Trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mùa xuân bao giờ cũng để lại trong tâm khảm thi nhân những xúc cảm khó quên. Trong phong trào Thơ mới (1932 - 1945), có không ít những thi nhân cũng đã từng nặng lòng với mùa xuân, đem vào những ý thơ của mình những vần thơ xuân độc đáo.
Xuân Diệu “thi sĩ của mùa xuân”, người nhìn thấy xuân qua khi xuân vừa tới, xuân già khi xuân hãy còn non lại nhận ra mùa xuân đến với “Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm/ Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu”. Trong trái tim của vị thi sĩ yêu đời đến mức đắm say này, tình xuân luôn đầy ăm ắp “Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng” bởi lẽ trong ông “Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng”(Xuân không mùa).
Trong phong trào Thơ mới, Đoàn Văn Cừ là bậc thầy trong khả năng tái hiện chân thực sinh hoạt ngày Tết. Nhà phê bình văn học tài hoa Hoài Thanh từng khẳng định: “Cứ nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng...”.
Không những gợi ra cái phong vị Tết rất riêng, phiên chợ Tết trong thơ của Đoàn Văn Cừ là bức tranh sống động, tươi mới về cảnh làng quê đầy ắp hình ảnh Tết tràn ngập. Niềm hân hoan đón Tết trở nên xốn xang rạo rực trong lòng người trẻ, người già: “Thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lặng lẽ/ Em bé nép đầu bên yếm mẹ/ Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu/ Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ/ Thầy khóa gò lưng bên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân...” (Chợ Tết).
Ngay cả Hàn Mặc Tử, một diện mạo thơ được xem là bí ẩn phức tạp và kì dị nhất trên thi đàn cũng có những ý thơ về mùa xuân thật trong trẻo. Những câu thơ xuân khiến độc giả vẫn còn ngân nga mãi: “Trong làn nắng ửng: Khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang/ Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời/ Bao cô thôn nữ hát trên đồi/ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...”(Mùa xuân chín).
Nhưng trong phong trào thơ làm nên “Cuộc cách mạng trong thi ca” đó, người viết nhiều về mùa xuân hơn cả có lẽ là Nguyễn Bính. Nguyễn Bính có hẳn những thi phẩm lấy nhan đề từ xuân như Rượu xuân, Xuân về, Nhạc xuân, Xuân, Vườn xuân, Thơ xuân, Mùa xuân xanh, Xuân tha hương, Gái xuân, Xuân vẫn tha hương, Xuân thương nhớ, Xuân về nhớ cố hương,...
Để làm nên một mùa xuân đúng nghĩa cần những cành đào, cần chim én liệng rợp trời, cần làn gió se sắt hanh hao còn sót lại của ngày đông. Nhưng điều làm nên chất riêng và khí vị của xuân đất Bắc vẫn là mưa xuân. Mưa xuân lại là đặc sản của mùa xuân đất Bắc. Những hạt mưa li ti, bay lất phất trong gió, mỏng manh chưa đủ để làm ướt áo nhưng lại khiến lòng người tơ vương. Trong thơ xuân của mình, Nguyễn Bính luôn hướng đến khắc họa một mùa xuân đậm hơi thở của xuân đất Bắc. Những giọt mưa xuân đó cũng đã từng không ít lần nhỏ xuống hồn thơ nhạy cảm của Nguyễn Bính những chấm lạnh:
“Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân
Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần...
Chiều xuân lưu luyến không đành hết
Lơ lửng mù sương phảng phất mưa”
(Mưa xuân II)
“Và trong từng cánh, trong từng cánh
Những hạt mưa hiền lấm tấm rơi...”
(Vườn xuân)
“Nêu cao, pháo nổ, trầm thơm ngát.
Hoa bưởi, hoa cam rụng ngập vườn.
Mưa xuân rắc bụi quanh làng mạc...”
(Xuân vẫn tha hương)
“Ta đi khuất nẻo đường làng
Mặc cho mưa bụi ướt tràng áo xanh”
(Xuân về)
Thi phẩm “Mưa xuân” được sáng tác vào năm 1936, lúc ấy Nguyễn Bính mới 18 tuổi. Đây là một trong “những bài thơ quê sáng như lụa của Nguyễn Bính” (Tô Hoài). Bài thơ men theo một mạch chuyện hấp dẫn của Nguyễn Bính với cách làm duyên từ lối kể chuyện rất có duyên. Nhân vật chính tự tình trong “Mưa xuân” là một cô gái đẹp người đẹp nết, hay lam hay làm, tâm hồn còn trắng trong như lụa:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
Ngay từ những ý thơ đầu tiên, Nguyễn Bính đã giới thiệu về một cô gái trong sáng thuần khiết con nhà lành, đúng kiểu hoa thơm còn phong nhụy. Không gian “trong khung cửi” gói cô gái lại trong một thế giới của bình yên, ít biến động bão tố. Câu thơ gợi ra được đức tính cần mẫn rất Việt Nam “Quanh năm” đều đặn, chăm chỉ. Lòng cô vẫn còn đang nguyên vẹn, chưa có những rung động đầu đời. Cô gái dệt lụa và lòng cô cũng như lụa: Dịu êm và tinh khiết. Lụa trắng vừa đẹp vừa quý, mẹ già cất nhắc giữ ở trong nhà chứ chưa vội vàng gì đem ra chợ bán... Cách so sánh của Nguyễn Bính ở đây thật tự nhiên và ý nhị.
