Vượt qua nghèo khó để được “làm thầy”
Vốn sinh ra từ một vùng quê nghèo của tỉnh Bắc Kạn, trong một gia đình thuần nông, thương cha mẹ tuổi đã cao nhưng vẫn phải dãi nắng dầm sương nuôi 5 anh chị em nên người; từ nhỏ, thầy Huynh đã luôn ý thức được mình phải cố gắng học để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục ấy.
Trong quãng thời gian khó khăn vì cuộc sống, thầy Huynh đã được thầy cô giúp đỡ tạo mọi điều kiện để được đến trường. “Vì thế tôi cũng ước mơ trở thành người giáo viên được đứng trên bục giảng, được các em học sinh gọi bằng hai tiếng thân thương "thầy ơi”, được chăm lo cho các em như chính thầy cô mình đã làm cho tôi” – thầy Huynh chia sẻ. Chính điều này đã luôn thôi thúc thầy giáo trẻ vượt lên tất cả mọi khó khăn của cuộc sống dù nhiều lần tưởng chừng như phải khép lại ước mơ của mình.
Nhưng vì hiểu được hoàn cảnh gia đình khó khăn, nỗi vất vả của cha mẹ phải lo cho từng bữa ăn để 5 anh em nên học hết lớp 9, thầy Huynh đã cố gắng miệt mài đèn sách ôn luyện mong sao có thể thi đậu vào trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn. Bởi, ước mơ làm thầy giáo quá lớn nên dù nghèo vẫn phải cố gắng học tiếp.
Cuộc sống một mình ở ngôi trường mới đầy xa lạ không có người thân bên cạnh, mọi thứ đều phải tự lập, không ít lần khiến thầy Huynh cảm thấy cô đơn và trăn trở. “Những lúc đó tôi chỉ muốn bỏ lại tất cả việc học hành, bỏ lại ước mơ từ nhỏ của mình để đi kiếm việc làm giúp cha mẹ. Nhưng, anh chị đã phải bỏ dở việc học hành để mình tôi tiếp tục với ghế đá, sân trường. Điều này đã thôi thúc tôi trở nên mạnh mẽ và cố gắng vượt qua tất cả để cuối cùng trở thành một người giáo viên mang trên vai hành trang và lý tưởng, nhiệt huyết của tuổi trẻ để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, mang lại cho các em học tri thức để các em sau này có một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống ấm no hơn” - thầy Huynh chia sẻ.
Và cùng với ước mơ được trở thành thầy giáo, người con của quê hương Bắc Kạn đã sẵn sàng chuyển vào Nam để đồng hành cùng với các em học sinh dân tộc thiểu số người Khơ mer.
Tự hào là người giáo viên
Được giao nhiệm vụ giảng dạy môn Địa lý và Tổng phụ trách đội, thầy Huynh không chỉ giúp đỡ các em trong việc học tập hàng ngày, tham mưu Ban giám hiệu vận động mạnh thường quân chăm lo hỗ trợ cho các em có đủ điều kiện để tới trường như bao bạn bè khác.
Tự hào vì đạt được ước mơ đứng lớp, thầy Huynh chia sẻ: “Tôi luôn tự hào vì mình là một người giáo viên, dù cho cuộc sống có khó khăn đến mấy, dù nghề còn nhiều vất vả, gian nan nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ, tôi sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa để góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người của đất nước”.
Hơn 5 năm công tác, thầy Huynh luôn dành hết mọi tri thức, nhiệt huyết của mình để tổ chức hướng dẫn cho các em tham gia các phong trào, hoạt động một cách tốt nhất. Hiểu được những thiệt thòi của học sinh dân tộc thiểu số, thầy Huynh không chỉ là người anh, người thầy mà đôi lúc còn đóng vai người cha của những đứa con nhỏ. Tận tình chỉ bảo từng bài học, từng kỹ năng sống, sinh hoạt, lúc nào người thầy ấy cũng chỉ mong trò của mình sau này sẽ trở thành những người có ích.
Trong năm học vừa qua khi nhận được công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ về tổ chức cuộc thi “ Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019. Thầy Huynh đã lên kế hoạch cụ thể triển khai xuống tất cả các chi đội, động viên thầy cô và các em cùng nhau tham gia; cuối cùng kết thúc cuộc thi Trường THCS Châu Văn Liêm nơi thầy Huynh công tác lọt vào top 10 trường trung học phổ thông có tỉ lệ học sinh làm bài thi nhiều nhất cả nước. Ngoài ra một em học sinh của trường cũng lọt vào đến vòng bán kết; Riêng thầy Huynh vinh dự khi lọt vào vòng chung kết và đạt giải ba toàn quốc cuộc thi.
Mới đây, thầy giáo trẻ Triệu Văn Huynh còn được chọn là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Chương trình do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức.