Người thầy nặng lòng với ngôn ngữ Bru - Vân Kiều

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mong muốn bảo tồn, phổ biến ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào Vân Kiều, thầy Hồ Quang Tuyến đã tích cực tham gia biên soạn tài liệu và dạy chữ...

Giáo trình, tài liệu tiếng Bru - Vân Kiều do thầy Hồ Quang Tuyến biên soạn đã được đưa vào giảng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Giáo trình, tài liệu tiếng Bru - Vân Kiều do thầy Hồ Quang Tuyến biên soạn đã được đưa vào giảng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Làm “sống lại” chữ viết Vân Kiều

Hơn 20 năm giảng dạy, thầy Hồ Quang Tuyến (sinh năm 1976, trú ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) luôn khát khao phổ biến rộng rãi ngôn ngữ, chữ viết của người Bru-Vân Kiều trong cộng đồng. Thầy Tuyến cho biết, khi còn học phổ thông, thầy đã chủ động tìm hiểu về nguồn gốc ngôn ngữ, văn hóa, tập quán người Bru - Vân Kiều. Sau này, khi tham gia giảng dạy, thầy có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các nguồn tư liệu để hoàn thành bộ tài liệu dạy chữ Vân Kiều.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, thầy Tuyến được phân công về giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngoài giờ lên lớp, thầy dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu, biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu tiếng Bru - Vân Kiều.

Ngoài việc tìm hiểu về phong tục tập quán, đời sống của đồng bào Vân Kiều, thầy Tuyến gặp gỡ các già làng, trưởng bản, bậc cao niên để củng cố thêm tư liệu nghiên cứu. Một trong những người hỗ trợ đắc lực cho thầy Tuyến trong việc thu thập, biên soạn tài liệu là nhà giáo Hồ Chư (sinh năm 1949, xã Mò Ó, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Ông là một trong những nhà nghiên cứu có vốn kiến thức sâu sắc về văn hóa đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều…

Thầy Tuyến chia sẻ, quá trình tìm hiểu từ những người đi trước, thầy đã nghiên cứu sửa đổi bộ chữ cái cho phù hợp. Ngôn ngữ Bru - Vân Kiều đa âm, chữ viết ra đời muộn. Cái khó là ở chỗ chữ viết chưa được phổ biến rộng rãi, mà đồng bào chỉ lưu truyền bằng miệng. “Tiếng Vân Kiều sử dụng bộ chữ cái La tinh, giống tiếng Việt, một số chữ cái viết như tiếng Việt, một số chữ đọc giống mà viết khác. Về vấn đề phát âm cũng khác”, thầy Tuyến cho hay.

Cũng theo thầy Tuyến, do các tài liệu về chữ viết không nhiều, nên khó khăn trong khâu biên soạn hệ thống chữ viết. Việc biên soạn tài liệu mất nhiều thời gian do quá trình phổ thông hóa nên nhiều từ bị mất gốc. Tuy nhiên, bộ chữ cái ít hơn so với tiếng Việt.

“Việc lưu giữ, truyền tải ngôn ngữ này gặp nhiều khó khăn. Ngay cả những người Vân Kiều lớn tuổi cũng không biết chữ viết. Về ngữ pháp, bà con cũng chỉ nói tự do. Vì vậy, mình phải tìm hiểu nguồn gốc, chọn những từ mang tính phổ thông để thay thế, giúp mọi người dễ hiểu nhất”, thầy Tuyến giải thích.

Cùng tham gia biên soạn tài liệu với thầy Tuyến có một số thầy, cô giáo đang dạy ở các trường Phổ thông DTNT ở huyện Hướng Hóa và Đakrông. Mỗi người phải chia nhau một mảng, rồi tự nghiên cứu, tìm hiểu, sau đó ngồi lại thống nhất với nhau.

Thầy Hồ Quang Tuyến đã tích cực biên soạn tài liệu và trực tiếp giảng dạy tiếng Vân Kiều cho cán bộ, người dân và học sinh. Ảnh: Đăng Đức

Thầy Hồ Quang Tuyến đã tích cực biên soạn tài liệu và trực tiếp giảng dạy tiếng Vân Kiều cho cán bộ, người dân và học sinh. Ảnh: Đăng Đức

Đưa chương trình vào các trường dân tộc

Với hiểu biết và kinh nghiệm truyền thụ tiếng nói, chữ viết Bru - Vân Kiều, thầy Tuyến được Sở GD&ĐT Quảng Trị điều động tham gia Hội đồng bộ môn tiếng Bru - Vân Kiều. Cũng từ đó, ý tưởng truyền dạy để bảo tồn tiến tới phổ biến tiếng Bru - Vân Kiều được lan tỏa trong cộng đồng dân tộc Vân Kiều.