Lòng thấy giăng tơ một mối tình...
Tất cả sẽ bình yên nếu như không có “bữa ấy”. “Bữa ấy” mang theo cả mưa xuân và hoa xoan hai yếu tố tự nhiên của tạo hóa đất trời. “Bữa ấy” còn có thêm tiếng trống chèo giục giã từ làng bên. Thật trùng hợp, mùa xuân là mùa của hội hè gặp gỡ, mùa của gái trai chớm nở những sợi tơ duyên. Như vô tình mà hữu ý, lòng trẻ còn nguyên vẹn sự tinh khôi đã sớm có những rung động đầu đời từ bữa có mưa xuân và hoa xoan đấy. Cùng với những nguyên cớ rất thơ đó, lời dặn dò của mẹ càng khiến cõi lòng cô gái thêm hồi hộp và thổn thức nỗi mong chờ:
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh
Những tác động của ngoại cảnh đã khiến tâm hồn trắng trong như lụa của cô gái có những xao động để bàn tay thoăn thoắt như con thoi dệt lụa ấy phải dừng lại giữa chừng. Và rồi cô mơ tưởng, thầm thương trộm nhớ. Nguyễn Bính đã thật khéo léo khi miêu tả nỗi ngại ngùng rất con gái của cô gái dệt lụa. Mưa xuân đã giăng tơ vào đất trời và cũng giăng tơ vào lòng người một nỗi niềm xốn xang khó nói. Chính vì khó nói mà ta bắt gặp một lối nói kiểu vòng vo lấp lửng mà ý nhị kiểu người quê. Các từ “hình như”, “có lẽ” gợi ra sự phỏng đoán chứ chưa thật sự chắc chắn. Trong thơ Nguyễn Bính đã không ít lần xuất hiện những “hình như” đầy tình tứ đó:
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng dập miếng giầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau
(Chờ nhau)
Ở ý thơ trong “Mưa xuân” không còn cái nghĩa không chắc chắn nữa mà hiển nhiên là tình yêu đã nở trong lòng cô gái. Tình yêu mới chỉ hàm tiếu như nụ cười còn ngậm trong miệng chứ chưa thể là hoa nở hết cỡ kiểu mãn khai. Bởi vậy mà vẫn còn những mơ mộng đến cả tin, những phỏng đoán đến ngây thơ từ cô gái. Không còn ngại ngùng e ấp nữa, cô gái gieo hi vọng được gặp chàng trai trong đêm hội làng. Cô ngửa lòng bàn tay ra ướm đo mưa và tin tưởng:
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem.
Cái cách đo mưa bằng lòng bàn tay thật trong sáng và mới đáng yêu làm sao! Có một sự thôi thúc để cô gái ấy quả quyết và đinh ninh một ý nghĩ là sẽ gặp được người tình mong đợi. Chính bởi sự thôi thúc nên cô “bứt mình khỏi khung cửi để bước ra với mùa xuân, tự mình làm một con thoi để dệt nên mối tình đầu”:
Em xin phép mẹ vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê
Khi trong lòng đã sẵn ý tình, khi tình nổi gió và... màu yêu lên sóng mắt thì mọi thứ thật háo hức, thật hấp tấp và vội vàng. Ta đọc được trong bước chân của cô gái ấy bước chân của cô Kiều ngày xưa khi sang với Kim Trọng: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường”... Bởi háo hức được gặp để thỏa lòng mong nhớ nên tất cả mọi ý nghĩ len lỏi trong đầu cô gái chỉ là ngụy biện. Bước chân trở nên nhanh hơn, tất tả hơn, bươn bả hơn: Mưa bụi có hề chi “không ướt áo”, đường gần có hề xa chỉ “cách một thôi đê”.
Những câu thơ trên là tin xuân, ý xuân phơi phới, phập phồng trong trái tim thiếu nữ.
...Để cả mùa xuân cũng lỡ làng!
Sẽ không có chuyện gì để nói nếu cô gái gặp được chàng trai. Thế nhưng, điều đặc biệt ở đây là nỗi đợi chờ không đến. Ánh mắt cô gái dáo dác tìm gặp cho được bóng dáng người thương, nhưng không thấy:
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.
