Người trẻ 'bắt tay' thiết kế làng nghề xưa

GD&TĐ - Trong khuôn khổ Liên hoan Sinh viên nội thất Việt Nam và Festival Làng nghề Việt Nam 2023, nhiều hoạt động thú vị đã và đang diễn ra tại nhiều nơi.

Không gian trưng bày thiết kế về sản phẩm lụa Vạn Phúc.
Không gian trưng bày thiết kế về sản phẩm lụa Vạn Phúc.

Gốm Bát Tràng, sừng Thụy Ứng, bạc Định Công, thêu Thường Tín… được sinh viên tái hiện theo cách thật độc đáo trong 10 thiết kế để tôn vinh các giá trị truyền thống của làng nghề Hà Nội.

Thiết kế kể chuyện làng nghề

Trong khuôn khổ Liên hoan Sinh viên nội thất Việt Nam và Festival Làng nghề Việt Nam 2023, nhiều hoạt động thú vị đã và đang diễn ra tại nhiều địa điểm ở Hà Nội nhằm đóng góp những ý tưởng và sáng kiến giá trị, góp phần tôn vinh các nghề truyền thống của Thủ đô.

Tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức Liên hoan Sinh viên nội thất lần đầu tiên và khai mạc triển lãm “Tinh hoa làng nghề truyền thống qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại”.

Triển lãm hội tụ các tác phẩm từ các thiết kế tham dự cuộc thi “Thiết kế tinh hoa làng nghề truyền thống Hà Nội”. Hơn 100 sinh viên xuất sắc đại diện chuyên ngành nội thất và đội ngũ 20 giảng viên của 10 trường đại học trong và ngoài nước đã tham gia thi tài trong liên hoan.

Ngoài các trường đại học trong nước, như: Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Mở, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Đại học Yersin Đà Lạt, Đại học Nguyễn Tất Thành, còn đặc biệt có sự tham dự của Đại học King Mongkut Bangkok (Thái Lan).

10 tác phẩm được trưng bày là 10 sáng kiến thiết kế thể hiện sức sáng tạo không giới hạn, được sinh viên lựa chọn để thi thố tài năng đến từ cảm hứng bởi 10 làng nghề: Gốm Bát Tràng, sừng Thụy Ứng, bạc Định Công, thêu Thường Tín, mây tre đan Phú Vinh, gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, tranh Hàng Trống, lụa Vạn Phúc, điêu khắc Nhân Hiền và làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ.

Có thể nói đây là lần đầu tiên diễn ra sự kiện người trẻ “bắt tay” với các làng nghề truyền thống trong việc thiết kế sáng tạo nhằm tôn vinh các giá trị xưa cũ. Mỗi làng nghề là một bí mật được hiển hiện trên tác phẩm, và ở đó câu chuyện làng nghề với lịch sử vài trăm năm gói gọn trong những ý tưởng không chỉ độc đáo mà còn có sức lan toả, níu chân người xem.

Đặc biệt Liên hoan Sinh viên nội thất Việt Nam và Festival Làng nghề Việt Nam 2023 còn trùng hợp với “Tuần văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc” đang thu hút đông đảo người trẻ và những người yêu mến nghề cổ của Hà Nội tìm đến.

Chuỗi sự kiện của làng lụa Vạn Phúc với cách bài trí sắp đặt không chỉ dẫn dắt người xem đến với cội nguồn văn hóa làng nghề, gắn với nghi thức truyền thống rước tổ nghề ghi ơn Thành hoàng A Lã Đê Nương, mà còn trở thành địa điểm check in của giới trẻ nhân việc làng nghề nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và bằng công nhận điểm đến du lịch Thủ đô.

Qua góc nhìn và sự sáng tạo của các nhà thiết kế trẻ với những cách tiếp cận hoàn toàn mới đã thổi một làn gió đầy đương đại vào từng thớ lụa. Câu chuyện nghề với việc trồng dâu nuôi tằm cứ thế được kể từ chính những mảnh lụa mỏng.

Hành trình từ khi có nghề cho tới ngày hôm nay cũng được kể với những sóng gió, những điều đã phai nhoà và cả những điều mới hình thành cứ thế mà hiển hiện qua những lớp lụa thời gian.

Triển lãm 'Tinh hoa làng nghề truyền thống qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại' lựa chọn 10 thiết kế độc đáo.

