Người tiêu dùng cần thông tin minh bạch của nông sản

GD&TĐ - Quyền “mặc cả” của nông dân với doanh nghiệp đang rất thấp, khiến thông tin minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm còn nhiều vấn đề cần xem xét.  

Người tiêu dùng cần thông tin minh bạch của nông sản

Tìm cách hạn chế cảnh “được mùa, mất giá”

Trước tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, trong đó việc ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản là một trong những giải pháp cơ bản nhằm đạt được mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản còn thấp; tình trạng bị động trong sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá”, dư thừa sản phẩm, tiêu thụ khó khăn vẫn là những thách thức cho Việt Nam trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa định hướng xuất khẩu giá trị cao.

Đầu tư cho nông nghiệp đòi hỏi vốn lớn cho công nghệ và cơ sở hạ tầng và trong khi doanh nghiệp quy mô lớn còn gặp không ít khó khăn thì vấn đề giúp cho nông hộ sản xuất quy mô nhỏ có thể xuất khẩu nông sản dường như là việc không thể.

Về vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, mặc dù Việt Nam đã có khá đầy đủ khuôn khổ pháp lý nhưng việc thực thi các quy định và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất, xác thực nguồn gốc đáp ứng các rào cản kỹ thuật của thị trường khó tính như Mỹ, EU còn nhiều hạn chế.

Ông Phạm Duy Khánh (Viện Chiến lược Nông nghiệp) nói về thực trạng và các vấn đề chính sách trong vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản: “Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Các doanh nghiệp thì đầu tư công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm (TXNG), nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường sản xuất”. Nhiều nước và khu vực đã tăng cường việc ban hành khung pháp lý quy định về TXNG.

TXNG sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh. Hệ thống TXNG là bắt buộc, cách thức xây dựng tùy từng cơ sở. Mục đích của TXNG là giúp nhà sản xuất có thể thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn, chưa hướng đến minh bạch hóa, kết nối và cung cấp thông tin cho các tác nhân liên quan (bao gồm cả người tiêu dùng).

Nông dân cần có quyền “mặc cả” với doanh nghiệp nhiều hơn

“Hiện nay, không quy định TXNG phải được thực hiện trên toàn bộ chuỗi. Không quy định xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm để quản lý toàn bộ chuỗi và kết nối thông tin theo chuỗi phục vụ quản lý Nhà nước. Chỉ quy định thông tin tối thiểu truy xuất thực phẩm nói chung, không quy định riêng cho từng nhóm sản phẩm” - ông Phạm Duy Khánh cho biết.

“Quy định về TXNG theo khung pháp lý của Việt Nam hiện có những đặc điểm như: Hệ thống TXNG mặc dù thực tế bắt buộc. Tuy nhiên, mục tiêu hiện nay của hệ thống TXNG chủ yếu để thu hồi những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, không đảm bảo chất lượng. Rõ ràng điều này không giúp nhiều cho mục đích minh bạch nguồn gốc sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hay đảm bảo nhu cầu về thông tin sản phẩm của người tiêu dùng”- ông Phạm Duy Khánh cho biết - “Thực hiện TXNG là phải thực hiện theo cả chuỗi. Nhưng ở Việt Nam hiện nay mới chỉ yêu cầu mỗi tác nhân đảm bảo nguồn thông tin “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm, chưa có quy định yêu cầu TXNG trên toàn bộ chuỗi (từ khâu sản xuất tới khâu phân phối).

Thêm nữa, Việt Nam cũng chưa xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu trung tâm để quản lý toàn bộ chuỗi. Chẳng hạn, ở Pháp có hệ thống trung tâm quản lý dữ liệu của tất cả đàn gia súc, do đó toàn bộ các tác nhân từ người chăn nuôi, người thu gom, đến người giết mổ gia súc đều phải đẩy thông tin lên cơ sở dữ liệu trung tâm, còn cơ quan quản lý vùng sẽ nắm được toàn bộ thông tin chuỗi của sản phẩm thịt sản xuất ra thị trường, nhằm kiểm tra được tính minh bạch trên các hoạt động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh. Hay Nhật Bản có hẳn một dữ liệu trung tâm liên quan đến những thông tin TXNG đối với thịt bò, gạo… Như vậy, so với thế giới thì hệ thống TXNG của Việt Nam còn nhiều hạn chế”.