Những câu thơ là lời tự thuật về một tâm trạng khắc khoải thiết tha. Đã “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa” nhưng rốt cuộc trong cái thâu đêm rộn ràng tiếng trống chèo đó, một con người bỗng nên bơ vơ, lạc lõng vì không gặp được người thương. Nỗi buồn đã đậu xuống sóng mắt nên cái cớ: “Mẹ bảo: thôn Đoài hát tối nay” và cái mục đích “Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe” dường như bất thành. Lòng cô trống hoang, còn đâu tâm trí để xem hát nữa. Mọi thứ bỗng chốc xáo trộn. Cô nghĩ thương giường cửi lạnh, thương thoi ngà. Cô phụ giường cửi, thoi ngà thì lại bị chính anh chàng phụ cô. Phải chăng quyết định đi xem hát là sai lầm, là vụng dại:
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng lỡ làng!
Nguyễn Bính đã bắt đúng được cái giọng quê trong lối nói rất gần với người quê bởi cách nói “chờ mãi”, “thế mà” đầy dỗi hờn, trách móc. Chờ đợi hoài công đến thâu đêm, cô đành ngậm ngùi ra về nhưng không khỏi xót xa. Lời thơ từ giận cho người mà tủi cho mình. Anh hẹn sang mà chẳng sang, vậy mà hôm trước năm lần bảy lượt hẹn người ta. Ý thơ bắt đúng cái sự hào phóng trong hứa hẹn những lời chót lưỡi đầu môi của các chàng trai và sự cả tin của các cô gái. Anh chàng tệ bạc đến thế là cùng. Đáng thương thay cho cô gái với mối tình đầu chớm nở như nụ hoa xuân bỗng chốc bị trận gió phũ phàng thổi rụng. Đó là những tổn thương đầu đời mà ở “Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm chưa dễ đã ai quên” (Thế Lữ).
Mưa xuân kết thúc bằng một điệp khúc buồn như một sự đối trọng với những ý thơ trước. Từ “vội vàng đi” cô gái “lầm lụi về”. Mưa xuân cũng chẳng “mưa bụi” nữa mà trở thành “Mưa nặng hạt”. Lúc trước “mưa xuân phơi phới bay”, bây giờ “mưa xuân đã ngại bay”. Những làn hoa xoan rụng bỗng trở nên xác xơ “hoa xoan đã nát dưới chân giày” chứ không còn “lớp lớp rụng vơi đầy”. Mọi thứ thật não nề theo bước chân lầm lụi của cô gái. “Áo mỏng che đầu sao khỏi ướt, dải đê ngắn bỗng trở nên dài” (Lê Quang Hưng). Những câu thơ cất lên như một tiếng lòng thổn thức:
Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.
Lúc đi và về, cảnh trước và sau có một sự tương phản rõ nét. Tất cả bởi chính tâm cảnh chi phối ngoại cảnh. Thật đúng như cụ Nguyễn Du từng đúc kết “Tẻ vui bởi tại lòng này”.
Từ hăm hở đi xem hội làng, cô gái trở về với bao hẫng hụt. Lòng trẻ đã không còn như thoi sợi trắng nữa rồi. Bài thơ kết thúc với nỗi lòng trong chín nhớ mười mong. Sự lỗi hẹn của chàng trai làm trái tim cô gái chớm nở đã vội tàn. Dẫu vậy, cô gái vẫn không nguôi tắt một niềm hi vọng:
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng: Hát tối nay?
Câu thơ cất lên như một sự thảng thốt, một niềm tiếc nuối, một sự hoài vọng ngóng trông. Phép điệp cú pháp bởi ý thơ “Mùa xuân đã cạn ngày” trở đi trở lại. Ngày xuân đã cạn thật rồi, tuổi xuân của cô thiếu nữ cũng hao khuyết đi bởi một mùa xuân lạnh. Trong cái buồn của nỗi niềm “mùa xuân đã cạn ngày” thì sự háo hức của những mùa xuân sau cũng cạn vơi đi một nửa. Với lối nói dân gian Bao giờ cho đến bao giờ gợi ra thời gian dằng dặc nhưng cũng chính là không gian xa lắc của tình cảm, nhớ thương. Biết bao giờ cô gái đó mới được trở lại với nỗi xốn xang hồi hộp như ngày nào... Biết bao giờ để cô gái lại được nghe mẹ bảo, lại được thấp thỏm chờ và tìm như “bữa ấy”?
Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính dù ở cung bậc cảm xúc nào cũng đều mê hoặc và quyến rũ lòng người: Những nỗi lòng, khắc khoải chờ mong, sự nhớ thương da diết. Những xúc cảm đó hòa vào cảnh sắc và bóng dáng con người trong thơ ông thấm đượm tình quê, duyên quê, phảng phất ý vị và vẻ đẹp “chân quê”. Mùa xuân không chỉ là ám ảnh mà còn trở thành định mệnh trong đời thơ Nguyễn Bính. Vì thế, có lẽ không ai viết về mùa xuân nhiều như Nguyễn Bính và cũng không ai viết buồn như Nguyễn Bính. Nguyễn Bính ra đi ở tuổi 48 vào 29 Tết xuân Bính Ngọ (1966). Cái buồn và mùa xuân trong thơ của ông dường như được vận vào cả cuộc ông vậy: “Năm mới tháng Giêng mùng Một Tết/ Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân” (Nhạc xuân).