Quảng Ninh xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy học tập suốt đời

Người 'truyền lửa' cho những tài năng Vật lý

GD&TĐ - Cô giáo Nguyễn Thu Hằng (45 tuổi) Trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) đã bồi dưỡng cho nhiều học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế.

Cô giáo Nguyễn Thu Hằng.
Cô giáo Nguyễn Thu Hằng.

Đam mê với nghề

Cô Nguyễn Thu Hằng đã có 24 năm dạy học, hiện đang là Tổ trưởng tổ Vật lý – Công nghiệp, Trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh).

Nghề giáo với cô Nguyễn Thu Hằng không chỉ là đam mê, mà còn được truyền lửa bởi chính những thầy cô của mình. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường ở Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh), cô học trò Nguyễn Thu Hằng đã cảm nhận được sự dạy dỗ, thương yêu học sinh hết lòng của các thầy cô giáo ở mái trường này. Ước mơ được tiếp bước các thầy cô của mình đã được nuôi dưỡng trong tâm hồn của cô Hằng từ khi đó.

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Vật lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô Hằng được tỉnh Quảng Ninh phân công về công tác tại Trường THPT chuyên Hạ Long. Năm 2011, cô tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ và năm 2016 được phân công đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng Tổ Vật lý – Công nghiệp của trường.

“Là một cựu học sinh của Trường THPT chuyên Hạ Long, vì vậy sau khi tốt nghiệp đại học được trở về trường công tác là một hạnh phúc rất lớn đối với tôi, bởi mình đã từng gắn bó, thấu hiểu được phong cách học tập, làm việc tại ngôi trường ở vị trí tốp đầu trong giáo dục và đào tạo của tỉnh. Cơ duyên đến với nghề giáo không chỉ xuất phát từ niềm yêu thích của bản thân mà hơn thế là được truyền lửa bởi chính những thầy cô, những người lái đò tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm hết mình với học trò”, cô Hằng vui vẻ nói.

nguoi-truyen-lua-cho-nhung-tai-nang-vat-ly-anh-4.jpg
Cô giáo Nguyễn Thu Hằng trong một tiết học môn Vật lý.

Theo cô Hằng, trong cuộc đời học sinh và giáo viên đều gắn bó với Trường THPT chuyên Hạ Long nên rất thuận lợi trong quá trình giảng dạy. Trường có đội ngũ giáo viên dày dặn kinh nghiệm, học sinh năng động, thông minh.

Với nhiệm vụ của trường chuyên, ngoài công tác giảng dạy thông thường thì công tác bồi dưỡng học sinh giỏi mới là mảng chính. Là cựu học sinh chuyên Lý từng tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nên khi về trường công tác, bản thân bắt nhịp với công việc cũng rất nhanh.

Nữ nhà giáo cho hay, trong những năm thực hiện giảng dạy tại nhà trường là những năm Bộ GD&ĐT có nhiều đổi mới về chương trình như năm 2006, hay như chương trình năm 2018 và những giai đoạn đổi mới như vậy, bản thân mỗi giáo viên đã chủ động học hỏi, nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Đặc biệt, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại trường là một nhiệm vụ vất vả, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất nhiều từ giáo viên. Vì vậy, bản thân luôn tìm cách cân bằng, biến những áp lực thành động lực để không ngừng phấn đấu, hoàn thiện mình, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác đào tạo nhà trường, đòi hỏi nhiều công sức của thầy và trò. Song để có được quá trình đào tạo, bồi dưỡng đạt hiệu quả thì việc phát hiện những học sinh có năng khiếu nổi trội, có tư duy môn học tốt và có ý thức học tập là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên.

Những học sinh tham dự đội tuyển học sinh giỏi thường đã có sẵn đam mê với môn học song không vì thế mà giáo viên được chủ quan, vẫn cần cố gắng để nuôi dưỡng niềm đam mê cho học sinh, nâng cao tinh thần trách nhiệm cùng học sinh vượt qua những khó khăn, thử thách trong học tập.

Chính vì vậy, mục tiêu giáo dục xuyên suốt mà bản thân hướng tới không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà phải luôn tạo ra sự thích thú, động lực, định hướng để phát huy tối đa khả năng tự học tập, tự nghiên cứu, tìm tòi của học sinh.

Muốn có trò giỏi, trước hết phải có thầy giỏi. Vì vậy bản thân cô luôn có ý thức tự rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ từ thực tế giảng dạy và thường xuyên phải học cùng học trò, trao đổi với đồng nghiệp, học hỏi từ các thầy cô nhiều kinh nghiệm.

