Người phụ nữ Mông và hai lần vượt thoát

GD&TĐ - Mà con đường chị lựa chọn để đi cả cuộc đời mình, và cho cả 4 đứa con gái sau này của chị, là học. Chị là Giàng Thị Khánh Ly, ở thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

5 mẹ con - 5 bông hoa của núi rừng Mộc Châu.
5 mẹ con - 5 bông hoa của núi rừng Mộc Châu.
Người phụ nữ Mông và hai lần vượt thoát ảnh 1Người phụ nữ Mông và hai lần vượt thoát ảnh 2Người phụ nữ Mông và hai lần vượt thoát ảnh 3
Gốc gác chị không ở đấy, mà ở tận bản Lóng Luông, xã Lóng Luông của huyện Vân Hồ bây giờ, nơi bao đời nay người Mông sinh sống. Tên lúc sinh của chị cũng chỉ là Giàng Thị Ly. Sau nửa thế kỷ, khi kể về tuổi thơ cơ cực của mình, chị vẫn nghẹn ngào. 

Bố chị nghèo, không có tiền bạc để cưới vợ, nên sau khi anh trai mất, thì ông về ở luôn với chị dâu góa bụa. Chẳng bao lâu sau, Ly mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với vợ chồng người anh trai (cùng mẹ khác cha). Đứa bé mồ côi là chị phải sống cuộc đời biết bao khổ ải, đầu tắt mặt tối vì sự cay nghiệt của bà chị dâu.

Năm 10 tuổi, Ly có người chị họ công tác ở tỉnh về chơi, thấy em khổ quá, rủ em trốn đi cùng chị. Phải 3 lần trốn thì Ly mới thoát khỏi sự cấm đoán của bà ngoại và vợ chồng người anh. Từ lần trốn thứ ba ấy, Ly đến với ánh sáng văn hóa ở trường thiếu nhi dân tộc tỉnh Sơn La khi đó.

Hè năm 1980, Ly học hết lớp 8 hệ 10/10, nhớ quê quá, Ly theo bạn về chơi, không ngờ cũng là sự trở về của định mệnh. Người anh trai bắt Ly phải ở nhà lấy chồng, để “trả nợ cho tao vì ngày trước tao đã phải mổ trâu làm ma cho mẹ mày”. 

Không cưỡng được, Ly đành phải bỏ dở việc học hành, làm dâu nhà người cùng dân tộc mình ở bản Lũng Xá. Đã có lúc Ly muốn chết, uống thuốc phiện liều cao rồi. May mà mọi người phát hiện cứu được. Cũng may nữa, bố chồng Ly là cán bộ xã, có hiểu biết nên Ly đỡ cô đơn tủi cực. Ly lấy lại được tinh thần, tham gia công tác hội phụ nữ, rồi mở lớp ở bản dạy chữ cho các em không có điều kiện đi học ở xã, huyện. 

Ly còn quyết chống lại các hủ tục lạc hậu bao đời nay bén rễ ở địa phương. Ly mua nhà cũ về dựng làm nhà ở, xây bể chứa nước mưa, trồng khoai lang và lạc khi mà bà con ở đây từ xưa đến nay chỉ biết trồng ngô. Ly cũng là người phụ nữ đầu tiên ở địa phương dám mặc quần như người Kinh cho đỡ vất vả mà không mặc váy tự mình làm, cho dù phải nghe lời qua tiếng lại chê bai là “vì lười, vụng, không làm được váy nên mới phải mặc quần của người Kinh”.

Cứ nỗ lực vượt qua số phận, Giàng Thị Ly lại tiếp tục được cử đi học ở trường sư phạm Hát Lót rồi năm 1989 thì chính thức trở thành giáo viên tiểu học ở trường tiểu học xã Lóng Luông, rồi phấn đấu trở thành hiệu phó nhà trường.

Khi đã có 3 cô con gái và đứa lớn đến tuổi đi học, cô giáo Giàng Thị Ly lại quyết định “vượt thoát” lần thứ hai, vì tương lai của những đứa con. Chị xin chuyển lên Ban tuyên giáo huyện Mộc Châu. Đó là một quyết định dũng cảm, bởi đang hưởng lương hiệu phó tiểu học 800.000đ/tháng, nay lên huyện chỉ còn 370.000đ, nồi cơm của con vơi đi hơn một nửa còn gì! Dũng cảm còn là vì không có một ai ủng hộ quyết định này của chị, cả làng, cả họ, trừ bố chồng chị. 

