Người thầy góp phần làm nên lịch sử

Người thầy góp phần làm nên lịch sử
Thầy giáo Chu Cấp (bên phải) cùng đồng đội thời quân ngũ
Thầy giáo Chu Cấp (bên phải) cùng đồng đội thời quân ngũ

Năm 1960, tốt nghiệp Trường Sư phạm Nghệ An, Chu Cấp trở thành GV rồi Hiệu trưởng Trường PTCS Ninh Giang (Hoa Lư, Ninh Bình). Là hiệu trưởng trẻ, năng lực, nhiệt tình, chỉ sau một thời gian công tác, cấp trên lại điều động chàng thanh niên mới 25 tuổi đời vào chiến trường miền Nam gieo hạt ươm mầm cho sự nghiệp trồng người nơi vùng đất đang mưa bom, đạn lửa.

Vào công tác tại Ban GD, Chu Cấp lại đem sức trẻ, tấm lòng nhiệt thành xây dựng nền GD cách mạng. Chưa vợ, xa gia đình, sống trong vòng tay đồng đội nơi miền đất mới. Chu Cấp luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dường như công việc là niềm vui duy nhất của chàng trai trẻ. Để rồi, với lòng nhiệt tình “đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên”, Chu Cấp lại một lần nữa được điều động vào nơi gian khó hơn: chiến trường Nam Bộ.

Với cương vị là Phó ty GD Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Thầy Chu Cấp lại ăn cơm vắt, ngủ hầm gieo chữ nơi mảnh đất nổi tiếng với chiến thắng Ấp Bắc mà Mỹ ngụy ngày đêm cày xới, tìm diệt những mầm xanh cách mạng.

Những lúc gian khó, đối diện với nhiều hiểm nguy đến với mình và đồng đội, Chu Cấp lại nhớ đến những tấm gương cha ông ở quê hương đã từng hoạt động cách mạng ở Nam Bộ, nhớ đến nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, một người bà con bên ngoại của thầy mà tự động viên mình.

Rồi thầy làm thơ, thơ của người chiến sỹ, người thầy giáo:

Dưới hầm sâu dội tiếng bom rền

Viên phấn trong tay vẫn sáng ngời nét chữ.

Quê hương tôi, Phan Đăng Lưu bất tử

Trước mũi súng quân thù vẫn sáng một niềm tin

Những đồng đội, những người học trò đọc thơ thầy mà ấm tình đồng chí, tình thầy trò. Họ nhìn thấy ở thầy không chỉ là người thắp lên ngọn lửa tri thức khoa học (thầy là GV ban khoa học tự nhiên) mà còn là ngọn lửa truyền ánh sáng niềm tin vào chiến thắng cách mạng. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Trúc, Đảng viên, nguyên là cán bộ Ty GD Mỹ Tho nhớ lại:

-Thầy Chu Cấp khi hoạt động tự là Chu Thành Nghệ. Thầy dạy học trò ai cũng mê không chỉ vì thầy có tri thức mà còn bởi tấm lòng nhiệt tình. Thầy bị địch bắt cùng đợt với tôi và anh Trần Văn Tơi, Đảng viên, nguyên là cán bộ cùng Ty GD Mỹ Tho. Chúng tôi chứng kiến thầy bị tra tấn cực hình, chết đi sống lại, chúng dùng nước vôi, nước xà phòng hắt vào mũi, đổ vào miệng, rồi đánh đập gãy mấy chiếc xương sườn mà thầy vẫn không khai. Rồi chúng quẳng thầy ngoài trời nắng cả ngày đêm khiến thầy chỉ còn thoi thóp mà chúng chẳng khai thác được gì.

Khi bị địch bắt, Chu Cấp vừa tròn 30 tuổi (năm 1970). Trong một căn hầm tại xã Mỹ Thành (Cai Lậy, Tiền Giang), đang họp thì địch bất ngờ ập tới, vừa kịp phi tang tài liệu thì Chu Cấp cũng bị kéo lê ra khỏi hầm. Chúng hỏi thầy tài liệu gì, thầy chỉ nói là giấy gói đường, đói quá tôi nuốt để cầm hơi. Chúng đánh thầy nôn ra mật xanh, mật vàng. Mục đích của chúng là bắt tên Việt cộng có chức sắc khai ra bí mật của Đảng bộ Mỹ Tho. Nhưng thầy chỉ nói tôi là thầy giáo dạy Toán, biết gì bí mật chính trị mà khai. Chúng lại tra tấn, hết nhà tù Mỹ Tho đến trại giam Chí Hòa, ở đâu thầy cũng bị chúng “lưu ý” vì là “trí thức cách mạng” chắn hẳn nắm giữ nhiều bí mật quan trọng.

