Bảo tồn và lan toả văn hoá truyền thống không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn có vai trò tiên quyết trong quá trình hội nhập quốc tế. Đặc biệt, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa…”.
Trong nhiệm vụ phát triển văn hoá, vai trò của người trẻ được coi là nguồn lực lâu dài. Người trẻ cũng là lực lượng nhạy bén, sáng tạo các sản phẩm văn hoá dựa trên “nguồn vốn” sẵn có từ truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Thời gian gần đây, cùng với hoạt động sáng tạo chuyên nghiệp, công chúng được chứng kiến sự xuất hiện nhiều sản phẩm văn hoá từ những người trẻ, từ học sinh – sinh viên. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp đồ hoạ - với những nét vẽ minh hoạ đầy sinh động, đặc sắc của những người trẻ về vấn đề lịch sử - văn hoá truyền thống.
Minh hoạ sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của Bùi Xuân Quỳnh. |
Mới đây, đồ án minh hoạ về sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của Bùi Xuân Quỳnh – một cô gái trẻ người dân tộc Mường đã phát huy tác dụng, kéo người trẻ tìm đến với vốn văn hoá thần thoại đồ sộ nhất của dân tộc Mường. Từ màu sắc, họa tiết tham khảo hoa văn trên trang phục, đền thờ người Mường, hoa văn trên trống đồng, vật dụng thường ngày cho đến tạo hình nhân vật quan lang, tạo hình nữ nhân trong tranh dân gian… đều được Xuân Quỳnh ước lệ dựa trên những đặc trưng truyền thống chưa từng bị phai nhạt, tiếp biến.
Tác phẩm của Quỳnh chia thành chương hồi, bên cạnh những nét tạo hình ngộ nghĩnh lại là sự nghiêm cẩn của tính chính xác trong trang phục, lễ phục và nghi lễ. Đồng thời cũng không quên những dòng tóm lược kể về sự tích trong bộ sử thi.
Trước sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của Xuân Quỳnh, nhóm ba sinh viên Minh Thảo, Lê Vũ Huyền Trân và Đặng Thảo Nhi (K13, K14 chuyên ngành Thiết kế đồ họa, ĐH FPT Cần Thơ) cũng công bố “Đồng bào Việt phục” - đồ án tốt nghiệp được phát triển thành dự án văn hoá – lịch sử.
“Đồng bào Việt phục” là dự án sách kết hợp với công nghệ thực tế ảo tăng cường AR (augmented reality), minh họa trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Trong đó, mỗi trang sách không chỉ mang đến các bộ nam phục và nữ phục truyền thống của từng dân tộc mà còn cung cấp thông tin chất liệu, họa tiết, ý nghĩa văn hoá.
Phỏng dựng nghệ thuật hát Bội trên chữ cái của Phương Vy. |
Cùng với “Đồng bào Việt phục”, Trần Mỹ Ngọc lại phát triển đồ án tốt nghiệp khoa Thiết kế Đồ họa - Trường Đại học Kiến trúc TPHCM tập thơ tranh Ký Mộng về Truyện Kiều. Artbook Ký Mộng hiện lên những sắc màu vừa trang đài vừa gợi nét hư ảo trầm mặc. Nhân vật Kiều được thể hiện cách điệu qua trang phục áo dài truyền thống, vải gấm màu đỏ có hoa văn trang nhã, áo cổ cao, búi tóc, khăn đóng, cổ đeo kiềng bạc, có hoa tai, sử dụng đàn tì bà…
Cũng từ đồ án tốt nghiệp, Nguyễn Phương Vy - sinh viên Đại học Mỹ thuật TPHCM lại phát triển thành dự án Bội Tự - phỏng dựng nghệ thuật hát Bội thông qua 22 chữ cái. Ví dụ, chữ H được diễn giải trang phục “hia” - giầy cổ đứng, đế cong hình bán nguyệt. Chữ K được lựa chọn giải nghĩa “kép” - từ dùng để chỉ người đàn ông ca hát trên sân khấu. Chữ M đại diện cho “mão” - vật dụng dùng cho hầu hết các nhân vật trong hát Bội với hình ảnh được uốn cong, tô vẽ bắt mắt.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc giới trẻ ngày càng quan tâm đến di sản nói chung và di sản văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng là những tín hiệu tích cực.
“Chúng ta thấy giới trẻ có sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động trải nghiệm, nhu cầu du lịch đến những địa điểm di sản, đặc biệt là sử dụng chất liệu di sản văn hóa dân tộc thiểu số để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới. Tất cả đã tạo ra sự đa dạng, phong phú, thể hiện bản sắc mới cho nền nghệ thuật Việt Nam”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, vẫn đang có một bộ phận bạn trẻ sùng ngoại, thờ ơ, quay lưng, hoặc có hành động làm méo mó, sai lệch văn hóa dân tộc nói chung, di sản văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng. Bức tranh xen lẫn sáng tối như vậy khiến các nhà quản lý, giới trẻ hiện nay phải cố gắng hơn nữa để những mảng sáng lấn át mảng tối, để di sản văn hóa dân tộc thiểu số góp phần cho sự phát triển bền vững đất nước.
Ông Cao Trung Vinh, người gắn bó với dự án “Di sản kết nối” nhận định, muốn người trẻ yêu di sản, nhất là di sản văn hóa dân tộc thiểu số thì phải có cách phổ biến mới lạ, gây ấn tượng, thay vì quá phụ thuộc vào sách vở.