Nam thanh niên 27 tuổi ở TPHCM bị tuyến ức phì đại gây sụp mí mắt

GD&TĐ - Các bác sĩ phẫu thuật nội soi lồng ngực cho nam thanh niên 27 tuổi bị tuyến ức phì đại gây sụp mí mắt ở TPHCM.

Sức khỏe bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật. (Ảnh: BVCC)
Sức khỏe bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật. (Ảnh: BVCC)

Ngày 14/5, thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Trãi, đơn vị phẫu thuật nội soi lồng ngực một lỗ cho bệnh nhân P.V.T (27 tuổi, ngụ Đồng Tháp) do tuyến ức phì đại gây sụp mí 2 mắt (mí trái sụp nhiều hơn).

Khai thác bệnh sử, cách nhập viện 2 tuần, bệnh nhân T. bị sụp mi mắt 2 bên (trái > phải), dao động trong ngày, tăng nặng về chiều, nhìn đôi, không nuốt sặc, không khó thở, không tê yếu tứ chi.

Theo ThS.BS Võ Công Trường – Đơn vị Ngoại Lồng Ngực - Tim mạch - Thuộc khoa Ngoại Tổng hợp, CT scan ngực ghi nhận tăng sản tuyến ức. Hội chẩn liên chuyên khoa ngoại lồng ngực, nội thần kinh, hồi sức tích cực, chẩn đoán bệnh nhân T. bị nhược cơ huyết thanh dương tính, tăng sản tuyến ức.

Trước mổ, người bệnh được lọc máu để loại bỏ kháng thể. Việc này nhằm loại bỏ bớt các kháng thể lưu hành, góp phần giảm nguy cơ các biến chứng trong và sau phẫu thuật do tình trạng nhược cơ nặng.

BS Trường cho hay, với kỹ thuật mổ single port (mổ nội soi một cổng), bệnh nhân chỉ có 1 vết mổ nhỏ duy nhất thay vì 3 - 4 vết mổ như phẫu thuật nội soi truyền thống, ít đau hơn, thẩm mỹ cao hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn.

Đây là phẫu thuật khó, đòi hỏi gây mê thông khí một phổi. Đồng thời, tuyến ức nằm gần tim, phổi, mạch máu thần kinh lớn đòi hỏi phẫu thuật viên phải khéo léo, tỉ mỉ, nhất là khi thao tác qua 1 lỗ nhỏ duy nhất.

668b270a38538d0dd442.jpg
Kỹ thuật mổ single port (mổ nội soi một cổng), bệnh nhân chỉ có 1 vết mổ duy nhất. (Ảnh: BVCC)

Sau phẫu thuật, bệnh nhân T. hết sụp mí, hết nhìn đôi, sinh hoạt bình thường, có thể xuất viện.

“Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể yếu tứ chi, nuốt khó, nuốt sặc, thậm chí suy hô hấp, tử vong do nhược cơ. Không nên chủ quan với các triệu chứng yếu chân tay, sụp mi, nuốt khó vì đây là triệu chứng chung của nhiều căn bệnh phức tạp”, BS Trường khuyến cáo.

Tuyến ức là một cơ quan lympho quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc trưởng thành và biệt hóa của tế bào lympho T (T-cells) - một loại tế bào miễn dịch chủ chốt. Việc cắt bỏ tuyến ức (thymectomy), đặc biệt trong trường hợp có tăng sản hoặc u tuyến ức, có thể giúp loại bỏ nguồn gốc của các tế bào T lỗi và giảm sản xuất các kháng thể tự miễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