Các phương tiện truyền thông Mỹ rầm rộ tuyên bố rằng, Nhà Trắng có thể sớm công bố việc chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không Patriot (“Người yêu nước”) cho Kiev. Đồng thời, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói rằng, Mỹ không tìm thấy bằng chứng về việc Ukraine sử dụng hỗ trợ quân sự của phương Tây cho các “mục đích bất hợp pháp”.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev (cựu Tổng thống và Thủ tướng Nga) nói rằng, nếu NATO cung cấp cho Kiev các tổ hợp Patriot cùng với nhân viên NATO, chúng sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu hợp pháp của Lực lượng Vũ trang Liên Bang Nga.
Tổ hợp vũ khí Patriot là thành phần chính trong hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất của Quân đội Mỹ. Các tên lửa trong tổ hợp có tầm bắn từ 30 đến 160 km, chuyên dùng để đánh chặn máy bay có người lái. Ngoài ra, có thêm các sửa đổi được thiết kế đặc biệt để đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Tổ hợp này đầu tiên được cấp cho Lực lượng Vũ trang Mỹ vào năm 1984 và dự kiến sẽ tiếp tục phục vụ cho đến năm 2040. Các tổ hợp Patriot đang có trong biên chế một số nước NATO châu Âu và một số đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.
Patriot ít được sử dụng để đánh chặn các loại tên lửa hành trình |
Bình luận về việc Washington có thể chuyển giao Patriot cho Kiev, Giáo sư Vladimir Batyuk tại phân Khoa Chính trị Thế giới của Viện NCKH thuộc Trường Kinh Tế Cao Cấp Nga nói rằng, các hệ thống tên lửa phòng không Patriot mà Mỹ có thể chuyển giao cho quân đội Ukraine mặc dù khá hiện đại nhưng không phải là một loại "vũ khí thần kỳ".
Ông nhấn mạnh, đây là một hệ thống vũ khí khá phức tạp, đòi hỏi đào tạo nhân sự và phối hợp chiến đấu trong một hệ thống, cùng nhiều thứ cần thiết khi một hệ thống vũ khí mới xuất hiện. Nếu được Mỹ huấn luyện thì binh sĩ Ukraine có thể sử dụng được, nhưng nếu không được đào tạo chuyên sâu, hệ thống vũ khí này sẽ khó phát huy được hiệu quả tối đa.
Theo ông, ít nhất là trong tương lai gần, hệ thống phòng không Patriot sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến quá trình hoạt động quân sự của Nga và cục diện chiến sự ở Ukraine
Ngoài ra, chuyên gia Batyuk nhấn mạnh, Patriot cũng không phải là một loại "vũ khí kỳ diệu" có thể thay đổi cục diện chiến tranh, ngay cả khi Patriot xuất hiện trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn trong biên chế của Lực lượng vũ trang Ukraine thì một hệ thống cũng khó có thể thay đổi được điều gì.
Đồng quan điểm với chuyên gia Nga Batyuk, ông Xavier Moreau, chuyên gia địa chính trị tại Trung tâm phân tích chính trị và chiến lược Pháp (StratPol) nhận định, một hệ thống phòng không Patriot ở Ukraine là vô dụng, lại còn là một động thái mạo hiểm đối với Mỹ, vì Nga sẽ có thể phân tích tính năng của nó.
Sử dụng Patriot để đánh chặn UAV là một sự lãng phí quá lớn |
Ông Xavier Moreau thực sự không hiểu chỉ vẻn vẹn một hệ thống tên lửa phòng không Patriot hiện diện ở Ukraine sẽ mang lại những tác dụng gì về mặt phòng thủ tên lửa cho chính quyền Kiev.
Hơn nữa, điều đó rất rủi ro cho người Mỹ, bởi vì Nga sẽ có thể phân tích cách thức hoạt động của tổ hợp phòng không được coi là tối tân nhất của Mỹ. Nhà sản xuất Mỹ là công ty quốc phòng Raytheon cũng có thể bị dư luận xấu, nếu tổ hợp này không mang lại kết quả rõ ràng.
Theo vị chuyên gia này, mục tiêu của Mỹ hoàn toàn không rõ ràng, vì trong trường hợp bị tấn công lớn, một hệ thống phòng không là không đủ, sẽ cần một số lượng lớn tên lửa để bắn trúng tất cả các mục tiêu bay và tổ hợp này vô dụng đối với máy bay không người lái.
Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống phòng không này sẽ là gánh nặng đối với Ukraine, bởi chi phí quá sức chịu đựng đối với ngân sách của Kiev, vì mỗi quả tên lửa của hệ thống Patriot có giá khoảng 200 nghìn USD.
Do đó, tổ hợp này sẽ không được sử dụng để bắn hạ một máy bay không người lái trị giá 10 - 20 nghìn USD. Chức năng của nó là ngăn chặn tên lửa hoặc máy bay, vì vậy trong trường hợp này, việc cung cấp cho Ukraine 1 hệ thống Patriot, sẽ không thay đổi cục diện chiến sự.
Theo ý kiến của ông, người Mỹ có khả năng đang muốn thử nghiệm các hệ thống phòng không của họ trên chiến trường Ukraine, nơi chiến sự căng thẳng nhất trong số các điểm nóng thế giới hiện nay.