Người thầy của lớp học bổ túc và xóa mù chữ

GD&TĐ - Là học viên khóa đầu tiên của vườn ươm đỏ Khu học xá Trung ương (đóng tại Quảng Tây, Trung Quốc), khi quay trở lại Nghệ An dạy học, Nguyễn Văn Đồng chỉ mới 20 tuổi. Học viên lớp học của thầy giáo trẻ là cán bộ xã, huyện và cả tỉnh ủy cần bổ túc văn hóa.

Thầy Đồng (bên trái) trò chuyện với học trò, cũng là cán bộ Hội Cựu giáo chức Nghệ An.
Thầy Đồng (bên trái) trò chuyện với học trò, cũng là cán bộ Hội Cựu giáo chức Nghệ An.

Người thầy của các lớp bổ túc

“Thầy mẹ tôi có 5 người con, tôi là con út, sinh năm 1936. Cha tôi nghiêm khắc, con cái đứa nào cũng được học hành. Các anh tôi đi bộ đội, có người làm cán bộ quân khu. Tôi ở nhà học hết lớp 5, cũng đã là lớp cao nhất trong làng”, thầy Đồng nhớ lại. Năm 1951, Nguyễn Văn Đồng là một trong 26 người của liên khu IV (gồm các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh – Bình - Trị - Thiên) được chọn cử đi học sư phạm tại Khu học xá Trung ương. 

26 thanh niên tập trung tại Nam Lạc (nay là xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn) được 3 cán bộ liên khu IV dẫn đường, đi bộ ra cửa khẩu biên giới Lạng Sơn.Vừa đi vừa tránh giặc, ban ngày mượn nhà dân, vạt rừng bên đồi trú ẩn, ban đêm thúc nhau dậy lên đường. Suốt gần 2 tháng ròng rã, các học viên mới đến khu học xá. “Chúng tôi nhập học năm 1951, cũng là lứa học viên đầu tiên, khi đến nơi các thầy cô đã có mặt. Mọi thứ thô sơ, thiếu thốn nhưng chúng tôi học tập với ý chí và quyết tâm cao nhất, để trở về”, thầy Nguyễn Văn Đồng kể.

Học xong sư phạm, năm 1955, Nguyễn Văn Đồng vừa tròn 20 tuổi, trở về làm thầy giáo. Nơi công tác đầu tiên là Trường cấp 2 Tân Dân, đóng tại đình làng Nhân Hậu - trường cấp 2 duy nhất của huyện Nam Đàn. Gần 600 học sinh toàn là cán bộ huyện, các xã, nhiều tuổi hơn thầy. Người trẻ nhất cũng đã 30 tuổi. Ngày đầu đứng lớp, có không ít bỡ ngỡ, xúc động nhưng đủ nhen nhóm tình yêu và sự gắn bó với nghề nơi thầy giáo trẻ.

Thầy Nguyễn Văn Đồng dạy cả 4 môn Toán – Lý – Hóa - Sinh. Sau 1 năm dạy học tại Nam Đàn, thầy giáo trẻ chuyển đến Trường cấp 2 Yên Thành và năm 1959  được điều về Trường Phổ thông Lao động Nghệ An. “Hoàn cảnh đất nước khó khăn, giáo dục thiếu thốn, nhiều cán bộ của tỉnh chỉ mới học xong tiểu học. Vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên Trường Phổ thông lao động Nghệ An là dạy bổ túc văn hóa cấp 2, 3, để các cán bộ nâng cao kiến thức, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao”, thầy Đồng cho hay. 

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau sau đó, thầy đồng được rút về dạy riêng cho cán bộ tỉnh ủy Nghệ An. Vừa thực hiện nhiệm vụ của giáo viên, thầy còn có trọng trách như cán bộ thuộc cơ quan tỉnh ủy. Việc dạy học không giờ giấc cụ thể, không cấp lớp, bàn ghế, cũng không tính thời gian tốt nghiệp. Học viên rảnh lúc nào thầy dạy lúc đó, chủ yếu là buổi đêm với ngọn đèn dầu. Thầy Đồng nhớ lại: “Tôi cũng lo lắng vì học sinh là lãnh đạo, cán bộ tỉnh ủy. Nhưng tinh thần học tập của họ rất nghiêm túc, háo hức, thích được nghe thầy giảng bài, nói về các chuyên đề, cả kiến thức khoa học tự nhiên, triết học…”.

Bà con nhân dân xã Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu) đi học BTVH, 1967. Ảnh tư liệu
Bà con nhân dân xã Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu) đi học BTVH, 1967. Ảnh tư liệu

Trong hơn 7 năm làm nhiệm vụ bổ túc văn hóa cho cán bộ tỉnh ủy, Nguyễn Văn Đồng trở thành người thầy của nhiều thế hệ lãnh đạo Nghệ An. Trong đó, có cố Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ông Võ Thúc Đồng (sau này là tổng thanh tra Nhà nước).

