Cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, máy vi tính đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Bên cạnh những mặt tích cực, chiếc máy tính cũng mang đến cho chúng ta nhiều phiền muộn về sức khỏe.
Một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay có thể kể đến hội chứng “chuột máy tính” hay còn gọi là hội chứng “ống cổ tay”. Bệnh thường gặp ở những người sử dụng máy tính quá nhiều và không đúng cách với các triệu chứng là tê ngón trỏ và ngón giữa, yếu ngón cái; đau cổ tay, lòng bàn tay hoặc cẳng tay do dây thần kinh giữa bị chèn ép.
Nguy cơ bị hoại tử tay
Chị Võ Thu Hằng (Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, 28 tuổi) là nhân viên thiết kế đồ họa, do tính chất công việc, thời gian làm việc chủ yếu trên máy tính đồng thời do các thao tác trong công việc chị phải sử dụng chuột và bàn phím nhiều.
Mấy tháng trước tay chị bắt đầu thấy hiện tượng tê cứng, đau ngón tay cái và ngón trỏ, cổ tay cũng bị đau. Lúc mới xuất hiện tình trạng này chị có tìm hiểu về các triệu chứng thì Google cho biết chị bị hội chứng “chuột máy tính”, do chủ quan chị không đi khám mà chỉ xoa bóp các ngón tay và lên mạng tìm các bài tập về tay cho dân văn phòng thì thấy đỡ.
Bẵng đi một thời gian không thấy đau, chị ngỡ bệnh đã tự khỏi, nhưng gần đây những cơn đau lại bắt đầu tát phát và hành hạ chị nhiều hơn.
Chị tâm sự: “Đợt trước tay chỉ đau lúc mình ngồi máy tính quá lâu nhưng bây giờ ngay cả việc điều khiển xe máy tay cũng bị đau. Nhiều hôm tan làm mà tôi cảm thấy bất lực với cánh tay phải của mình, cứ đi được một đoạn là tay bị tê, cổ tay bắt đầu không nghe lời nữa. Nghe lời đồng nghiệp cảnh báo tôi mới tìm đến bác sĩ để kiểm tra”.
Chị tá hỏa khi nghe bác sĩ kết luận là mình bị hội chứng “ống cổ tay” nếu đến muộn nữa nguy cơ tay chị sẽ bị hoại tử, hỏng dây thần kinh cổ tay...
Phụ nữ thường bị mắc hội chứng "chuột máy tính" cao hơn nam giới. Ảnh minh họa: Internet
Các số liệu điều tra cho biết, hội chứng "ống cổ tay" ở phụ nữ thường cao gấp 4 lần so với ở đàn ông. Nguyên nhân là do cổ tay của phụ nữ thường nhỏ hơn cổ tay đàn ông, nên hệ thống dây thần kinh ở giữa cổ tay dễ bị đè nén hơn.
Giới khoa học Đan Mạch đã từng công bố nghiên cứu về các tác hại của việc sử dụng chuột máy tính đối với người sử dụng rằng: "Mỗi lần bạn click chuột là một lần tăng nguy cơ về sự đau đớn, sự sưng tấy, tê cóng và hàng loạt những rắc rối khác đối với đôi tay, cổ tay, vai và cổ của bạn".
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học thuộc ĐH Odense, ĐH Glostrup và Bệnh viện Herning, cũng cho rằng những người thường xuyên phải sử dụng chuột máy tính trên 30 giờ trong một tuần sẽ làm tăng cao các nguy cơ tổn thương một số bộ phận trên cơ thể.
Cụ thể là có nguy cơ tổn thương cẳng tay cao gấp 8 lần người bình thường. Nguy cơ tổn thương cổ sẽ cao gấp hai lần. Nguy cơ tổn thương vai cao gấp 3 lần. Nghiên cứu thứ hai này đã tiến hành điều tra trên gần 7.000 trường hợp trong một năm trên khắp đất nước Đan Mạch.
Phòng tránh hội chứng “chuột máy tính” như thế nào?
Sử dụng chuột hợp lý
Nên chọn mua chuột vừa vặn với bàn tay của mình, có thể di chuyển dễ dàng mà không cần sức nặng của bàn tay. Đồng thời đặt con chuột ở vị trí thích hợp nhất để sao cho người dùng phải ngồi thật thoải mái và để cánh tay của mình thật thư giãn.
Nên chọn mua chuột vừa vặn với bàn tay của mình. Ảnh mang tính minh họa: Internet
Thường xuyên tập thể dục
Bạn nên tìm cho mình một chế độ luyện tập hợp lý, có thể bằng các bài tập thư giãn như xoa bóp, khởi động cho bàn tay, cánh tay đơn giản để thúc đẩy tuần hoàn máu hoặc chọn cho mình một môn thể dục hàng ngày.
Ngồi làm việc đúng tư thế
Việc duy trì tư thế đúng, thường xuyên thay đổi tư thế, dành thời gian ngắn giữa giờ làm việc để nghỉ ngơi thư giãn là rất quan trọng, giúp duy trì lưu thông tuần hoàn máu, tránh cơ, dây chằng bị căng giãn quá mức, đồng thời tránh chèn ép dây thần kinh lên vùng cẳng tay và bàn tay. Đồng thời nên nghỉ ngơi thường xuyên từng thời gian ngắn khi hoạt động sử dụng nhiều đến bàn tay.