Ngưỡng mộ tài năng âm nhạc của cậu học trò khiếm thị

GD&TĐ - Âm thanh trong trẻo của chiếc đàn piano đã đánh thức tâm hồn Bùi Quang Khánh (học trò khiếm thị - lớp 7A8, Trường THCS Hồng Bàng) để rồi ban mai rạng ngời đến với em qua những bản nhạc bất hủ.

Khánh là cậu bé khiếm thị giàu nghị lực. Ảnh: NVCC
Khánh là cậu bé khiếm thị giàu nghị lực. Ảnh: NVCC

Niềm tin là sức mạnh

Nhắc đến Khánh, nhiều em HS Trường THCS Hồng Bàng (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) tỏ ra ngưỡng mộ trước tài năng âm nhạc của bạn. Dù không nhìn thấy ánh sáng nhưng Khánh vẫn học tốt các môn và chơi piano rất giỏi. Tạm gác chuyện học hành sau đợt thi học kỳ I, Khánh thư thái bên cây đàn piano cùng cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang. Với em, cây đàn là người bạn tâm giao cùng đồng hành trên con đường hạnh phúc khi ánh ban mai sáng rạng trong trái tim.

Biết có khách thăm nhà, cậu học trò khôi ngô cùng nụ cười tươi tắn đon đả: “Vừa học văn hóa trên lớp, vừa học đàn piano, con đã quen lịch học rồi, cũng không cảm thấy mệt”. Quang Khánh khiến người đối diện cảm mến ngay từ lần gặp đầu tiên bởi phong thái đĩnh đạc, quần áo luôn chỉn chu và cách nói chuyện hóm hỉnh.

Quang Khánh rất thông minh, nhạy cảm và có trí nhớ tuyệt vời. Vì thế, mọi sinh hoạt cá nhân, di chuyển trong nhà, ở lớp, em không phải phụ thuộc vào người thân. “Bố mẹ em có thể hoàn toàn yên tâm khi em tự làm vệ sinh cá nhân, ăn uống và các sinh hoạt thường ngày khi em ở nhà và đến trường học”, Khánh tự tin chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Lan (mẹ Quang Khánh) bùi ngùi nhớ lại, năm 2007, khi biết tin sắp có thêm em bé vợ chồng chị rất vui. Quang Khánh chào đời trong sự chung vui của đại gia đình. Vì sinh thiếu tháng, nên Khánh yếu và hay ốm vặt. Khi tròn một tháng tuổi, gia đình phát hiện con không có phản ứng với ánh sáng. 

Sau khi các bác sĩ kết luận con trai út bị khiếm thị, chị Lan và gia đình hụt hẫng, buồn rầu. Mỗi lần nghĩ đến cậu con trai bé bỏng chào đời với một cơ thể không lành lặn vợ chồng chị Lan đau quặn thắt. Tương lai con sẽ ra sao, cuộc sống, học tập, vui chơi của con sẽ thế nào… hàng loạt câu hỏi đặt ra khiến chị Lan trào nước mắt.

Năm tháng dần trôi, Quang Khánh lớn lên từng ngày khiến nỗi lo của gia đình về sức khỏe, sinh hoạt và học tập của em ngày càng lớn. Thương con, chị Lan cố gắng làm mọi cách có thể để bù đắp lại những khiếm khuyết trên cơ thể của con những mong con vui vẻ, hồn nhiên và tự tin với cuộc sống.  

Chị Lan kể, khi Quang Khánh đến tuổi đi học, gia đình cho con học tại Trường Khiếm thị Hải Phòng. Để đồng hành cùng con, chị Lan cũng bắt đầu đi học chữ nổi. Là cậu bé thông minh, hoạt bát, Quang Khánh dường như không muốn chấp nhận hoàn cảnh mà đôi khi có những phút nổi loạn. Vì thế, chị Lan luôn phải gần gũi bên còn, giúp con kiểm soát hành vi.