Từ chủ trương của ngành Giáo dục, các cấp các ngành ở Quảng Trị, những lớp học tiếng Bru - Vân Kiều liên tục được khai giảng. Cán bộ ở các Sở, ban, ngành cấp tỉnh hoạt động vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cử đi học tiếng Bru - Vân Kiều. Sau đó, những lớp học dành cho công chức, viên chức các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh… cũng được triển khai. Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức, mà những học sinh và người dân địa phương nếu có nhu cầu tìm hiểu cũng được thầy Tuyến hỗ trợ, dạy chữ Vân Kiều.

Thời gian qua, thầy Tuyến đã tham gia chỉnh sửa, biên soạn các tài liệu quan trọng liên quan đến ngôn ngữ Bru - Vân Kiều như: Tài liệu giảng dạy cho học sinh người Bru - Vân Kiều trong các trường học; bồi dưỡng tiếng Bru - Vân Kiều dành cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng dân tộc, miền núi tỉnh Quảng Trị.

Theo thầy Hồ Quang Tuyến, việc tham gia biên soạn tài liệu và dạy chữ Vân Kiều mang nhiều ý nghĩa.

Lo lắng ngôn ngữ của dân tộc Vân Kiều dần bị mai một, thầy Tuyến mong muốn Nhà nước có chính sách đưa chương trình dạy tiếng Vân Kiều vào các trường dân tộc nội trú, trường bán trú, lồng ghép dạy văn hóa của đồng bào. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần được tập huấn phong tục tập quán, văn hóa Vân Kiều. Về tài liệu giảng dạy cũng cần được biên soạn phù hợp với đối tượng cán bộ, vì tài liệu dạy tiếng Vân Kiều hiện nay được đánh giá khá nặng. Đối với học sinh cũng cần có tài liệu dạy theo từng cấp học.

Ngoài việc giảng dạy, thầy Hồ Quang Tuyến cũng sưu tầm các loại nhạc cụ dân tộc. Thầy đã tự làm các loại nhạc cụ: Đàn ta lư, sáo trúc, đàn bót... Thầy tích cực tham dự các cuộc thi sáng tạo thiết bị giảng dạy, các hoạt động văn hóa do ngành Giáo dục và địa phương tổ chức. Thầy Tuyến ấp ủ dự định sẽ phối hợp thực hiện giới thiệu văn hóa dân tộc Bru - Vân Kiều thông qua mạng xã hội. Qua đó, lưu giữ những nét đẹp cho thế hệ sau hiểu hơn về cội nguồn, khơi dậy ý thức, tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống dân tộc.

Thầy Trần Ngọc Oanh - Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT huyện Vĩnh Linh cho biết: Thầy Tuyến là người con của đồng bào Vân Kiều. Trong quá trình công tác, giảng dạy, thầy Tuyến được đánh giá là giáo viên có năng lực rất tốt, nhiệt tình, năng động. Hơn nữa, thầy Tuyến am hiểu phong tục tập quán, lối sống của bà con Vân Kiều nên có nhiều thuận lợi để tuyên truyền, vận động phụ huynh và quản lý học sinh tại trường. Trước đây, thầy Tuyến là Tổng phụ trách Đội.

Thầy Tuyến đã sáng tạo và tổ chức các hoạt động phong trào sôi nổi. Sau này, khi có giáo viên làm Tổng phụ trách Đội nên thầy làm công tác giảng dạy. Hiện tiếng Vân Kiều chưa được đưa vào giảng dạy trong các trường học. Tuy nhiên, vừa qua nhà trường cũng đề nghị thầy Tuyến xây dựng Câu lạc bộ để dạy tiếng Vân Kiều cho học sinh. Thông qua các hoạt động giao lưu, sinh hoạt thì các em học sinh sẽ biết thêm tiếng và chữ viết của dân tộc mình.

Thầy Tuyến tâm sự: Việc phổ biến ngôn ngữ Vân Kiều hiện nay còn hạn chế. Trong khi đó, giới trẻ ngày nay dường như không hiểu chữ viết của dân tộc mình. Tôi là một người con của đồng bào Vân Kiều, được học tập chu đáo và công tác trong ngành Giáo dục. Do đó, tôi luôn mong muốn bảo tồn tiếng nói, chữ viết, cao hơn là bảo tồn văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.