Trong khi chính quyền Kiev đang tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ vũ khí, tờ báo tiếng Đức Die Welt mới đây đã có bài viết cho rằng, hỗ trợ quân sự cho Ukraine đang làm cạn kiệt nguồn dự trữ đạn dược của Đức, trong khi nước này đang không thể đẩy nhanh tốc độ sản xuất.
Dự trữ đạn dược của Đức đang cạn kiệt
Đức tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia châu Âu ủng hộ Kiev nhiều nhất. Các trang thiết bị có giá trị cao được chuyển giao cho Ukraine bao gồm pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt (MLRS), hệ thống phòng không và radar phản pháo.
Trước đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từng tuyên bố Berlin đã cung cấp bất cứ thứ gì mình có, từ các tổ hợp chống tăng, hệ thống phòng không, tới mìn, súng, hàng tấn đạn dược và viện trợ phi sát thương. Hiện nay, nước này tiếp tục cung cấp những hệ thống phức tạp và có giá trị hơn.
Tuy nhiên, các kho dự trữ của Quân đội Đức đã nhanh chóng cạn kiệt sau khi tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, do cuộc xung đột kéo dài với Nga.
Ngay sau khi Moscow tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2, người Đức đã bừng tỉnh rằng, kho dự trữ đạn dược của họ hoàn toàn không đủ cho cuộc xung đột cường độ cao như vậy, sau khi chứng kiến mỗi ngày Nga nã hàng chục nghìn viên đạn pháo vào Ukraine.
Báo cáo chỉ rõ, việc chính phủ liên bang cung cấp cho Ukraine vũ khí từ kho dự trữ của Quân đội Đức (Bundeswehr), khiến Bundeswehr không thể đáp ứng được yêu cầu của liên minh NATO về việc mỗi thành viên phải dự trữ đủ vũ khí, đạn dược cho 30 ngày chiến đấu.
Không chỉ việc cung cấp cho Ukraine mà chính Đức cũng cần phải gấp rút bổ sung vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang nước mình. Chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã thiết lập một ngân sách đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (106 tỷ USD) để hiện đại hóa và bổ sung trang bị thiếu thốn.
Đức cam kết cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không IRIS-T SLM cho Ukraine |
Bà Eva Hoegl, Ủy viên quốc phòng của Quốc hội Đức, mới đây đã tuyên bố rằng, Bundeswehr cần thêm 20 tỷ euro (19,4 tỷ USD) chỉ để mua đủ đạn dược, đáp ứng đúng các tiêu chí của NATO.
Đức gặp khó vì vật liệu, linh kiện Trung Quốc
Một nghịch lý là ngay cả khi có tiền, Bundeswehr cũng không thể đẩy nhanh tốc độ lấp đầy các kho dự trữ của mình. Nguyên nhân là do sự chậm lại trong nhập khẩu vật liệu, linh kiện từ Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm vấn đề với ngành sản xuất quốc phòng của Đức.
Die Welt dẫn nguồn tin riêng trong một báo cáo gần đây cho thấy, các nhà sản xuất đạn dược của Đức tại một hội nghị quốc phòng gần đây ở Munich đã cảnh báo về thời gian chờ đợi các đơn đặt hàng xơ bông từ Trung Quốc - một thành phần quan trọng để tạo lực đẩy cho súng nhỏ và pháo - đã tăng gấp ba lần, từ ba tháng lên tới chín tháng.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, tất cả các nhà sản xuất đạn dược châu Âu đều phụ thuộc vào xơ bông của Trung Quốc, mặc dù đây là mặt hàng được sản xuất và giao dịch trên toàn cầu.
Ông Wolfgang Hellmich, phát ngôn viên về các vấn đề quốc phòng của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cầm quyền tại quốc hội Đức đã nói với tờ Asia Nikkei về sự thiếu hụt đáng kể nguồn cung cấp vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc cho thiết bị quân sự, đặc biệt là đối với đạn dược.
Ông Henning Otte, một thành viên của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đối lập và là phó chủ tịch ủy ban quốc phòng của Bundestag (Quốc hội Đức), cũng tuyên bố rằng, sự phụ thuộc vào vật liệu, linh kiện Trung Quốc đang gây khó khăn trong nỗ lực dự trữ.
Ban quản lý của nhà sản xuất đạn dược MEN Metallwerk Elisenhuette của Đức cũng đã lên tiếng phàn nàn về sự chậm trễ của chính phủ so với các quốc gia châu Âu khác trong việc đặt hàng với ngành công nghiệp quốc phòng.
Xe tăng Leopard 2A5 của Quân đội Đức (Bundeswehr) |
Chính quyền Berlin đang ở thế tiến thoái lưỡng nan vì Đức không thể sản xuất đủ vũ khí, trang bị cho mình, trong khi vẫn phải thực hiện cam kết với NATO về việc cung cấp vũ khí, đạn dược cho quân đội Ukraine.
Nguồn tin cho biết, chính phủ Đức đã tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn với các nhà sản xuất đạn dược trong nước vào ngày 28/11 vừa qua, tuy nhiên, không có kết quả cụ thể nào được công khai.
Không chỉ riêng Đức phụ thuộc vào Trung Quốc
Chuyên gia quân sự Ashish Dangwal bình luận trên tờ EurAsian Times rằng, sự phụ thuộc vào Bắc Kinh không phải là vấn nạn riêng đối với Berlin, mà ngay cả các công ty quốc phòng Mỹ cũng sử dụng đất hiếm, nguyên liệu thô và linh kiện điện tử từ Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation là ông Timothy Heath nói rằng, thực trạng này không phải là điều khó hiểu, mà vấn đề này phản ánh đúng bản chất toàn cầu hóa của sản xuất. Và muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, phương Tây cần có những chính sách riêng trong lĩnh vực quân sự.
Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cũng đang cố gắng thuyết phục các công ty quốc phòng Mỹ giảm hoặc loại bỏ sự phụ thuộc của họ vào các nhà cung cấp nguyên, vật liệu, linh kiện Trung Quốc.
Còn các quan chức các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng nhiều lần tuyên bố rằng, không được phép để Nga giành chiến thắng ở Ukraine và phương Tây sẽ tiếp tục giúp đỡ chính quyền Kiev. Tuy nhiên, họ cũng đều bày tỏ lo ngại về các yêu cầu quốc phòng trong nước.
Cuộc xung đột ngày càng kéo dài giữa Nga với Ukraine đã đặt gánh nặng lên kho vũ khí vốn đã cạn kiệt của các quốc gia NATO. Một số đồng minh nhỏ đã gửi tất cả vũ khí dự trữ từ thời Liên Xô và đang chờ vũ khí thay thế từ Mỹ hay một số quốc gia NATO châu Âu mạnh hơn như Đức.
Hơn nữa, các quốc gia châu Âu nhỏ hơn có thể gặp khó khăn trong việc nhanh chóng bổ sung kho vũ khí của mình vì họ không có một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ để sản xuất các sản phẩm thay thế. Thay vào đó, nhiều nước phụ thuộc vào ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ.
Theo các chuyên gia, các quốc gia phương Tây sẽ cần nhiều thời gian để bổ sung kho dự trữ và phục hồi khả năng sản xuất vũ khí. Toàn bộ quá trình có thể đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng lớn hơn ở một số quốc gia nhỏ và điều này sẽ không thể hoàn tất trong một sớm một chiều.