Khánh bên cạnh những người thân trong gia đình. Ảnh: NVCC
Khánh bên cạnh những người thân trong gia đình. Ảnh: NVCC

Tìm thấy ánh sáng qua cây đàn piano

Hiện, Quang Khánh là HS lớp 7A8, Trường THCS Hồng Bàng. Theo nhận xét của thầy Trịnh Doãn Toản - Hiệu trưởng nhà trường, Khánh là một HS ngoan, hòa nhập tốt cùng bạn, em học đều các môn và có một khả năng âm nhạc tuyệt vời.

Dịp 20/11 năm vừa qua, như một lời tri ân đối với các thầy cô giáo, với cha mẹ - người thầy đi cùng em trong suốt cuộc đời, Quang Khánh đã biểu diễn một đêm nhạc mang chủ đề “Âm thanh của sự tĩnh lặng”. Lấy cảm hứng từ bản nhạc The Sound of Silence của tác giả Paul Simon (Hoa Kỳ), đêm nhạc Quang Khánh đã được tổ chức trọng thể tại Nhà hát thành phố. 

Những giai điệu bất hủ của bản Sonata No.15, Serenade của Mozart, hay Vũ khúc Hungary số 5 của Johannes Brahms… được Khánh thể hiện với cảm hứng bất tận vào cuộc sống tươi đẹp. Khi những nốt nhạc ngân lên, trái tim của khán thính giả đã không khỏi rung lên bởi cảm xúc chân thật, thánh thiện phát ra từ trái tim trong ngần, đầy khát vọng của cậu bé mù. Những âm thanh lay động lòng người do Khánh thể hiện như một món quà tri ân và cũng là một báo cáo thành quả bước đầu đến những thầy cô giáo - những người đã dành nhiều thời gian, công sức nuôi dưỡng, chăm chút cho khát vọng tuổi thơ của em.

Khánh kể, em bắt đầu đến với piano từ 5 năm trước. Đó là sự tình cờ khi em chạm vào phím của cây đàn tại nhà một người quen. Lần đầu tiên nghe thấy tiếng đàn ngân lên dường như em đã nhìn thấy được ánh sáng bừng lên. Sau đó, Khánh được gia đình người quen tặng lại cây đàn. Thấy con yêu đàn, gia đình Khánh mời được giáo viên dạy. Tiếng đàn piano mang lại cho Khánh sự hào hứng, kiên nhẫn hiếm có.

Ngoài thời gian học văn hóa, Khánh chăm chỉ học đàn. Mặc dù, việc học đàn khó khăn với một cậu bé khiếm thị, nhưng Khánh không nản lòng. Phải mất đến vài tháng, em mới học được khúc nhạc đơn giản. Dần dần em thử sức ở những bản nhạc cổ điển khó hơn. Khánh phải mất cả một năm trời mới đàn được ưng ý, nhưng em vẫn kiên trì niềm đam mê mãnh liệt của mình. 

Tháng 11/2017, khi tham gia cuộc thi “Cây đàn tuổi thơ” do Sở GD&ĐT Hải Phòng phối hợp cùng Thành đoàn Hải Phòng tổ chức, Khánh đã xuất sắc giành Huy chương Vàng. Tại Cuộc thi Piano Sonata Festival Hải Phòng năm 2018, Khánh đã biểu diễn xuất sắc với tác phẩm Fur Elise (Thư gửi Ê-li) của Beethoven và giành giải Nhất. 

Năm 2019, Khánh còn giành giải Nhất cuộc thi Festival Piano Phượng Hồng cùng với giải phụ Đam mê; giải Nhì cuộc thi CEG Music Festival 2019 toàn quốc cùng với giải phụ là thí sinh truyền cảm hứng nhất. Và tháng 2/2020, Khánh đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tiết mục piano tại Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương 2020 tổ chức tại Malaysia.

Chia sẻ về ước mơ nghề nghiệp tương lai, Quang Khánh mong muốn được học tại Nhạc viện Hà Nội và trở thành một nhạc sĩ piano. Khánh mong muốn được nhắn nhủ tới những bạn có cùng cảnh ngộ với mình hãy sống tích cực, có nghị lực và quyết tâm theo đuổi đam mê. Nếu có cơ hội các bạn hãy tìm ánh sáng của tâm hồn qua âm nhạc, điều diệu kỳ sẽ đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.