. Leptin tiết ra từ các tế bào chất béo, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn và chức năng sinh sản của con người.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khi một đứa trẻ có đủ leptin trong cơ thể cũng là lúc tuổi dậy thì bắt đầu. Vì vậy, những bé gái thừa cân, béo phì, có nồng độ leptin cao sẽ dễ bị dậy thì sớm hơn.
TS Thảo giải thích, những thay đổi sinh học của bất cứ người nào cũng hình thành ngay từ giai đoạn bào thai và trải qua các tác động trong đời sống xã hội mà thành. Việc người mẹ tăng cân nhanh trong thai kỳ có liên quan đến bệnh béo phì của con và trẻ sẽ có nguy cơ dậy thì sớm.
3 nhóm dậy thì sớm
Bác sĩ CK2 Hoàng Ngọc Quý - Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) - cho biết, dậy thì sớm được chia làm 3 nhóm gồm: Dậy thì sớm trung ương; Dậy thì sớm ngoại vi và dậy thì sớm không hoàn toàn.
Trong đó, dậy thì sớm trung ương xảy ra do sự bài tiết quá mức hormone sinh dục từ trên não (Hạ đồi - tuyến yên). Đây là nhóm thường gặp nhất.
Nguyên nhân dậy thì sớm của nhóm này đa số là vô căn (nhất là bé gái). Tức là không có nguyên nhân thực thể gây ra dậy thì sớm. Nhóm này được điều trị bằng thuốc Triptoreline để ngăn sự phát triển nhanh các cơ quan sinh dục thứ phát.
Trái lại, dậy thì sớm ngoại vi ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Chuyên gia cho biết, dạng này thường liên quan đến bướu buồng trứng, tinh hoàn, thượng thận…
Điều cần lưu ý là, nhóm này không dùng Triptoreline để điều trị. Trong khi đó, dậy thì sớm không hoàn toàn là sự phát triển sớm, đơn độc, một đặc tính sinh dục thứ phát (như tăng sinh tuyến vú đơn độc).
Theo bác sĩ Quý, dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của con người. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì sớm quá sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của bé và gia đình.
Ảnh hưởng này tùy thuộc vào tuổi khởi phát dậy thì, cũng như mức độ phát triển các cơ quan sinh dục thứ phát (kích thước, kinh nguyệt…), tùy điều kiện hoàn cảnh kinh tế, xã hội, môi trường sống của trẻ và gia đình...
“Bé gái dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục do trẻ chưa có khả năng nhận thức những hành vi lạm dụng và tự bảo vệ mình. Không phải tất cả các trường hợp dậy thì sớm trung ương đều cần điều trị.
Chỉ có chỉ định điều trị với thuốc Triptoreline khi dậy thì tiến triển nhanh và/hoặc rối loạn tâm lý xã hội đáng kể. Quyết định điều trị còn tùy thuộc vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng”, bác sĩ Quý lý giải.
Cũng theo bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, đa số nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái là nguyên nhân trung ương và vô căn. Do đó, không ít trường hợp gia đình quyết định không can thiệp điều trị.
Bởi, phụ huynh muốn để trẻ phát triển tự nhiên, mà không có sự can thiệp bằng thuốc từ bên ngoài đưa vào cơ thể. Đồng thời, không có nhu cầu làm chậm quá trình dậy thì sớm của trẻ.