Nguy cơ sốt xuất huyết nặng ở trẻ béo phì

GD&TĐ - Có 10% ca mắc sốt xuất huyết chuyển nặng. Những ca này chủ yếu là nhóm trẻ thừa cân béo phì, hay mắc các bệnh nền như tim mạch, não, phổi, thận, hậu Covid-19.

Trẻ sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC
Trẻ sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC

10% ca chuyển nặng

Trong 4 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Riêng tại TPHCM, số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến lên hơn 350% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong do phát hiện muộn, nhập viện khi quá nặng.

Theo các bác sĩ, phụ huynh không nên chủ quan khi thấy con mình giảm sốt trong ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 5 của bệnh. Trẻ có thể chỉ còn lừ đừ, mệt nhiều, ói, đau bụng, chảy máu chân răng. Tuy nhiên, đó lại là những dấu hiệu cảnh báo trở nặng.

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) đang điều trị tích cực cho nhiều ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca chuyển nặng phải sử dụng máy lọc máu.

Theo ThS.BS Nguyễn Đình Qui - Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết: “Thông thường, để nhận diện trẻ bị sốt xuất huyết là sẽ sốt cao liên tục từ 3 đến 4 ngày. Nếu thấy trẻ sốt từ 3 ngày trở lên, tốt nhất là nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu, nhằm có kết quả và kế hoạch điều trị”.

Đối với các trường hợp chưa có chỉ định nhập viện, trẻ sẽ được theo dõi và chăm sóc tại nhà. Phụ huynh được khuyến cáo cho trẻ uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu.

Đồng thời, dùng các loại thuốc nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng. Sốt xuất huyết thường kéo dài trong 7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng sốt trong những ngày đầu dễ khiến các cha mẹ nhầm lẫn với những bệnh khác như viêm họng, sốt siêu vi hay Covid-19.

Đang theo dõi các bệnh nhi nặng tại Khoa Hồi sức nhiễm - Covid, BSCK2 Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Bệnh viện Nhi đồng 2 - chia sẻ: “Bên cạnh 90% các ca sốt xuất huyết thường đơn giản, khoảng một tuần là khỏi, thì 10% còn lại là các ca chuyển nặng. Chủ yếu là nhóm trẻ thừa cân béo phì hay mắc các bệnh nền như tim mạch, não, phổi, thận, thậm chí là trường hợp hậu Covid-19”.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần kịp thời đưa trẻ vào bệnh viện và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh để quá muộn, gây diễn tiến nặng và tổn thương các cơ quan.

Tình trạng hiếm gặp ở trẻ thừa cân

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày và có một trong các dấu hiệu sau, phụ huynh cần đưa bé tới bệnh viện ngay: Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; Đau bụng; Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường đốt lúc chạng vạng tối, tức tầm 4 giờ chiều trở đi. Để phòng bệnh, cha mẹ phải thường xuyên vệ sinh nhà cửa, ngừa muỗi đốt tại nơi con ngủ.

Báo ngay cho địa phương khi có ca bệnh xuất hiện trong khu vực mình sinh sống. Hành động hiệu quả sẽ giảm số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là ở trẻ em như hiện nay.

Tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận một trường hợp trẻ Tr. D. A., 7 tuổi, nam, nặng 38kg, ngụ ở Vĩnh Lộc B, Bình Chánh. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bị sốt cao liên tục 1 ngày, co giật toàn thân, tím tái. Tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận trẻ lơ mơ, mê, gồng giật toàn thân.

Trẻ được hỗ trợ hô hấp chống co giật, truyền thuốc hạ sốt. Tình trạng trẻ hết co giật nhưng lơ mơ, hôn mê dần, được đặt nội khí quản giúp thở, thở máy, chống phù não với mannitol 20% và Natri Chlorua 3%.

Xét nghiệm máu cho thấy, trẻ có tình trạng cô đặc máu Hct tăng, tiểu cầu giảm, xét nghiệm test nhanh kháng nguyên NS1 chẩn đoán sốt xuất huyết dương tính. Chọc dò dịch não tủy cho kết quả sinh hóa, tế bào bình thường. Chẩn đoán sốt xuất huyết thể não.

Đến ngày thứ 4 của bệnh, trẻ sốc với mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp. Trẻ được truyền dịch chống sốc, đo huyết áp xâm lấn và áp lực tĩnh mạch trung tâm để hướng dẫn truyền dịch thích hợp và sử dụng thuốc vận mạch.

“Kết quả các xét nghiệm cho thấy, trẻ bị tổn thương gan, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, hạ đường huyết. Trẻ được điều trị tích cực với thở máy, truyền dịch chống sốc, chống co giật, chống phù não.

Điều trị hỗ trợ gan như điều chỉnh đường huyết, điện giải, kiềm toan. Sau hơn một tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, được cai máy thở”, bác sĩ Tiến cho biết.

Chuyên gia này cảnh báo, đây là trường hợp sốt xuất huyết dạng não ở trẻ thừa cân hiếm gặp, dễ chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác. Do đó, các phụ huynh cần lưu ý.

Trước đó, TPHCM đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Trong đó, bé trai 12 tuổi (67kg, ở Bình Tân, TPHCM) có cơ địa béo phì sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, xét nghiệm nhanh mắc Covid-19. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo chuyển biến nặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đường lên bản Kim mây mù giăng kín. Ảnh: Hồng Nhung.

Vùng biên mùa hoa nở

GD&TĐ - Những chiếc lá cuối Đông lác đác nằm nghiêng mình dưới gốc bàng.

Chelsea thắng lớn ở FA Cup

Chelsea thắng lớn ở FA Cup

GD&TĐ - Chelsea thể hiện sức mạnh vượt trội khi vùi dập đội bóng hạng dưới Morecambe với tỷ số 5-0 để tiến vào vòng 4 FA Cup.