Tại Việt Nam hiện nay, nhiều tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng TXNG điện tử “Qrcode” cho sản phẩm nông sản, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Hà Nội và các tỉnh khác tại nhiều vùng trên cả nước. Đã xuất hiện nhiều công ty cung cấp giải pháp TXNG: Smartlife, VNPT check, Vinacheck, Agricheck, Traceverified, icheck, giải pháp công nghệ blockchain (IBL, TomoChain, Lina Network etc.). Cũng đã có nhiều chuỗi nông sản áp dụng TXNG điện tử “Qrcode”.

Một số mô hình thử nghiệm công nghệ Blockchain trong TXNG (chẳng hạn với các trái cây: Xoài, thanh long). Trên thực tế cũng có những doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề TXNG, như chuỗi cung ứng rau vào siêu thị VinEco, BigGreen, Rau Việt (RaVi), Rau Bác Tôm… Chuỗi cung ứng rau hữu cơ của HTX rau sạch Thanh Xuân, hay chuỗi cung ứng vải thiều Lục Ngạn đi các siêu thị Hà Nội (BigC, Hapro) và xuất khẩu.

Cho rằng người nông dân Việt Nam hiện còn ít quyền “mặc cả” với doanh nghiệp, ông Phạm Duy Khánh lưu ý cần làm sao để doanh nghiệp muốn yêu cầu người nông dân ghi sai thông tin cho sản phẩm mà doanh nghiệp thu mua, nhưng người nông dân có quyền “mặc cả” không ghi sai thông tin.

Trước vấn đề thông tin về TXNG nông sản mỗi doanh nghiệp đang làm một kiểu thì nhật ký nông hộ rất quan trọng trong việc TXNG. Mã định danh hộ sản xuất cũng rất quan trọng để minh bạch sản phẩm nông nghiệp, do đó cần phải xây dựng mã định danh cho từng hộ sản xuất có cung ứng nông sản ra thị trường.

Theo ý kiến chuyên gia (tại hội thảo về truy xuất nguồn gốc nông sản, tổ chức tuần trước tại Hà Nội) thì vấn đề xác thực nguồn gốc thực phẩm là một việc rất phức tạp, không phải đối với Việt Nam mà với cả thế giới.

Theo báo cáo của Trường Đại học Michigan ở Hoa Kỳ 2017, thương hiệu “Food Fraud” thực phẩm không đúng như kê khai, pha trộn không đúng nguồn gốc và nhiều gian lận thương mại khác đã làm cho ngành thực phẩm thiệt hại 30 - 40 tỷ đô hàng năm. Việc pha trộn các thành phần không đúng nguồn gốc đã khiến cho việc quản lý ngành an toàn thực phẩm trở nên phức tạp hơn.

Theo Tổ chức NSF INTERNATIONAL, trong năm 2017, quá trình kiểm soát vấn đề gian lận thực phẩm vẫn chưa được cải thiện, mặc dù đã có một số sáng kiến mới đáng chú ý liên quan đến DNA và tỷ lệ đồng vị bền, cũng như một số bổ sung hữu ích cho việc kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn thực phẩm toàn cầu có liên quan đến công tác phòng chống gian lận của thực phẩm. Cũng theo chuyên gia ngay cả ở Hoa Kỳ, thì việc phòng chống gian lận thực phẩm hiện nay vẫn chưa có một phương pháp nào duy nhất để ngăn ngừa.

 Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản ra thế giới. Đầu năm 2018, Bộ NN&PTNT Việt Nam đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.