Ông bảo, tùy con, miễn sao nuôi dạy con cái nên người. Có trong tay “chiếc gậy tinh thần” đó, chị lên đường, đói cũng cố, khổ cũng chịu. Chị vẫn đi đi về về với “mái nhà lạnh” của mình, vì chồng chị còn bắt chị phải đẻ cho nhà anh một đứa con trai. Năm 1990, chị lại sinh thêm một cô con gái nữa. 

Nhưng cái chí vượt thoát thì không hề nhụt. Chị nhẫn nại làm con dâu, làm vợ, làm mẹ, công tác, và học. Lắm khi mẹ học, con học. Từ một giáo viên tiểu học, Giàng Thị Ly đã học tiếp lên Đại học, rồi học lý luận cao cấp. Tiền không đủ, chị phải vay ngân hàng để cả 4 đứa con đều được học hết phổ thông. 

Riêng con gái lớn là Tráng Thị Dua về quê lấy chồng, còn 3 cô em sau đều vào đại học: Tráng Thị Đua học Đại học Nông nghiệp, Tráng Thị Giàng học Đại học Văn hóa rồi học cao học và đã trở thành thạc sỹ đầu tiên của phụ nữ Mông huyện Mộc Châu và tỉnh Sơn La, Tráng Thị Ganh học Đại học Lâm nghiệp.

Không chỉ lo việc học hành cho mình và cho các con, Giàng Thị Ly còn dành thời gian cho niềm đam mê văn nghệ của mình. Là hội viên Hội văn học nghệ thuật huyện Mộc Châu, Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, chị từng có tác phẩm văn xuôi đăng trên tạp chí Suối Reo của Sơn La, Giàng Thị Ly cũng từng giành Huy chương vàng hát ru toàn quốc năm 1992, Huy chương bạc Liên hoan giọng hát dân ca các dân tộc Việt Nam lần thư nhất do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1998. Cái tên Khánh Ly của chị cũng như một sự ngợi ca mà bạn bè dành tặng chị.

Không thể hình dung chị làm bấy nhiêu công việc ấy như thế nào, trong khi còn phải đảm nhận nhiều cương vị quản lý khác, từ Ban dân vận đến Phó Chủ tịch UBND huyện, rồi Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Chủ tịch Hội khuyến học Mộc Châu,....

Không ai có quyền lựa chọn cha mẹ và nơi sinh ra mình, nhưng lựa chọn con đường đi cho cuộc đời mình thì lại hoàn toàn có thể. Người con gái Mông họ Giàng đã làm được điều đó. Giàng Thị Khánh Ly đã hai lần có quyết định vượt thoát, không buông trôi số phận tối tăm vì thiếu tri thức, cho mình và cho cả những đứa con gái mình sinh ra cũng như bao thế hệ chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ người Mông của chị.

Ấy thế nhưng chỉ có một điều chị không thể vượt qua để rồi chấp nhận không bao giờ có được một nửa kia của đời mình. Vợ chồng chị đã chính thức li hôn khi chồng chị “bắt” một cô vợ khác về nhà mình vào năm 2002 với mục đích để sinh con trai nối dõi tông đường. 

Thôi thì, đành chịu kiếp hồng nhan lẻ bóng. May mà, căn nhà của chị ở thị trấn Mộc Châu bây giờ lúc đông đủ con cháu cũng là 3 mâm (1 mẹ 8 con 8 cháu), còn thường ngày thì cả 3 đứa con của cô con gái lớn Tráng Thị Dua ở đây với chị, “để cho các cháu được học hành đầy đủ” – chị bảo thế.

Chia tay tôi, chị còn dặn với: “Đừng nhắc gì đến chức vụ của chị nhé, vì chị sắp nghỉ hưu rồi. Chỉ làm khuyến học, làm văn nghệ nữa thôi”. Trong bài viết này, tôi đành vi phạm lời hứa với chị, bởi những chức vụ mà chị từng đảm nhận, cũng hoàn toàn xứng đáng, tiếp thêm nguồn sức mạnh cho chị em người dân tộc thiểu số, đặc biệt phụ nữ người Mông của quê hương chị vươn lên cùng tiến bộ với chị em các dân tộc trong huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.