Các cuộc đụng độ vũ trang nổ ra vào đêm 13/5 tại thủ đô Tripoli của Libya, chưa đầy 24 giờ sau khi Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNU) được quốc tế công nhận của quốc gia Bắc Phi này tuyên bố đã hoàn tất các hoạt động quân sự và khôi phục lại sự ổn định trong thành phố.
Giao tranh tiếp tục vào ngày 14/5, với tiếng súng và tiếng nổ được nghe thấy ở một số khu phố.
Các nhân chứng được phương tiện truyền thông địa phương trích dẫn cho biết, lực lượng dân quân được nhìn thấy huy động dọc theo các tuyến đường chính, bao gồm đường cao tốc Al-Shat, vòng xoay Fashloum và gần sân bay Mitiga, nơi đã buộc phải ngừng hoạt động.
Libya vẫn bị chia rẽ giữa các phe phái đối địch, và liên tục chứng kiến bạo lực bùng phát kể từ cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn năm 2011 lật đổ Muammar Gaddafi.
Căng thẳng mới nhất xảy ra sau vụ ám sát Abdulghani al-Kikli, được biết đến rộng rãi với cái tên Ghaniwa, người đứng đầu Bộ máy hỗ trợ ổn định (SSA) trực thuộc chính phủ.
Ông được cho là đã bị bắn ở phía nam Tripoli vào ngày 12/5. Các phe phái vũ trang liên kết với Thủ tướng Abdulhamid al-Dbeibah được cho là đã nhanh chóng tràn ngập các vị trí của SSA ở Abu Salim và các quận khác sau vụ việc.
Vào ngày 13/5, GNU thông báo đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các khu vực mục tiêu. Tuy nhiên, vài giờ sau, các cuộc đụng độ lại tiếp diễn giữa các đơn vị ủng hộ chính phủ và các lực lượng liên kết với nhóm dân quân Lực lượng Răn đe Đặc biệt (Rada), theo tờ báo địa phương Libya Herald.
GNU ngày 14/5 đã ra tuyên bố về "lệnh ngừng bắn trên mọi trục căng thẳng bên trong thủ đô" nhằm mục đích "bảo vệ dân thường, bảo tồn các thể chế nhà nước và tránh leo thang thêm nữa".
GNU cho biết, các đơn vị trung lập đã được triển khai để xoa dịu các điểm nóng.
Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) trước đó đã lên án "tình trạng bạo lực leo thang nhanh chóng ở Tripoli" và việc huy động quân đội được báo cáo ở các khu vực khác của đất nước, đồng thời cảnh báo rằng, tình hình "có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát".
Phái bộ bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về các báo cáo về thương vong của dân thường, và nhắc lại lời kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện ở mọi khu vực", đồng thời thúc giục mở các hành lang an toàn để sơ tán dân thường bị mắc kẹt ở các khu vực có xung đột cao.
Phát biểu với RT, Tamara Ryzhenkova, giảng viên cao cấp tại Khoa Lịch sử Trung Đông thuộc Đại học St. Petersburg, cho biết, cái chết của Ghaniwa không phải là lý do duy nhất dẫn đến tình trạng bạo lực tái diễn, vì các cuộc đụng độ vũ trang "thật không may là thường xuyên xảy ra ở phía tây đất nước". Tuy nhiên, "sự thất bại của nhóm ông ta có thể góp phần vào việc tập trung quyền lực, dù quyền lực đó có mong manh đến đâu".
Nhà văn và nhà báo từng đoạt giải thưởng người Libya, Mustafa Fetouri, nói với RT rằng, trong khi các cuộc đụng độ mới nổ ra do vụ ám sát Ghaniwa, người đã trở nên "quá quyền lực" và mở rộng ảnh hưởng của mình ra ngoài lĩnh vực an ninh, thì "tất cả đều quy về việc các lực lượng dân quân cạnh tranh với nhau để giành quyền lực và tiền bạc".
Chuyên gia cảnh báo rằng, cái chết của Ghaniwa "sẽ không mang lại hòa bình lâu dài cho thủ đô mà thực sự có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn mặc dù GNU đã tuyên bố ngừng bắn trên toàn thủ đô".