Triển lãm 'Tinh hoa làng nghề truyền thống qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại' lựa chọn 10 thiết kế độc đáo.

Kéo người trẻ về truyền thống

Trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh triển lãm “Tinh hoa làng nghề truyền thống qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại”, ông Lưu Việt Thắng - giảng viên ngành Thiết kế nội thất (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) cũng là nhà sáng lập Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam, cho biết: Ngoài một số làng nghề phát triển như Bát Tràng, thì hầu hết hoạt động không hiệu quả do manh mún, không đồng nhất về chất lượng, mẫu mã… khiến cho sản phẩm làng nghề chỉ bán ở mức nhân công chứ không bán được ở mặt giá trị.

“Hiện nay, giới trẻ đặc biệt thế hệ gen Z mải mê công nghệ. Tuy nhiên, cũng không ít người trẻ đam mê, dấn thân với truyền thống. Tôi vừa tham gia giảng dạy, vừa tham gia thị trường nên thấy rất rõ và nhận ra những điều đáng quý từ sự quan tâm của người trẻ. Khi sinh viên đến thăm làng nghề, các bạn rất hào hứng thích thú và thực tế đã đánh thức tình yêu của họ với truyền thống”, ông Thắng cho biết.

Ở xã Chuyên Mỹ của huyện Phú Xuyên - nơi có nghề khảm trai nức tiếng miền Bắc có tới 7 làng cùng làm nghề khảm trai, trong đó làng Chuôn Ngọ là nơi có tổ nghề, có bề dày lịch sử làm nghề khảm trai hơn 1.000 năm.

Những người thiết kế trẻ đã tái tạo không gian khung cảnh gia đình truyền thống trong làng cổ Chuôn Ngọ với những công đoạn chế tác ra các tác phẩm khảm trai, mà khi nhìn vào cửa sổ, người nay sẽ thấy những bức vách nhiều màu sắc trong suốt, những lớp hình ảnh đan cài lên nhau.

Các thiết kế nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống của làng nghề Hà Nội.

Các thiết kế nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống của làng nghề Hà Nội.

Đó là những công đoạn mà người nghệ nhân sáng tác nên tác phẩm khảm trai theo kỹ thuật “lớp chồng lớp” giống như cách tác phẩm thành hình. Từng bước đi qua không gian, thời gian cũng giống như quá trình từng mảng miếng của tác phẩm được hình thành, được hiện thực hóa, những mảnh trai được thu thập, làm phẳng, mài dũa... cho đến khi được gắn lên từng chi tiết của tác phẩm.

Qua những tác phẩm được chọn cho triển lãm, ông Lưu Việt Thắng cho rằng chúng ta nên có chính sách hỗ trợ dự án giáo dục liên quan tình yêu di sản, với giá trị truyền thống. Khuyến khích tạo ra các giải thưởng hoặc khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân đang mạnh dạn tham gia lĩnh vực di sản - đặc biệt đối với giới giảng viên và sinh viên.

Đồng thời cũng nên kéo người trẻ tới các làng nghề, không chỉ để đánh thức tình yêu mà còn để họ hiểu được chức năng và cách vận hành một làng nghề truyền thống có gì khác biệt với mô hình khác.

Những cái “bắt tay” của người trẻ với làng nghề truyền thống đã khơi gợi tình yêu của công chúng tìm đến các giá trị truyền thống. Để từ đó, không chỉ có tình yêu di sản được đánh thức mà còn kết hợp được với các sự kiện lễ hội, quảng bá để nét đẹp ấy lan toả xa hơn giữa lúc Festival Làng nghề Việt Nam 2023 đang diễn ra.

“Liên hoan Sinh viên nội thất Việt Nam (lần đầu) sẽ mở màn cho các chuỗi festival tiếp theo, kết nối ngày càng nhiều các nhà thiết kế trẻ; khuyến khích công chúng cùng đóng góp, cống hiến những sáng kiến đa dạng và có tính bản sắc rõ nét”, ông Lưu Việt Thắng - nhà sáng lập Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

GD&TĐ - Giá vàng trong nước hôm nay (27/11), tiếp tục giảm 1,4 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng nhẫn giảm; Vàng thế giới nhích nhẹ so với phiên trước.