Hoàn thành cơ bản nhiệm vụ tại cơ quan tỉnh ủy, năm 1968, thầy được điều về làm Hiệu trưởng Trường bổ túc công – nông cấp 3 Nghệ An, đóng tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành. Học trò của trường chủ yếu là cán bộ hợp tác xã, bộ đội phục viên. Năm đó, chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, thầy trò vừa học vừa sơ tán, trường lớp tạm bợ, học nhờ trong nhà dân. 

Thầy Nguyễn Văn Đồng cũng là hiệu trưởng cuối cùng của Trường bổ túc công - nông cấp 3 Nghệ An. Đến năm 1971, trường giải thể, thầy Đồng lúc đó 35 tuổi, quay lại sự nghiệp học chuyên tu lên trình độ đại học. Đến năm 1974, thầy tốt nghiệp ngành Tâm lý giáo dục (ĐH Sư phạm Hà Nội) và tiếng Nga, rồi quay về Ty Giáo dục Nghệ An (nay là Sở GD&ĐT Nghệ An) công tác.

Cả cuộc đời gắn bó với nghề giáo

Sau cách mạng tháng 8/1945, bình dân học vụ, xóa mù ở Nghệ An trở thành phong trào lớn, sôi nổi trong quần chúng. Tuy nhiên, do đời sống người dân lúc đó còn khó khăn, vất vả, có giai đoạn chiến tranh lan rộng, nên nhiệm vụ diệt giặc dốt bị gián đoạn. Sau năm 1975 đến đầu những năm 80, tỷ lệ người dân không biết chữ lớn, ngành Giáo dục Nghệ An (có giai đoạn là Nghệ - Tĩnh) quyết tâm thực hiện nhiệm vụ xóa tái mù, phổ cập giáo dục.

Thầy Nguyễn Văn Đồng khi được điều về công tác tại Ty Giáo dục Nghệ An nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Bổ túc văn hóa. Có lẽ, bề dày kinh nghiệm phụ trách nhiều thế hệ và đối tượng học trò bổ túc, thầy trở thành người được tin tưởng và không thể thay thế trong vai trò này.

Học viên bổ túc văn hóa Trường Thanh niên dân tộc Quế Phong trước ngày nhập ngũ 1967. Ảnh tư liệu
Học viên bổ túc văn hóa Trường Thanh niên dân tộc Quế Phong trước ngày nhập ngũ 1967. Ảnh tư liệu

Theo thầy Đồng, 2 nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt được coi trọng lúc đó là xóa mù và bổ túc văn hóa cấp 3. Nghệ An trong những năm 80 của thế kỷ trước thành lập và duy trì hiệu quả các trường bổ túc cấp xã, trường dân chính huyện và tỉnh. Bên cạnh đó, mỗi huyện còn có một trường cấp 3 vừa học vừa làm. Nhờ hệ thống này, đến năm 1990 đã giải quyết được bài toán xóa mù một cách bài bản, hiệu quả. Riêng khu vực vùng cao có 2 trường đặc thù là Thanh niên dân tộc – có tính chất đào tạo cán bộ và trường phổ thông lao động miền núi có nhiệm vụ dạy chữ cho thanh niên, đồng bào. 

Từ năm 1992, thầy Nguyễn Văn Đồng làm trưởng phòng tiểu học. Đây cũng là thời gian Nghệ An nỗ lực thực hiện phổ cập giáo dục. Muốn phổ cập phải giảm tỷ lệ mù chữ. Vì vậy, thầy Đồng lại nối tiếp những nhiệm vụ, thành quả của thời kỳ còn làm “bổ túc”. “Trong thời gian làm phổ cập tiểu học, tôi và đồng nghiệp cứ xe đạp lọc cọc, đi khắp các xã huyện từ miền xuôi lên miền ngược Nghệ An. 

Miệt mài cống hiến cho đến tháng 10/1998, thầy Nguyễn Văn Đồng được nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng thời điểm đó, ngành Giáo dục Nghệ An xin giữ thầy ở lại, để hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị cho đoàn công tác Bộ GD&ĐT về kiểm tra phổ cập giáo dục của tỉnh. Đến tháng 12/1998, Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận phổ cập tiểu học. Khi ấy, thầy Nguyễn Văn Đồng cũng lo trọn trách nhiệm, công sức và cống hiến trọn vẹn sức mình cho ngành Giáo dục. Thầy lui về làm cựu nhà giáo, sống giản dị ở phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An.

Tôi chưa bao giờ hối tiếc và luôn thấy tự hào khi là một trong 26 thanh niên được cử đi học sư phạm gần 70 năm trước. Đến giờ, tôi vẫn chứng kiến và theo dõi những đổi mới của ngành Giáo dục. Tôi cũng đang ấp ủ kế hoạch thành lập hội cựu nhà giáo tâm huyết của Nghệ An. Và mong muốn rằng tâm sức, nhiệt huyết của thế hệ chúng tôi được lan tỏa, tạo cảm hứng cho các nhà giáo bây giờ và sau này. - Thầy Nguyễn Văn Đồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