Người trồng đào phai ở Hà Tĩnh đang hồi hộp chờ Tết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tháng cận kề Tết, người trồng đào phai ở Hà Tĩnh lại tất bật tuốt lá, chăm cây, kích hoa chờ ngày mang xuân xuống phố.

Việc tuốt lá là yếu tố quan trọng đối với cây đào và phải thực hiện bằng biện pháp thủ công. (Ảnh: T.H)
Việc tuốt lá là yếu tố quan trọng đối với cây đào và phải thực hiện bằng biện pháp thủ công. (Ảnh: T.H)

Chăm cây chờ Tết

Những ngày này, người trồng đào tại xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) và xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân) đang hối hả thực hiện công đoạn cuối cùng chăm sóc cây để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Công đoạn này thường được thực hiện vào giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 (Âm lịch). Nắm bắt tiết trời thuận lợi, tạnh ráo, người trồng đào đã huy động nhân lực trong gia đình, hàng xóm và thuê thêm lao động thời vụ để tập trung tuốt lá, tỉa cành đào bằng phương pháp thủ công.

Năm nay, gia đình ông Dương Hữu Trung (thôn Kim Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Nghi Xuân) có khoảng 1.200 gốc đào cho thu hoạch. Từ giữa tháng 11 (Âm lịch) đến thời điểm hiện tại, ông phải huy động 3 người trong gia đình tuốt lá, chăm cây cho kịp thời vụ.

“Từ khi trồng cho đến khi cây trưởng thành không tốn mấy công chăm sóc nhưng khi đến kỳ thu hoạch mới là thời điểm cần huy động nhiều nhân lực. Trong đó, việc tuốt lá là yếu tố rất quan trọng. Ngoài ra, còn phải cắt tỉa cành khô, cành sâu, dọn dẹp sạch cỏ ở dưới gốc để cung cấp dinh dưỡng cho cây giai đoạn trổ búp, bung nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán...”, ông Trung chia sẻ.

Bà Phan Thị Lan (thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân) phấn khởi nói: “Gia đình tôi có hơn 300 gốc đào. Do nhiều nguyên nhân, vụ đào năm trước hoa không được đẹp, giá thấp nên gia đình quyết định không bán mà tiếp tục chăm sóc phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán 2024. Trồng đào không vất vả, tốn kém như cây cảnh khác nhưng người trồng phải theo dõi thời tiết, xác định tuổi đào, loại đào để quyết định thời gian thực hiện chăm sóc cho mỗi công đoạn”.

Mỗi người một kinh nghiệm riêng, nhưng thời điểm để tuốt lá đào thường được tập trung từ sau ngày 15/11 (Âm lịch) trở đi. Các vườn đào được người dân tập trung huy động nhân lực để tuốt lá đào đồng loạt. Công việc này phải được thực hiện đúng thời gian để cây có thể ra được mắt và nuôi dưỡng mắt đào, đồng thời cho những nụ hoa to, đẹp vào dịp Tết.

Theo kinh nghiệm của người trồng đào, sau quá trình tuốt lá, đào còn phải phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết. Nếu trời nắng ấm kéo dài, đào sẽ nở hoa sớm, ngược lại nếu trời mưa rét triền miên thì đào sẽ chậm ra nụ… Năm nay, thời tiết theo dự báo khá thuận lợi, nắng ấm, mưa đều. Cũng chính vì thế, người trồng đào phai ở Hà Tĩnh chưa phải áp dụng các giải pháp để kích thích cây ra hoa như một số năm trước.

Những vườn đào phai hàng nghìn gốc ở xã Lưu Vĩnh Sơn. (Ảnh: T.H)

Những vườn đào phai hàng nghìn gốc ở xã Lưu Vĩnh Sơn. (Ảnh: T.H)

Xây dựng thương hiệu

Nghề trồng đào đã gắn bó với bao thế hệ người dân ở nhiều vùng quê tại xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân và xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà. Những năm gần đây, loại cây này đã mang lại thu nhập khá cho người trồng, đặc biệt là tăng thu nhập vào dịp Tết.

Ông Trần Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà cho biết, toàn xã hiện có khoảng hơn 700 hộ trồng đào với diện tích hơn 80ha. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường nhưng với kinh nghiệm trồng, chăm sóc đào lâu năm, cây đào phai của địa phương vẫn phát triển tốt. Từ giữa tháng 11 (Âm lịch) nhiều thương lái đã đến thăm vườn, khảo sát giá nên bà con ai cũng phấn khởi.

“Nhìn chung năm nay, cây đào phai cảnh được người dân chăm sóc tốt, tạo dáng đẹp, nụ nhiều. Do đó, người dân kỳ vọng dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ mang lại nguồn thu nhập khá hơn mọi năm. Ước tính, mỗi năm toàn xã thu nhập từ trồng cây đào phai cảnh dao động từ 16 - 25 tỷ đồng”, ông Hoành nói.

Còn ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cho hay, toàn xã có khoảng 140 hộ dân trồng trên 16ha cây đào phai phục vụ Tết Nguyên đán, tập trung ở thôn Xuân Sơn, Kẻ Lạt... Theo tính toán, mỗi hộ dân trồng đào ở địa phương cho thu nhập bình quân khoảng từ 50 - 100 triệu đồng, có nhiều hộ cho thu nhập trên dưới 300 triệu đồng.

Hiện nay, địa phương đang tập trung triển khai xây dựng thương hiệu đào phai trở thành sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Sắp tới nếu được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao thì đây sẽ là động lực rất lớn để giúp thương hiệu cây đào phai cảnh Cổ Đạm tiếp tục phát triển, tạo thương hiệu tốt và tiêu thụ thuận lợi hơn đến người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.