Thế là hết nhà tù Chí Hòa rồi ra Côn Đảo. Ở đâu, Chu Cấp cũng bị chúng “ưu ái” biệt giam nơi khắc nghiệt nhất. Những năm tháng đó, thơ ca là nguồn động viên thầy vượt lên ngục tối. Rồi thầy ghi những câu thơ trên tường để động viên đồng đội:

“...Thân ta ở chốn tù đày

Nhưng tâm ta vẫn mơ ngày tự do

Tự do ta lại vô đây

Thăm nơi in dấu bàn tay chính mình...”.

Đồng chí Đặng Gia Lợi, tự là Ba Bá, nguyên là Bí thư Quận ủy quận 4 (Tp.HCM) nhớ lại: “Từ tháng 4-1972 đến tháng 3-1974 anh Chu Cấp (tự là Chu Thành Nghệ) ở tù với chúng tôi (gồm có tôi và anh Vĩnh Tánh, cán bộ văn phòng Quận ủy quận 4). Chúng tôi ở trại 2 và trại 5 Côn Đảo. Thời gian này, được sự tín nhiệm của tập thể, đồng chí Chu Cấp được giao nhiệm vụ: Phụ trách đội xung kích chống đàn áp; Phụ trách đội phát thanh đấu tranh; Phụ trách thanh niên, văn nghệ và sức khỏe phòng biệt giam cầm cố, chống khổ sai, chống nội quy của địch. Chúng tôi luôn được đồng chí tiếp thêm sức mạnh, ý chí đấu tranh kiên cường nhờ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cách mạng của đồng chí. Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được phân công và là một điểm tựa vững chắc cho anh em đấu tranh vượt qua gian khó. Đặc biệt đồng chí hay làm thơ và truyền tâm hồn lạc quan cách mạng bằng thơ cho chúng tôi”.

Thầy Cấp được trao trả tù binh cùng đợt với đồng chí Võ Thị Thắng, người nổi tiếng trong bức ảnh “Nụ cười chiến thắng”. Trong lao tù, tinh thần lạc quan của Chu Cấp cũng góp phần vào nụ cười “lịch sử” đó.

Tự do, Chu Cấp lại có dịp được về với Cách mạng, với nhân dân như cá về với nước. Đồng chí lại là cán bộ tiên phong tiếp tục sự nghiệp trồng người nơi vùng đất còn chưa im tiếng súng.

Sau ngày giải phóng, gần 40 tuổi, Chu Cấp mới có điều kiện lập gia đình. Cô giáo thôn quê nghe tiếng anh giáo cựu tù mang trên mình bao mảnh đạn thì cảm phục, rồi yêu thương, mặc dù thầy hơn cô 15 tuổi. Công tác ở Sở GD TP.HCM, là Trưởng phòng GD quận I, có điều kiện đưa gia đình vào thành phố nhưng vì dồn tâm trí cho công tác, thầy vẫn một mình xa vợ, xa con. Năm 1979, một lần nữa chiến trường Campuchia lại điều động Chu Cấp sang làm chuyên gia. Ở đây, với kinh nghiệm chiến trường, một lần nữa thầy Cấp lại thể hiện bản lĩnh cách mạng.

Năm 1982, vì hoàn cảnh mẹ già, con nhỏ, thầy Chu Cấp được về quê hương tiếp sự nghiệp GD trồng người, là hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực (Yên Thành), thầy đã có công lớn trong việc xây dựng ngôi trường THPT dân lập Lê Doãn Nhã, đến nay trường trở thành trường dân lập có thành tích học tập cao trong khối dân lập của tỉnh. Cả đời thầy là một tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, không tham quyền chức, luôn nhận về mình những phần gian khó thiệt thòi so với người khác.

Phan Xuân Hậu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.
AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.