Nấu cơm nuôi trò nghèo
Thầy A Phiên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học – THCS xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã có 29 năm gắn bó với học sinh vùng cao. Là người địa phương nên thầy hiểu rõ những khó khăn và vất vả mà các em học sinh nơi đây phải trải qua.
Học sinh nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Kinh tế gia đình các em chủ yếu phụ thuộc vào vài sào nương rẫy. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh thường đi làm từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về nhà nên ít quan tâm đến việc học của con em mình. Mặc dù các em theo học ở điểm trường làng, nhưng quãng đường từ nhà đến trường của một số em khoảng 3-4km. Chính vì vậy, các em thường đi học buổi sáng, đến trưa về nhà, rồi nghỉ học buổi chiều.
Thương trò đói cái bụng, thầy A Phiên nấu cơm tại nhà cho học sinh ăn để giữ chân trò ở lớp. Ngoài giờ dạy trên trường thầy A Phiên trồng thêm rau, nuôi thêm gà để cải thiện bữa ăn cho học sinh.
Cùng mong muốn giữ chân học sinh, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học – THCS xã Tu Mơ Rông tổ chức nấu cơm trưa tại điểm trường.
Từ ngày bếp ăn đỏ lửa, đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày thầy A Phiên chạy khoảng 7km từ điểm trường cụm Đăk Ka ra trường chính lấy thức ăn. 8 giờ, khi trở về điểm trường thầy sơ chế thức ăn, nấu cơm rồi lo cho học trò ăn uống. Sau đó, thầy A Phiên mới về nhà ăn cơm cùng gia đình.
“Thời gian đi lấy thức ăn và nấu cơm cho học trò hết buổi sáng, đến chiều mình dạy cho các em biết con chữ. Do đó, công việc nhà mình sắp xếp làm vào sáng sớm và trưa hoặc chiều tối. May mắn, vợ luôn đồng hành, động viên mình cố gắng hỗ trợ, giúp các em học sinh. Khi mình vắng nhà, vợ quán xuyến mọi việc và lo cho các con ăn uống, sinh hoạt. Mình có các con cũng đang ở tuổi đến trường nên hiểu tầm quan trọng của việc học. Chính vì vậy, mình luôn ưu tiên thời gian và mọi điều tốt đẹp cho học trò”, thầy Phiên nói.
Hạnh phúc của giáo viên vùng cao
Theo thầy A Phiên chính vì cuộc sống khó khăn nên học sinh nơi đây còn tự ti, mặc cảm, các em ngại giao tiếp với thầy cô và bạn bè. Đây cũng là một trong những điều khó khăn nhất đối với giáo viên vùng cao. Do đó, tối đến thầy Phiên đến nhà học sinh để nắm bắt hoàn cảnh gia đình của các em. Từ đó sẻ chia, hỗ trợ giúp các em vững bước đến trường.
Thầy A Phiên tâm sự, đối với giáo viên vùng cao không tránh khỏi những khó khăn, vất vả trên hành trình mang con chữ đến với học sinh. Có những lúc mệt mỏi, thầy A Phiên lại nhìn học trò rồi tự động viên bản thân cố gắng. Thầy Phiên nghĩ rằng nếu bản thân không cố gắng mang con chữ đến cho học sinh thì mãi các em không thoát được nghèo đói.
"Đối với bản thân mình niềm hạnh phúc lớn nhất là các em học sinh đến lớp đầy đủ, không có em nào nghỉ học hoặc bỏ học. Bên cạnh đó, các em ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và cố gắng học con chữ. Đồng thời, các em có đủ cơm ăn 3 bữa, áo ấm mặc mùa đông. Mình hy vọng rằng các em sẽ biết con chữ để sau này học lên cao, từ đó mới có hy vọng thoát nghèo và phát triển quê hương. Mình tin rằng, những giáo viên vùng cao khác cũng sẽ hạnh phúc khi học sinh của mình đủ đầy”, thầy Phiên nói.
Theo thầy A Phiên, việc sẻ chia, thấu hiểu với hoàn cảnh gia đình học sinh đóng vai trò rất quan trọng trong công tác dạy và học. Bởi nếu giáo viên không kịp thời nắm bắt sẽ có nhiều học sinh vì gia đình quá khó khăn mà nghỉ học. Bên cạnh việc hỗ trợ vật chất, nhu yếu phẩm thì công tác tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh giúp gia đình thấy được tầm quan trọng của việc học. Từ đó, thay đổi nhận thức để tạo điều kiện tối đa cho con em mình ra lớp.
“Ngoài việc nấu ăn, mình cũng chuẩn bị một số phần quà nhỏ để tặng cho học sinh có thành tích học tập tốt. Qua đó, khích lệ các em khác cố gắng vươn lên trong học tập”, thầy Phiên nói.