Tự học để gần gũi học sinh
Đặc điểm của Trường PTNT tỉnh Vĩnh Long, 100% học sinh là người dân tộc Khơ Me, đa số là hộ nghèo phân bố trên các đơn vị hành chính của tỉnh. Năm học 2016 – 2017 trường có 207 học sinh theo học ở 6 lớp (mỗi khối có 2 lớp). Theo quy định chung, ngoài thời gian lên lớp, toàn bộ học sinh đều ăn, ở tại trường với các chương trình GD-ĐT chặt chẽ. Khó khăn lớn nhất là nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của các em còn hạn chế, đây là khó khăn rất lớn cho đội ngũ giáo viên lên lớp nói chung, giáo viên quản lý ngoài giờ nói riêng, trong đó có thầy giáo Đinh Văn Toàn.
Thầy Toàn cho biết: “Bản thân vừa đứng lớp lại kiêm nhiệm chức danh bí thư chi đoàn nên tất bật lắm nhất là vào mùa hè để tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, ý nghĩa cho học sinh tạo tâm lý thoải mái để bước vào năm học mới”.
Tốt nghiệp Đại Học Cần Thơ năm 2011 lúc 22 tuổi, Đinh Văn Toàn được phân công về công tác tại Trường PTNT Vĩnh Long với bao bỡ ngỡ ban đầu nhất là chưa nắm bắt kịp suy nghĩ, sinh hoạt, ngôn ngữ của học sinh người dân tộc thiểu số. Cạnh đó việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh gặp không ít khó khăn bởi chưa có nhiều sự đồng cảm.
Với suy nghĩ “mưa dầm thấm lâu”, thầy Toàn tự tham gia học ngôn ngữ Khơ Me để dễ hòa nhập với học sinh, tìm hiểu sâu về phong tục, tập quán để có những ứng xử phù hợp trong giảng dạy; liên hệ thường xuyên với phụ huynh để có những biện pháp động viên, quản lý tốt con em của mình.
Em Thạch Trí, học sinh trường chia sẻ: “Thầy rất quan tâm đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của học sinh, luôn lắng nghe, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của chúng em. Cạnh đó còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích, đặc biệt động viên học sinh luôn học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ kính yêu bằng những việc làm thiết thực như: Học tập, rèn luyện, lao động tại trường…”.
Làm theo lời Bác để học trò noi gương
Với thầy Toàn, học tập và làm theo Bác không là những gì xa xôi, khó khăn, xa vời mà chính là những công việc rất đơn giản, đời thường trong cuộc sống mỗi người, trong công việc cụ thể của từng cá nhân, tập thể.
Thầy Toàn tâm sự: “Làm theo Bác không khó, điều quan trọng là có chịu làm hay không và làm như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, thiết thực nhất”.
Biến nhận thức thành hành động, thầy Toàn đề xuất nhà trường xây dựng mô hình “Vườn rau của em” bằng các hoạt động lao động ngoài giờ để xây dựng vườn rau xanh cải thiện bữa ăn cho học sinh nội trú. Điều cốt lõi là nâng cao ý thức yêu lao động, rèn luyện tính cần cù, nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh. Nói nghe đơn giản nhưng khi làm thì thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn trong việc cải tạo đất để tiến hành trồng trọt. Với sự tích cực vượt khó, những vườn rau tươi đã xuất hiện ngày càng nhiều trong niềm vui của thầy trò Đinh Văn Toàn.
Nhiều phụ huynh khi đến thăm con em nội trú rất đồng tình với mô hình trên nên đã góp công, góp sức để vườn rau xanh “làm theo lời Bác” ngày càng phát triển. Không dừng lại ở đó, trong các hoạt động dã ngoại, các buổi tuyên truyền công tác đoàn, thầy Toàn khéo léo lồng ghép nhiều câu chuyên kể về Bác Hồ để giáo dục học sinh. Cạnh đó thầy Toàn còn mẫu mực trong phong cách, lối sống, tận tâm, tận lực truyền đạt kiến thức cho học sinh thân yêu. Bản thân thầy Toàn còn tự nỗ lực học tập để nâng cao kiến thức chuyên môn để áp dụng thực tiễn đổi mới phương pháp trong giảng dạy. Năm 2013, Đinh Văn Toàn đã vinh dự đứng vào đội ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Mới đây, với đề tài rất thực tế “Vườn rau của em”, thầy giáo Đinh Văn Toàn đã vượt qua 30 đề tài khác để đạt giải nhất hội thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” huyện Tam Bình. Tiếp đó anh đạt giải Nhì cuộc thi tỉnh Vĩnh Long.