An Giang: Thầy giáo tiểu học “vẽ” tranh gạo giúp đỡ học sinh nghèo

GD&TĐ - Một thầy giáo 8x dạy Mĩ thuật tiểu học ở huyện cù lao Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã tạo ra những bức tranh độc đáo và sống động từ những hạt gạo – đặc sản của quê mình.

Ngoài giờ lên lớp, thầy Dương Hoàng Vũ dành hầu hết thời gian còn lại cho việc làm tranh gạo.
Ngoài giờ lên lớp, thầy Dương Hoàng Vũ dành hầu hết thời gian còn lại cho việc làm tranh gạo.

Thầy Dương Hoàng Vũ (sinh năm 1984) đang giảng dạy tại Trường Tiểu học A Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang). Là giáo viên Mĩ thuật nên thầy rất đam mê vẽ tranh, đặc biệt là từ những "hạt ngọc trời".

Với vốn kiến thức về mĩ thuật và đôi bàn tay khéo léo, thầy Vũ đã biến những "hạt ngọc trời" thành tác phẩm nghệ thuật rất tinh xảo, sống động, vừa phục vụ nhu cầu trang trí, làm đẹp thêm cuộc sống cộng đồng vừa tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn.

Ngoài những giờ dạy trên lớp và các hoạt động chuyên môn khác ở trường, thời gian còn lại thầy Vũ dành hết cho công việc sáng tác tranh của mình.

Để có được một bức tranh hoàn chỉnh, thường thầy mất   từ 5 - 7 ngày tùy theo kích thước.

Theo thầy Hoàng Vũ, để cho ra đời một bức tranh hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Trong đó, khâu chọn nguyên liệu và tạo màu là quan trọng nhất.

Để hoàn thành một bức tranh gạo, phải trải qua nhiều công đoạn, như phác thảo hình ảnh, lựa chọn gạo, phối màu, gắn kết các hình mảng...

Để hoàn thành một bức tranh gạo, phải trải qua nhiều công đoạn, như phác thảo hình ảnh, lựa chọn gạo, phối màu, gắn kết các hình mảng...

Gạo phải được vo sạch và phơi khô đem rang trên lửa nhỏ canh đạt đến độ đậm nhạt, sáng tối cần thiết. Thường thầy sử dụng 2 tông màu chủ đạo là màu trắng và nâu đen.

“Trước tiên mình phác thảo các hình ảnh và chi tiết tranh, rồi lựa chọn những hạt gạo có màu sắc phù hợp gắn kết nên các hình mảng với độ đậm nhạt, sáng tối thể hiện rõ nội dung cần diễn đạt, rồi sơn phủ một lớp keo bóng để tranh được bền lâu.

Mỗi công đoạn như vậy đều rất cần có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và khéo léo cùng với cảm nhận thẩm mĩ của người tạo tác”, thầy Vũ chia sẻ thêm.

Hiện thầy Vũ chủ yếu làm tranh theo đặt hàng của bạn bè, đồng nghiệp... Với số tiền kiếm được từ việc bán tranh, ngoài việc phụ thêm kinh tế gia đình, thầy Vũ dành một phần để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về chi phí và dụng cụ học tập.

Nói về dự định trong thời gian tới, thầy Vũ mơ ước sẽ cố gắng mở một cơ sở nhỏ hướng dẫn những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn yêu thích làm tranh để tạo công  ăn việc làm cải thiện cuộc sống. Đây là điều mà thầy  ấp ủ đã nhiều năm qua nhưng vì "cơm áo, gạo tiền" nên vẫn chưa thực hiện được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.