(GD&TĐ) - Những ngày trung tuần tháng mười một năm nay, miền Trung nắng vàng đẹp, miền Bắc, miền Nam se se lạnh. Không biết trời đất có hiểu lòng người hay không mà miền Trung không mưa gió sụt sùi, miền Bắc không lạnh lẽo ảm đạm, miền Nam không oi nồng như ở thời điểm này năm trước. Ba mươi năm, mốc thời gian tưởng như cũng bình thường như bao con số tròn trịa khác vậy mà nay bỗng trở nên sống động, làm nao nức lòng người chỉ bởi một ngày vui trọng đại “ Ngày nhà giáo Việt Nam Hai mươi tháng Mười một”.
Ảnh minh họa/internet |
Bắt đầu là những sắc màu rực rỡ hơn thường ngày của hoa, tranh ảnh, quà tặng nơi những quầy hàng lưu niệm hai bên đường phố. Rồi những âm thanh rộn rã từ những mái trường phổ thông ở chốn xa xôi, hẻo lánh, tới những giảng đường đại học, cao đẳng bề thế chốn thị thành.
Vào những ngày đầu tháng 11 này, tôi được may mắn đọc nhiều trang viết của bạn đọc trong ngành giáo dục mà dẫu có bận bịu đến đâu, người biên tập cũng không thể bỏ qua.
Có những dòng tâm tư thật khó có tên gọi, rất giản dị, nhưng như có một sức thôi miên; vì sự trong trẻo, tươi mới, hay vì độ xúc cảm chân thật hiếm có giữa thời buổi cơ chế thị trường? Và tôi vẫn có thể tự tin khi nhận định, cái không hình hài đó chỉ tồn tại ở chốn học đường; nếu tách khỏi lãnh địa của người thầy, nó sẽ trở nên lạc lõng.
Một cựu giáo chức khi viết những dòng cảm nghĩ ở tập đặc san Nhà giáo Quảng Nam đã thốt lên rằng: “ Cảm ơn đời đã cho ta có một thời là thầy giáo”! Có người thầy giáo đã sang tuổi 80 nhớ lại người học trò của mình dù đã trở thành một lãnh đạo khi gặp thầy cũ vẫn luôn cung kính dùng hai chữ “ trình thầy”, vẫn nhắc nhở mọi người “ nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vẫn đến thăm thầy những ngày Nhà giáo Việt Nam; và lời kết thật mộc mạc : “ Người thầy giáo là người nhiều bạn nhất...”...
Người thầy giáo đúng là người nhiều bạn nhất! Ai đó nói rằng, người thầy giáo hôm nay không được kính trọng, tôn vinh như trước là đã nhìn ở một tầm hạn hẹp, là “vơ đũa cả nắm”. Tôi đã từng chứng kiến NGƯT Hoàng Ngọc Luận, nguyên là Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Pleiku –Gia Lai, dù đã về nghỉ hưu, trong những ngày lễ, tết vẫn được đông đảo học trò cũ đến thăm hay gửi thư thăm, bày tỏ nỗi niềm tôn kính. NGNG Lê Phú Lộc, từng ở cương vị Trưởng Ty Giáo dục Quảng Nam-Đà Nẵng cách đây trên ba mươi lăm năm, nay đã ở tuổi chín mươi hai, vẫn nhắc nhớ những ân tình với giáo viên, học sinh của mình vào cái thời đất nước nhiều gian khó nhất. Và theo ông, người thời giáo thời nào cũng có những phẩm chất tốt đẹp, được xã hội nể vì, kính trọng cả.
Trong cơ chế thị trường hiện tại, không phải là những người hiểu về giáo dục, thực làm giáo dục thì khó có thể phân biệt thật giả về sự lũng đoạn các nguồn tin không hay về thầy giáo hay nhà trường. Cái hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” thì chẳng riêng giáo dục, ở đâu mà chẳng có. Tuy nhiên, nếu đi tới tận nơi, tận chốn để chứng kiến những hoạt động của các nhà trường, những việc làm tận tụy của các thầy cô giáo, mới thấy giáo dục đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của đất nước.
Có lẽ hiếm thấy nơi nào trên thế giới, người thầy giáo gắn bó đời mình với vận mệnh của đất nước, của nhân dân như ở Việt Nam. Giở lại trang quốc sử, thời nào cũng có những thầy giáo nêu gương sáng về đức độ, tài năng, khí tiết, trọng chính nghĩa, ghét phi nghĩa, không thỏa hiệp với cái xấu… Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hôm nay, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt để tạo nên nguồn nhân lực dồi dào cho đất nước. Như thế, họ không đáng được tôn vinh hay sao? Món quà vô giá đối với người thầy giáo chân chính là luôn được sự ghi ơn, nhắc nhớ của các thế hệ học sinh ở mỗi một thời điểm đáng ghi nhớ, như ngày hai mươi tháng mười một năm nay!
Thúy Hồng