Vươn lên nghịch cảnh
Tìm đến lớp học của anh Vũ Phong Kỳ (29 tuổi) tại Trung tâm Nghị lực sống (bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội), từ ngoài cửa, tôi đã nghe thấy âm thanh lao xao của tiếng gõ bàn phím, tiếng học viên thảo luận.
Trong lớp, anh Kỳ đang hướng dẫn học viên chèn ảnh trong phần mềm Word. Ngồi trên chiếc xe lăn tự động, anh di chuyển qua bàn khác để giúp học viên chỉnh sửa văn bản soạn thảo. “Xoay đi xoay lại như vậy cũng hết cả buổi sáng”, anh Kỳ cười nói.
7 tuổi, anh Kỳ bị đau nhức xương khớp. Bố mẹ đưa đi khám nhiều nơi tại quê nhà Trực Ninh, Nam Định và Hà Nội song anh được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh loãng xương. Căn bệnh khiến anh giữ nguyên vóc dáng nhỏ bé, dễ bị gãy chân tay, phải ngồi xe lăn từ năm lớp 6.
Những năm cấp 2, học lực của anh Kỳ luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Tuy nhiên, do sức khỏe ngày một yếu, lại gặp tai nạn, anh phải nghỉ học giữa chừng. Ước mơ lên cấp 3, thi vào trường đại học đào tạo công nghệ thông tin đành bỏ dở.
Sau khi nghỉ học, anh quanh quẩn trong nhà, ít tiếp xúc với mọi người. Mọi sinh hoạt từ nấu ăn đến tắm rửa đều trông cậy vào bố mẹ và ba người anh trai. Trong những năm tháng đó, anh Kỳ từng cảm thấy bất lực, mất phương hướng.
Năm 2009, anh biết đến Trung tâm Nghị lực sống do anh Công Hùng, 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2016 (Hiệp sĩ công nghệ thông tin chỉ với 1 ngón tay cử động được) sáng lập. Dù muốn đăng ký, anh Kỳ phải gác lại do đối tượng tuyển sinh của trung tâm là người khuyết tật có khả năng tự chăm sóc bản thân.
Cơ hội đến một lần nữa, năm 2014, anh Kỳ được cặp vợ chồng khuyết tật cùng quê đồng ý chăm sóc khi lên học ở Trung tâm Nghị lực sống. “Ở trung tâm, tôi thấy các bạn khuyết tật nhẹ sẽ giúp người nặng hơn trong sinh hoạt. Nhờ đó, tôi tìm được những người bạn nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ. 6 năm ở Hà Nội, các bạn đã đồng hành, hỗ trợ tôi rất nhiều trong sinh hoạt”, anh Kỳ xúc động nói.
Hàng năm, Trung tâm Nghị lực sống đào tạo khoảng 60 học viên, chia làm hai đợt, mỗi khóa học kéo dài 6 tháng. Người học được đào tạo tin học văn phòng, photoshop, chỉnh sửa video, tiếng Anh, kỹ năng mềm. Sau một tháng học, anh Kỳ thi và trúng tuyển vào Esoft Flow, Công ty Phát triển và cung cấp sản phẩm đồ họa cho khách hàng quốc tế.
“Khi ấy, tôi chưa thành thạo hết các phần mềm được dạy nhưng có thể phía tuyển dụng nhận thấy tôi có tiềm năng và tinh thần cầu tiến nên nhận. Nhờ đó, tôi được học hỏi thêm nhiều kiến thức về công nghệ thông tin lẫn kỹ năng sống”, anh Kỳ cho biết.
Ngoài thời gian đi làm, vào các ngày cuối tuần, anh Kỳ quay lại Trung tâm Nghị lực sống giảng dạy cho học viên mới. Đến năm 2019, anh được chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc trung tâm, mời về làm việc toàn thời gian.
Anh Kỳ cho hay: Nếu đi làm, tôi chỉ giúp ích cho bản thân nhưng khi đi dạy, tôi có thể đem kiến thức tích lũy được chia sẻ với các bạn có cùng hoàn cảnh. Nhìn các bạn, tôi nhớ về mình của ngày trước nên muốn giúp các bạn có tương lai tươi sáng hơn.
Lớp học công nghệ thông tin của thầy giáo khuyết tật
Lớp học của anh Kỳ có khoảng 35 học viên, đều là người khuyết tật, gặp khó khăn trong vận động. Học viên không phải đóng học phí, được trung tâm giúp đỡ tìm kiếm nhà trọ gần nơi học. Đồng cảnh ngộ nên các thành viên sống như một gia đình, giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt và cuộc sống thường nhật.
Học viên trong lớp có độ tuổi từ 18 – 25 nên nhận thức khác nhau. Nhiều bạn học nhanh nhưng cũng có những bạn chưa tiếp xúc với máy tính bao giờ còn tiếp thu chậm. Anh Kỳ thường khuyến khích các bạn học tập lẫn nhau. Bạn học giỏi giúp đỡ bạn yếu hơn. Nếu các bạn không biết làm, anh sẽ đến tận nơi hướng dẫn. Với các bạn học chậm, anh Kỳ cũng dạy đi dạy lại, quan tâm sát sao và cho thêm bài tập tự luyện.
Anh Kỳ tâm sự: Nhờ đi học, đi làm, anh có thêm nhiều bài học giá trị về kỹ năng sống, giao tiếp với mọi người, cách tiêu tiền hay khả năng tự lập, những điều tưởng như đơn giản với người bình thường nhưng là mới mẻ với người khuyết tật. Từ thái độ mông lung trước cuộc sống, anh trở nên tích cực, lạc quan và có mục tiêu rõ ràng. Vì vậy, bên cạnh kiến thức chuyên môn, anh thường chia sẻ câu chuyện của bản thân và các kỹ năng mềm cho các học viên.
Bạn Nguyễn Thị Sương, học viên lớp học chia sẻ: Thầy Kỳ giảng bài dễ hiểu, tận tình chỉ bảo từng chi tiết. Không chỉ dạy học, thầy còn quan tâm đến đời sống của học viên. Khi mới lên Hà Nội, em còn rụt rè, tự ti nhưng thầy đã động viên, giúp em làm quen với các bạn; hướng dẫn cách đi lại vì em chưa quen đường. Đến đây, em không chỉ biết thêm kiến thức mà còn được tiếp thêm nghị lực từ thầy giáo và các bạn cũng như tâm gương vượt khó của anh chị khóa trước.