Ngoài tìm đọc sách tham khảo bộ môn, còn phải chủ động tìm tòi nguồn tư liệu trên mạng internet thông qua lựa chọn trang web uy tín để tìm đọc, sưu tầm tài liệu... vận dụng vào giảng dạy.

Phát huy vai trò tự học của học sinh là yếu tố rất quan trọng. Về mặt lý thuyết môn học thì vô cùng rộng, giáo viên là người đóng vai trò tổng hợp kiến thức, tổng hợp tài liệu và hướng dẫn cho học sinh tự nghiên cứu.

Đặc biệt, học sinh giỏi phải biết biến kiến thức trong sách vở mình đã nghiên cứu thành kiến thức của mình để vận dụng một cách sáng tạo trong giải quyết các vấn đề được đưa ra tại các kì thi.

Cùng với đó, thầy cô phải luôn bồi dưỡng hứng thú và tính tích cực, độc lập nghiên cứu của học sinh. Cách tốt nhất bồi dưỡng hứng thú cho học sinh là hướng dẫn, dìu dắt cho các em đạt được những thành công từ thấp lên cao. Nhiều học sinh lúc đầu chưa bộc lộ rõ năng khiếu nhưng sau quá trình được dìu dắt đã trưởng thành rất vững chắc và đạt kết quả tốt.

Những tấm huy chương Olympic Vật Lý

Tháng 5/2018, khi đó em Lê Kỳ Nam, học sinh lớp 12 chuyên lý, Trường THPT Chuyên Hạ Long đã giành Huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19 được tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Thành tích này của Kỳ Nam đã đem lại niềm tự hào lớn cho ngành Giáo dục Quảng Ninh khi lần đầu tiên tỉnh có thí sinh đoạt được huy chương tại một cuộc thi Olympic Vật lý mang tầm cỡ quốc tế.

Đến tháng 5/2022, em Lê Thùy Mai Anh, học sinh lớp 11 chuyên lý đoạt Huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu.

Cô Hằng cho biết, trong sự nghiệp giáo dục của mình, rất ấn tượng với Kỳ Nam và Mai Anh vì đây là hai anh em ruột và đều có những thành tích ấn tượng. Đây cũng là những học sinh khi còn học ở THCS đã được các thầy cô đánh giá là những học sinh có tố chất đặc biệt. Có khả năng tự học, tự tìm tài liệu và có phản biện rất tốt.

Kỳ Nam là học sinh đầu tiên của Quảng Ninh được tham gia kỳ thi Olympic và đoạt giải. Đây là điều rất xúc động, ấn tượng. Nó là dấu ấn nghề nghiệp, khẳng định được vị thế của giáo dục tỉnh nhà cũng là sự nỗ lực của cô và trò.

nguoi-truyen-lua-cho-nhung-tai-nang-vat-ly-anh-3.jpg
Cô Nguyễn Thu Hằng là 1 trong 10 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Quảng Ninh ưu tú” năm 2024.

“Lúc nghe tin Kỳ Nam được vào đội tuyển chúng tôi rất mừng nhưng cũng rất lo lắng vì lần đầu tiên có học sinh đi thi. Sau đó em được thầy cô trên Bộ trực tiếp dạy. Trong quá trình học tập Kỳ Nam đã đáp ứng được các yêu cầu học tập. Thực hiện tốt các kiến thức nền. Do phía nhà trường đã giảng dạy rất đảm bảo và kết quả cuối cùng là đi thi và em cũng đã có thành tích. Nó khẳng định đội ngũ giáo viên giảng dạy ở tỉnh đáp ứng được công tác bồi dưỡng học sinh giỏi”, cô Hằng chia sẻ.

Theo cô Hằng, để có được những kết quả tốt, đó là sự đoàn kết, nỗ lực của cả tập thể giáo viên. Đặc biệt là sự quan tâm của tỉnh đối Trường THPT chuyên Hạ Long.

Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, cô Nguyễn Thu Hằng là 1 trong 10 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Quảng Ninh ưu tú” năm 2024.

Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng mà cô Nguyễn Thu Hằng đã đạt được trong những năm gần đây: Năm 2021: Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm 2023: Bằng khen của Thủ tướng chính phủ; Bằng khen của UBND tỉnh; Bằng khen của LĐLĐ tỉnh; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phiến quân Syria đang giành lợi thế ở giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột.

Phiến quân Syria đang giành lợi thế?

GD&TĐ -Việc sử dụng UAV và các cuộc tấn công được phối hợp tốt đã mang lại cho phiến quân Syria lợi thế ở giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột.